Hiện nay, hầu hết các con đường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã được đặt tên, tên đường cũng đã qua một số lần thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, thể hiện sự quan tâm đến việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị của các cấp lãnh đạo và quản lý.
Nhìn trên bản đồ du lịch cũng như trên bản đồ trực tuyến về thành phố, ta có thể thấy hầu hết tên đường được mang tên của các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa lịch sử…, tên địa danh chỉ chiếm rất ít. Tuy nhiên, tên của một số anh hùng, danh nhân, trí thức… được đặt cho một số con đường chưa đầy đủ về họ tên, chưa có tính thống nhất. Chẳng hạn các con đường mang tên Y Jut, Y Wang, Y Ngông, Y Nuê… lẽ ra cần phải ghi đầy đủ là Y Jut Hwing, Y Wang Mlô Duôn Du, Y Ngông Niê Kdăm, Y Nuê Buôn Krông… trong khi các con đường mang tên Ama Khê, Y Ni Ksor, Y Bih Alêô, Nơ Trang Gưh, Đinh Nup, Ôi Ắt… hoặc Phan Bội Châu, Chu Văn An, Hoàng Diệu, Trần Phú, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tất Thành… lại đầy đủ cả họ và tên. Việc gọi tên thường chỉ xảy ra khi xã giao hằng ngày, xã giao mang tính bình thường, ít khi được dùng trong các cuộc xã giao trang trọng, trong các văn bản quan trọng.
Thiết nghĩ, việc đặt tên đường theo tên của các anh hùng, danh nhân, người có công với nước không chỉ để ghi nhớ công lao của họ mà còn có tác dụng giáo dục truyền thống văn hóa – lịch sử của dân tộc, góp phần quan trọng nâng cao niềm tự hào, tình cảm gắn bó của người dân đối với quê hương. Vì vậy, nên chăng cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện và thống nhất cách đặt tên đường ở TP. Buôn Ma Thuột, tạo thư mục tiểu sử các nhân vật được đặt tên đường và thông qua HĐND các cấp công bố rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh để việc đặt tên đường ngày càng hoàn thiện và đầy đủ ý nghĩa.
Tôi sưu tầm và viết lại ở đây để ghi nhớ ông Ngô Văn Phát, bút danh Thuần Phong, người đặt tên đường Sàigòn.
Sau 1975, một số con đường đã đổi tên. Tôi muốn nhắc lại một số con đường cũ như là một sự tôn vinh ông Ngô Văn Phát, sinh ngày 16/10/1910, tại Bạc Liêu, trưởng phòng họa đồ của tòa đô chánh. Năm 1956, ông có nhiệm vụ đổi tên tất cả con đường Sàigòn từ tiếng Pháp sang tiếng Việt trong vòng 3 tháng. Ngẫm lại mà thấy sự uyên bác về lịch sử, thâm thúy về văn hóa và không kém phần dí dỏm và hài hước của ông.
(1) lý tưởng cao đẹp dân tộc thì có đường: Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hòa, Thống Nhất;
(2) đường đi ngang qua bộ y tế, nay là sở y tế, thì tên đường là Hồng Thập Tự thì nay là Nguyễn Thị Minh Khai; đường chạy từ phi trường Tân Sơn Nhất đến Bến Chương Dương là đường Công Lý, bởi vì con đường này đi ngang qua tòa án, ngay công viên Bạch Tùng Diệp; đại lộ Nguyễn Huệ, từ ủy ban nhân dân đến bến Bạch Đằng, rộng, đẹp, ngắn, vì nó phải tương xứng với cuộc đời ngắn ngủi của ông (con đường dài là cuộc đời dài, con đường rộng là công trạng đóng góp lớn lao), chẳng hạn Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng và Lê Lợi rất dài (Lê Lai cứu Lê Lợi, cho nên cắt với Lê Lợi và ngắn hơn, nhỏ hơn vì chết sớm); đường đi ngang qua bệnh viện da liễu thì lấy tên nữ sĩ Hồ Xuân Hương vì có vần thơ dung tục không nhẹ; trường nữ sinh Gia Long, nay là trường NTMK nằm trên đường ĐBP, thì cặp 2 bên là tên 2 nữ sĩ lừng lẫy của Việt Nam là Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm; đường phía sau dinh Độc Lập là Huyền Trân Công Chúa (người ân nhân mở mang bờ cõi) như lời nhắn gửi là ai ngồi vào dinh thì phải tìm người nữ công trạng giống vậy; đường nhiều bóng cây, biệt thự, thơ mộng nhất là đường đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân VH thế giới và đường Duy Tân nay là Phạm Ngọc Thạch;
(3) đường cạnh nhau thì các danh nhân phải có liên hệ nhau thì phải gần nhau hay cắt nhau: Nguyễn Thái Học, Cô Giang và Cô Bắc (cùng khởi nghĩa Yên Bái); Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ) và các con là Phan Liêm và Phan Ngữ (cha tuẫn tiết mất, các con thay cha kháng Pháp); Khổng Tử và Trang Tử ở quận 5, khu người Hoa; Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes song song nhau và song song với đại lộ Thống Nhất, nay là Lê Duẩn, một người thay chữ Hán bằng chữ Nôm và một người làm ra chữ quốc ngữ; hai vị trung thần nhà Nguyễn mở mang bờ cõi về phía Thái Lan, thì có 2 con đường Lê Văn Duyệt (nay là CMT8) [một bậc trượng thượng cho hay, đức tả quân Lê Văn Duyệt được hành lễ lại ở Lăng Ông Bà Chiểu] và Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sĩ) hướng về Bà Quẹo, Gò Dầu đi đến Cambodia;
(4) Chúa Hoàng (đường Nguyễn Hoàng thay bằng Trần Phú) là người có công mở mang bờ cõi bằng diện tích nửa VN hiện nay từ Phú Yên đến mũi Cà Mau, chưa kể đến Hoàng Sa và Trường Sa, thì bị xóa tên? Đường mang tên vua Hiền Vương (Nguyễn Phúc Tần), nay là đường Võ Thị Sáu, là người mở mang cả vùng Gia Định xưa kia rộng lớn bị xóa tên? Tôi sẽ kiến nghị thành phố thêm vào 2 đường Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Tần. Chưa biết đặt ở đâu, nhưng xét về công trạng thì to lớn vô cùng. Đường Gia Long nay là Lý Tự Trọng, một đối trọng với vua Quang Trung thì bỏ đi mất. Ngày xưa, hàng năm tôi đi dạy về kinh tế, lịch sử và văn hóa ở Tây Ninh, có tới 500 người tham dự, có cả chủ tịch và bí thư tỉnh tham dự, tôi bỏ thời gian tìm hiểu lịch sử vùng này, thì vua Gia Long cho quân sĩ dẫn thủy nhập điền, đưa dân và quân sĩ sống ở đây để giữ đất, giữ nước, chứ từ đây mà bước qua biên giới, đi vào Cambodia hàng trăm cây số đất đai khô cằn. Ở về khía cạnh này, thì ông cũng là ân nhân đất nước. Người ta đã đặt tên đường Gia Long mà, nay là Lý Tự Trọng. Công tội nên phân minh. Ngày trước, tôi dạy học về, thấy con gái khóc, mới hỏi nó tại sao. Nó vừa khóc vừa nói: “Cô kêu viết về danh nhân hay người anh hùng là tên đường nhà mình, tại sao ba không mua nhà ở Hai Bà Trưng hay Trần Hưng Đạo, có tiểu sử mà kể, ba mua chi nhà ở Huỳnh Văn Bánh (trước 1975 là đường Nguyễn Huỳnh Đức) ông ấy tham gia cách mạng rồi chết, tiểu sử 3 dòng, sao con viết?”.