Đi đám cưới nên mừng bao nhiêu tiền?

 Đi đám cưới nên mừng bao nhiêu tiền?

Khi chúng ta được mời tham dự một tiệc cưới thì việc bỏ phong bì tiền mừng trở thành một luật bất thành văn. Nếu bận việc không dự đám cưới cũng phải nhờ người bỏ phong bì giùm. Nhưng đa số phân vân không biết đi đám cưới nên mừng bao nhiêu tiền là đủ

Tóm tắt nội dung:

  • Đi đám cưới nên mừng bao nhiêu tiền?
    • Gửi tiền mừng cưới theo địa phương.
    • Gửi tiền mừng cưới theo mối quan hệ.
    • Gửi tiền mừng cưới theo địa vị xã hội.
    • Gửi tiền mừng cưới theo địa điểm tổ chức.
    • Gửi tiền mừng cưới theo số lượng người tham dự.
    • Gửi tiền mừng cưới theo thu nhập cá nhân.
  • Không đi đám cưới mừng bao nhiêu tiền?
    • Không đi đám cưới có được không?
    • Không đi đám cưới có phải gửi tiền mừng không?
    • Khi nào không dự đám cưới, không gửi tiền mừng?
  • Những vấn đề liên quan đến gửi tiền mừng.
    • Ý nghĩa số tiền mừng đám cưới là gì?
    • Mặt trái của việc gửi tiền mừng đám cưới?
    • Cách gửi tiền mừng theo mối quan hệ như thế nào.
    • Bỏ phong bì tiền chẵn hay tiền lẻ?
    • Ai sẽ ngồi giữ thùng tiền đám cưới?
    • Tổ chức đám cưới xong chắc lời lắm?
    • Tiền mừng đám cưới ai giữ?
    • Làm gì với tiền mừng cưới?
    • Có nên nhận tiền mừng sau đám cưới?
    • Có nên bán vàng cưới không?
  • Văn hóa mừng đám cưới của Phương Tây.
    • Cách mừng đám cưới của Phương Tây.
    • Cặp đôi Phương Tây thường tự chủ về kinh tế.

Đi đám cưới nên mừng bao nhiêu tiền?

Khi đến độ tuổi trưởng thành, tốt nghiệp Đại Học rồi đi làm vài năm, thế nào chúng ta cũng rơi vào tình huống được mời ăn cưới liên miên. Trung bình mỗi người một năm đi 4-5 đám cưới là bình thường. Còn ai có mối quan hệ rộng thì nhiều hơn một chút. Nếu không đến thì khó xử, mà đến thì không biết đi đám cưới bao nhiêu tiền là đủ.

Gửi tiền mừng cưới theo địa phương.

Chi phí tổ chức đám cưới, đãi tiệc ở mỗi địa phương sẽ khác nhau. Còn tùy thuộc thành phố lớn, tỉnh lẻ hay vùng nông thôn. Ở thành phố, người ta thường tổ chức đám cưới trong nhà hàng nên chi phí đắt đỏ hơn, bạn nên đi từ 500k – 1 triệu. Cần phải tinh ý đừng để gửi tiền mừng ít hơn tiền tiệc, như vậy sẽ hơi khó xử cho cả hai. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn thì khác do chi phí tổ chức sẽ thấp hơn. Chúng ta có thể dựa theo mức ăn cưới trung bình của người dân ở Tỉnh hiện nay là 400-500k. Trong bài này, sẽ chủ yếu gợi ý cách gửi tiền mừng đám cưới ở các thành phố lớn như: Sài Gòn, Đăk Lăk, Buôn Ma Thuột…

Gửi tiền mừng cưới theo mối quan hệ.

Gửi tiền mừng cưới dựa theo mối quan hệ, hay còn dựa trên mức độ thân thiết giữa bạn và Cô Dâu Chú Rể. Nếu là bạn bè thì hãy xem xét các trường hợp sau: Là bạn thân, bạn tuy quen lâu nhưng không quá thân, bạn xã giao, hay là đồng nghiệp. Nếu là bạn thân, chơi với nhau lâu thì bỏ phong bì đôi ba triệu, hoặc hơn nữa cũng là bình thường. Nếu là bạn quen đã lâu, bạn xã giao, đồng nghiệp có thể cân nhắc ở mức 500k-1 triệu tùy điều kiện.

Gửi tiền mừng cưới theo địa vị xã hội.

Nếu người mời đám cưới là sếp, con của sếp, hoặc con của ông nọ bà kia. Nôm na là những người có vai vế trong xã hội thì bạn cần phải cân nhắc về việc gửi phong bì. Gửi nhiều thì mình không có, gửi ít thì không tương xứng với địa vị của người ta. Thậm chí là người ta còn đánh giá mình không xem trọng mối quan hệ. Sau này các công ăn việc làm, rồi khi cần giúp đỡ việc nọ việc kia chắc không được thuận lợi. Lời khuyên trong tình huống này là bạn nên rộng rãi một chút. Mặc dù điều đó có thể làm bạn hơi “đau ví”, nhưng mối quan hệ có được mới là quan trọng.

Gửi tiền mừng cưới theo địa điểm tổ chức.

Khi nhận được thiệp mời đám cưới, bạn nhất định phải lưu ý về địa điểm diễn ra đám cưới. Tổ chức tại tư gia hay đi nhà hàng? Là nhà hàng tiệc cưới, hay khách sạn nào? Tên tuổi, sự uy tín, mức độ đánh giá của mọi người về chỗ ấy ra sao? Như: 2 sao, 3 sao, 4 sao, hay 5 sao. Qua đó mới quyết định được số tiền bỏ vào phong bì sao cho tương xứng. 

Ví dụ, bạn được mời cưới ở các địa điểm như: Grand Palace, Dìn Ký, New World, Gem Center,… mà bỏ phong bì 500k thì khả năng Cô Dâu Chú Rể lỗ cao. Vì các địa điểm này tiền tiệc có thể lên đến 12-20 triệu/bàn/10 người. Thậm chí là 30 triệu/bàn nếu chủ nhân chọn thực đơn hảo hạng. Do đó cần phải biết rõ mình ăn cưới ở đâu để gửi phong bì cho phù hợp.

BẢNG GIÁ TIỀN MỪNG ĐÁM CƯỚI MỚI NHẤT – 2020

*** Áp dụng đối với các Tiệc Cưới đãi trong nội thành TP.HCM.
*** Áp dụng trong trường hợp đi một mình. Lời khuyên bạn là nếu đi cùng với người yêu/vợ/chồng/con cái thì dựa trên số người mà nhân lên với số tiền dưới đây.

QUẬN 1:

  1. Grand Hotel Saigon – 8 Đồng Khởi: 1.000.000đ
  2. Park Hyatt Saigon – 2 Công Trường Lam Sơn: 1.500.000đ – 2.000.000đ
  3. InterContinental Asiana Saigon – 39 Lê Duẩn: 1.500.000đ – 2.000.000đ
  4. Rex Hotel Saigon – 141 Nguyễn Huệ: 1.000.000đ
  5. Hotel Sofitel Saigon Plaza – 17 Lê Duẩn, P.Bến Nghé: 1.000.000đ
  6. New World Saigon Hotel – 76 Lê Lai: 1.500.000đ – 2.000.000đ

QUẬN 3:

  1. Novotel Saigon Centre – 167 Hai Bà Trưng: 1.000.000đ
  2. Trung tâm Hội nghị và Tiệc cưới Metropole – 216 Lý Chính Thắng: 500.000đ
  3. Trung Tâm Tiệc Cưới Hội Nghị Glorious – 546 – 548 Cách Mạng Tháng Tám P11: 500.000đ
  4. Trung Tâm Tiệc Cưới Và Hội Nghị Callary – 123 Lý Chính Thắng: 500.000đ

QUẬN 4:

  1. Trung tâm Hội nghị – Tiệc cưới Riverside Palace – 360D Bến Vân Đồn: 500.000đ – 800.000đ

QUẬN 5:

  1. Khách sạn Equatorial – 242 Trần Bình Trọng: 1.000.000đ
  2. Nhà hàng Ái Huê – 412 – 414 – 418 Trần Hưng Đạo: 300.000đ

QUẬN 6:

  1. Swan Palace – 87 Lý Chiêu Hoàng: 500.000đ
  2. Nhà hàng 7 Kỳ Quan – 12 Đường 26: 300.000đ
  3. Emi Wedding & Convention – 333 Nguyễn Văn Luông: 300.000đ
  4. Nhà hàng Cung Hỷ – 233 Nguyễn Văn Luông: 300.000đ

QUẬN 7:

  1. Crystal Palace – C17 – 1 – 2, Nguyễn Lương Bằng: 500.000đ
  2. Oscar Plaza – 1 Nguyễn Văn Linh: 300.000đ

QUẬN 8:

  1. Nhà hàng Hương Huyền – 4H – 8H Bùi Minh Trực: 300.000đ

QUẬN 9:

  1. Nhà hàng Đổi Gió – 24 Đường D3 – khu dân cư Nam Long Kiến Á: 300.000đ
  2. Nhà hàng Long Phụng Suối Tiên – 120 Xa lộ Hà Nội: 300.000đ
  3. Nhà hàng tiệc cưới Châu Long – Số 5 Đường 182, Lã Xuân Oai: 300.000đ

QUẬN 10:

  1. Queen Plaza Kỳ Hòa – 16A Lê Hồng Phong (Nối dài): 400.000đ
  2. Queen Plaza Thành Thái – 218A29 – 33 Thành Thái: 400.000đ
  3. Nhà hàng Đông Hồ – 195 – 197 Cao Thắng: 300. 000đ

QUẬN 11:

  1. Nhà Hàng Tiệc Cưới Cát Khánh – 288 Lãnh Binh Thăng: 300.000đ
  2. Nhà Hàng Thủy Tạ Đầm Sen – 3 Hòa Bình: 300.000đ

QUẬN 12:

  1. Nhà hàng tiệc cưới Ngọc Trâm – 948 Nguyễn Văn Quá: 300.000đ

QUẬN TÂN BÌNH:

  1. Nhà nhà Dìn Ký center – 142/18 Cộng Hòa: 600.000đ – 1.000.000đ
  2. Grand Palace – 142/18 Cộng Hòa : 600.000đ – 1.000.000đ
  3. Trung Tâm Hội Nghị Tiệc Cưới Unique – 91B2 Phạm Văn Hai: 500.000đ
  4. Gala Center – 415 Hoàng Văn Thụ: 500.000 – 800.000đ

QUẬN THỦ ĐỨC:

  1. Nhà hàng tiệc cưới JeLardin – 195 Quốc lộ 13: 300.000đ
  2. Claris Palace – 22 Hiệp Bình: 300.000đ

QUẬN GÒ VẤP:

  1. Nhà hàng tiệc cưới Hương Phố – A12 Phan Văn Trị, Phường 7: 400.000đ
  2. The ADORA – 371 Nguyễn Kiệm: 500.000đ
  3. Luxury Palace – 171 Nguyễn Thái Sơn: 500.000đ
  4. Himlam Palace – 6 Tân Sơn: 500.000đ

QUẬN BÌNH THẠNH:

  1. Trung tâm tiệc cưới – hội nghị Saphire – 526 Điện Biên Phủ: 500.000đ
  2. Trung tâm tiệc cưới – hội nghị Vườn Cau – 360 Phan Văn Trị: 300.000đ

QUẬN TÂN PHÚ:

  1. Nhà hàng tiệc cưới Nam Bộ – 615A Âu Cơ: 300.000đ
  2. Nhà hàng Happy Gold – 650 Lũy Bán Bích: 300.000đ
  3. Nhà hàng tiệc cưới Melisa Center: 500.000đ
  4. Nhà hàng tiệc cưới BẠCH KIM – 579 Âu Cơ: 300.000đ
  5. Nhà hàng tiệc cưới Glorious: 300.000đ
  6. Nhà hàng tiệc cưới Diamond Place II: 300.000đ

QUẬN PHÚ NHUẬN:

  1. Trung Tâm Hội Nghị Tiệc Cưới Capella Parkview – 03 Đặng Văn Sâm: 500.000đ
  2. Nhà hàng Tân Sơn Nhất – 198 – 200 Hoàng Văn Thụ: 500.000đ
  3. Diamond Place – 15A Hồ Văn Huê: 500.000đ
  4. White Palace – 194 Hoàng Văn Thụ: 1.000.000đ
  5. The Adora Luxury – 198 Hoàng Văn Thụ: 800.000đ

Nguồn Tổng Hợp

Gửi tiền mừng cưới theo số lượng người tham dự.

Để ý một chút bạn sẽ thấy, Cô Dâu Chú Rể khi gửi thiệp mời thường ghi “Anh ++”, “Chị ++”… Nghĩa là người ta muốn mời luôn vợ/chồng hoặc người yêu của mình. Khi mà mình đi 2 người tức là chiếm 2 chỗ trong bàn 10 người. Còn nếu đi cả gia đình gồm vợ chồng, con cái có thể sẽ chiếm 3-4 chỗ trong bàn 10 người. Trong trường hợp này, bạn cần gửi phong bì “nặng nặng” một chút, tương xứng với số người dự tiệc cưới. Ví dụ: Gia đình bạn đi 3 người, phong bì 1 triệu, trong khi tiền tiệc là 5 triệu/bàn thì chắc chắn Cô Dâu Chú Rể sẽ chịu thiệt. Dianthus gợi ý sẵn một bảng giá tiền mừng đám cưới mà bạn có thể tham khảo thêm ở dưới.

Gửi tiền mừng cưới theo thu nhập cá nhân.

Đây mới là vấn đề quan trọng nhất nè. Bạn cứ tuân thủ theo mấy danh sách gợi ý ở trên mà quên đi mức thu nhập của mình thì cũng nguy đó. Giả dụ lương mỗi tháng trung bình 6 triệu đồng, đi ăn 2 đám cưới, mỗi đám 1 triệu đồng là thấy cuộc sống tháng đó gặp khó khăn rồi. Sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến chi tiêu, gia đình, con cái, bạn bè, người yêu. Cho nên mấu chốt là bạn phải biết cân đối chi tiêu cá nhân. Qua đó xem xét bỏ phong bì như thế nào là phù hợp nhất với mình.

Không đi đám cưới mừng bao nhiêu tiền?

Nếu mà đi đám cưới thì thật sự là có nhiều thứ để suy nghĩ đau đầu quá. Nào là suy tính về mối quan hệ, rồi tính toán về tiền mừng nữa. Nên nhiều người có tư tưởng là chắc không đi dự đám cưới luôn cho rồi, đỡ phải suy nghĩ. Vậy không đi đám cưới có được không?

Không đi đám cưới có được không?

Được. Không ai có thể ép buộc bạn phải đi đám cưới nếu như bạn không muốn. Nếu đã không thích thì không đi, thế thôi. Tuy nhiên, để quyết định đi hay không bạn cần soi xét dựa trên mối quan hệ nữa. Nếu là bạn thân, bạn học, đồng nghiệp, hàng xóm,… thì khó lòng từ chối. Vì còn gặp nhau vào nhiều dịp khác. Không đi rồi đến lúc nhà có việc mời người ta cũng không đi, kì lắm.

Không đi đám cưới có phải gửi tiền mừng không?

Nên gửi tiền mừng. Có thể là vì bạn bận việc đột xuất không thể đến được, có thể là bạn “trốn” không muốn xuất hiện nơi đông người. Dù trong trường hợp nào vẫn nên gửi tiền mừng, nếu như còn muốn giữ mối quan hệ với người đó. Ngoài ra, dù không trực tiếp tham dự vẫn nên gửi tiền mừng ngang bằng như khi đến dự. Không nên thể hiện mình là người hẹp hòi, tính toán chi li.

Khi nào không dự đám cưới, không gửi tiền mừng?

Đó là trong trường hợp mình và người mời không có bất kỳ mối liên hệ nào cho đến ngày nhận được thiệp mời. Vào ngày đẹp trời, một người bạn cũ gọi điện thoại để mời cưới, mình mới chợt nhận ra: “À, mình có quen thằng này!”. Hoặc mối quan hệ xã giao, gặp nhau có vài lần, không làm ăn hay nói chuyện nhiều với nhau. Hoặc là người mà mình không ưa, tự nhiên nó đi mời mình, hoặc là người yêu cũ. Đó là những đối tượng không đi, cũng không cần gửi tiền mừng. Không dự đám cưới, không gửi tiền mừng có nghĩa là bạn quyết định từ chối một mối quan hệ vô bổ.

Những vấn đề liên quan đến gửi tiền mừng.

Ý nghĩa số tiền mừng đám cưới là gì?

Điều rõ ràng là mỗi một người khách đến dự đám cưới là một niềm vinh hạnh đối với gia đình và Cô Dâu Chú Rể. Điều này đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khách mời vừa đến chung vui, chúc mừng hạnh phúc, vừa chung tay để san sẻ một chút về gánh nặng tài chính cho cặp đôi. Có thể nói với nhiều cặp đôi, mỗi phong bì tiền mừng là một món quà. Tuy rằng nhỏ nhưng giúp cho cặp đôi “dễ thở” hơn, bớt lo lắng về tiền bạc.

Mặt trái của việc gửi tiền mừng đám cưới?

Mặt trái của việc mong chờ tiền mừng đám cưới là chúng ta sẽ bị cuốn theo việc “lời lỗ”. Nếu chọn nhà hàng tốt thì sợ giá cao quá, khách đi mừng tiền không đủ sẽ lỗ. Hoặc đôi khi gửi thiệp mời cho những người không thật sự thân, nhưng cứ gửi vì nếu có người đi là có thêm phong bì. Rồi đến ngày cưới, cặp đôi sẽ hơi lo lắng nếu gần giờ làm lễ mà khách chưa đủ. Hoặc lo kẹt xe, đường đông, trời mưa sợ khách không đến… 

Tất cả điều này dù ít hay nhiều đều mang đến tâm lý tiêu cực cho cặp đôi. Trong khi đáng ra ngày cưới phải là ngày vui nhất từ trước đến nay của họ. Nếu biết việc này tác động xấu như vậy, chúng ta hãy thay đổi tư tưởng theo chiều hướng tích cực. Hãy làm cho số tiền mừng đám cưới ý nghĩa hơn, chứ không nên căng thẳng vì nó.

Cách gửi tiền mừng theo mối quan hệ như thế nào.

Nếu bạn chưa tổ chức đám cưới và có dự định cưới trong khoảng thời gian 1-2 năm tới nên đầu tư để thiết lập quan hệ. Phải chăm đi đám cưới người ta để tới đám cưới mình người ta còn đi lại. 

Bảng giá đi ăn cưới tạm thời tham khảo như sau: Cưới hàng xóm, con cái hàng xóm, đồng nghiệp cũ, bạn bè xã giao nên đi từ 500k; Cưới bạn bè thân, đồng nghiệp trong công ty hiện tại nên gửi phong bì 1 triệu; Cưới sếp, con sếp, đối tác làm ăn nên mừng từ 5-10 triệu; Cưới anh em họ hàng, anh em ruột từ vài triệu đến chục triệu. 

Một số trường hợp đặc biệt, khó xử thì có thể gửi quà, vàng bạc ví dụ như sếp, đối tác làm ăn. Tham khảo thêm Bảng giá tiền mừng đám cưới mới nhất để củng cố thêm quyết định sẽ gửi tiền mừng đám cưới bao nhiêu nhé!

Bỏ phong bì tiền chẵn hay tiền lẻ?

Bỏ phong bì tiền chẵn, tiền lẻ nghĩa là sao? Nếu trong phong bì bạn để 300k – 500k – 700k thì gọi là tiền lẻ. Và ngược lại nếu để 200k – 400k – 800k – 1 triệu là tiền chẵn. Việc bỏ phong bì chẵn hay lẻ không quan trọng và không có tục lệ nào quy định. Bạn cứ ước lượng số tiền sẽ mừng cho đám cưới rồi chọn tờ tiền đừng quá cũ là được. 

Tuy nhiên, không nên đi tiền mừng với mệnh giá nhỏ. Từ 50k trở xuống thì không nên, bắt đầu từ 100k là ổn. Số tờ tiền trong phong bì cưới cũng nên hạn chế. Ví dụ: Bạn đi 500k thì là 1 tờ 500k, nếu đi 1 triệu là 2 tờ 500k. Còn lại không nên bỏ phong bì 10 tờ 100k.

Ai sẽ ngồi giữ thùng tiền đám cưới?

Nếu tổ chức mời khách chung, nhà trai và nhà gái nên thống nhất về cách giữ thùng tiền đám cưới. Sau đó phân công nhiệm vụ cho người nhà. Nên chọn người thân cận, tin tưởng trong gia đình như là: chị em ruột, cô dì ruột,… Mỗi bên nên cử một người ngồi trông thùng tiền. Người này kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn khách ký tên, bỏ phong bì. Khách nhà ai thì bên nhà ấy đón tiếp, hướng dẫn sẽ ân cần chu đáo hơn. 

Việc trông thùng tiền mừng nên giữ đến suốt tiệc, vì sẽ có những khách ăn tiệc xong mới ra bỏ phong bì. Người được phân công giữ thùng tiền cần lưu ý hai điều: Nên ăn trước để tránh bụng đói, và hiểu rằng sẽ không thể tham dự tiệc cưới một cách trọn vẹn. Phải chuẩn bị thêm một túi xách hoặc vali để cất phong bì vào cuối buổi và giao cho Cô Dâu Chú Rể. Việc của cặp đôi hoặc của ba mẹ là ghi chép lại tên từng người, kèm số tiền để sau này còn đi đám cưới trả lễ.

Tổ chức đám cưới xong chắc lời lắm?

Thực tế không phải vậy, mà là ngược lại, đa phần các đám cưới sẽ lỗ. Ngoại trừ đám cưới của các gia đình vốn đã giàu có, nhiều mối quan hệ làm ăn. Hoặc đám cưới của con cái của những người có chức có quyền thì còn có thể lời. 

Đối với các cặp đôi bình thường, nếu may mắn họ sẽ đủ được tiền đãi tiệc cưới, hoặc dư chút ít. Tuy nhiên, đám cưới hiện nay thường bao gồm rất nhiều khoản phát sinh, như: Trang trí tiệc cưới, quay phim & chụp hình, văn nghệ, chưa kể trang phục, váy cưới, trang điểm… Các khoản này cặp đôi phải chi riêng. Hoặc họ sẽ có được một khoản tiền mừng cưới từ những người thân trong nhà: Cha mẹ, ông bà, anh chị em, bà con cô bác,… thường là sẽ cho nhiều hơn người ngoài. 

Tiền mừng đám cưới ai giữ?

Ai sẽ sở hữu tiền mừng đám cưới? Đây là một vấn đề tế nhị. Nếu xử lý không khéo thì ngay từ khi đám cưới hai gia đình đã có mâu thuẫn với nhau. Ưu tiên hàng đầu, ai đứng ra tổ chức đám cưới thì số tiền mừng đám cưới do người đó giữ.

Nếu hai vợ chồng tự tổ chức thì dễ hơn rồi, nhưng nhiều khi cả hai bên thông gia cùng tổ chức. Lúc này thì khách của bên nào mời, bên đó giữ tiền là hợp lý nhất. Nên đôi khi chúng ta thấy cùng một tiệc cưới mà có đến hai thùng tiền, nhà trai và nhà gái riêng. Hoặc đơn giản nhất là ba mẹ hai bên cùng thống nhất cho con làm vốn, như vậy tiền đó thuộc sở hữu của hai vợ chồng.

Làm gì với tiền mừng cưới?

Khá nhiều cặp đôi thắc mắc tiền mừng cưới chia như thế nào? Được sử dụng vào việc gì hậu đám cưới? Chồng hay vợ sẽ là người giữ và quyết định về số tiền ấy? Theo kinh nghiệm được các đôi chia sẻ lại như sau: Khi trở thành vợ chồng thì hai bạn cần phải rõ ràng với nhau về các khoản thu – chi. Điều này không chỉ là tiền đám cưới mà còn bao gồm các khoản tiền khác. 

Tiền của ai người nấy xài? Hay tiền sẽ quy về một mối, giao cho vợ hoặc chồng giữ? Quyết định chi ra một số tiền lớn sẽ là của cả hai? Hay các anh chồng sẽ giao hẳn cho vợ “tay hòm chìa khóa”. Sau khi đã thống nhất, các đôi có thể dùng số tiền trên theo nhu cầu, như: Chi trả các khoản nợ trong đám cưới, mua nhà, mua xe, hoặc đầu tư kinh doanh, tiết kiệm, du lịch.

Có nên nhận tiền mừng sau đám cưới?

Đôi khi bạn bè không đến dự được đám cưới, cũng không kịp gửi phong bì cho ai nên sau ngày cưới họ muốn gửi tiền mừng. Vậy có kiêng nhận tiền mừng sau đám cưới không? Hiện nay, trong phong tục cưới hỏi của cả hai miền Nam, Bắc đều không xem việc nhận tiền mừng sau ngày cưới là một điều kiêng kỵ. Đặc biệt là nhiều gia đình có bà con ở xa hoặc ở nước ngoài, họ sẽ không kịp về dự, và việc gửi tiền chúc mừng cũng cần có thời gian. Tuy nhiên, nhận tiền mừng sau đám cưới đối với người trong nhà sẽ thoải mái hơn từ bạn bè. Đã là bạn bè có thể mời nhau một bữa ăn, cafe cho tình cảm khắng khít hơn.

Có nên bán vàng cưới không?

Vàng bạc và các loại nữ trang mà hai vợ chồng nhận trong ngày cưới xem như là một số tiền vốn để làm ăn. Nếu chưa cần dùng đến thì chúng ta giữ lại làm kỷ niệm. Tuy nhiên, cũng có nhiều đôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu hậu đám cưới. Đã gọi là vốn làm ăn thì khi có việc cần dùng đến mình vẫn có thể bán đi.

Văn hóa mừng đám cưới của Phương Tây.

Cách mừng đám cưới của Phương Tây.

Người Phương Tây cũng có cách thức riêng để mừng cho đám cưới mới, khác với người Phương Đông. Người Phương Tây không đi đám cưới bằng tiền mà thay vào đó họ chọn cách tặng quà. Quà tặng đám cưới của người Phương Tây thường là các món đồ, vật dụng, nội thất… Phần lớn sẽ là đồ đạc cần thiết để cặp đôi có thể sử dụng được trong ngôi nhà mới của họ. Thậm chí cặp đôi có thể đổi quà tặng để lấy món khác nếu họ không cần hoặc đã có rồi. Vì vậy, có thể nói các món đồ này rất hữu ích và thiết thực.

Cặp đôi Phương Tây thường tự chủ về kinh tế.

Bù lại, một cặp đôi người nước ngoài khi tổ chức đám cưới sẽ phải tự chủ về kinh tế. Thậm chí không nhờ đến cha mẹ, người thân. Họ phải chuẩn bị tiền làm đám cưới mà không phụ thuộc vào số tiền mừng cưới của khách. Họ không so đo tính toán lời hay lỗ, mà chắc chắn nếu tính là sẽ thấy lỗ. Do đó, cặp đôi sẽ chỉ mời những người họ muốn, có quan hệ thân tình và tổ chức đám cưới theo ý họ muốn.

Chúng ta thường thấy đám cưới của người nước ngoài nhỏ gọn, chú trọng vào chất lượng hơn số lượng. Đồng thời họ rất yêu thích hình thức tổ chức đám cưới ngoài trời, đám cưới phương xa.

DakLak360

Related post