Cần xóa bỏ lệ đổi tiền lẻ đi chùa

 Cần xóa bỏ lệ đổi tiền lẻ đi chùa

Trong khoảng mươi, mười lăm năm trở lại đây, tục lệ đổi tiền lẻ đi lễ chùa, đền, miếu… đầu năm cầu may đang dần trở thành phổ biến, thịnh hành ở các khu đô thị lớn, nhất là ở miền Bắc Việt Nam.

“Phật – Thánh – Thần đâu có ngồi ở chùa, ở đền, ở miếu để chờ nhận của người hành hương dăm ba đồng bạc lẻ”

Ở phương diện phổ quát, cách thờ cúng ở phần lớn chùa ngoài Bắc là sự thờ phối hỗn dung của tam giáo: Phật – Lão – Nho. Thêm nữa, để dung hòa với đạo Mẫu Việt Nam, các sư thầy, ni sư lập nơi thờ cúng thành Tiền Phật – Hậu Thánh, hay Tiền Phật – Hậu Mẫu.

Các ban bệ được sắp xếp bài trí trong chùa nhiều không kể xiết. Giờ nhiều nơi còn đưa tượng Bác Hồ vào phối thờ. Nếu không phải là người nghiên cứu chuyên sâu về tục lệ thờ Phật – Thánh – Thần trong chùa, đền, miếu… thì chúng ta khó mà phân biệt được thứ bậc, giá trị biểu tượng cũng như hình tướng các ban thờ.

Sự hỗn dung tôn giáo được hiểu là quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa nền văn hóa bản địa đã tồn tại hàng ngàn năm và nhiều tôn giáo từ bên ngoài du nhập vào. Nó thể hiện sự đa dạng, phong phú về tín ngưỡng thờ cúng dân gian nhưng cũng đẻ ra nhiều lối phụng thờ cầu kỳ phức tạp, đôi chỗ mang đậm dấu ấn mê tín dị đoan, gây lầm tưởng cho người đến cúng bái. Chẳng hạn như việc cúng sao giải hạn, đốt vàng mã, xem ngày cát – hung, bốc quẻ, bói toán…

Chính vì sự hỗn dung này khiến nhiều chùa miền Bắc (chủ yếu) bài trí mỗi ban đặt một hòm công đức, nơi thì hòm nhỏ, chỗ thì hòm to hoành tráng để các con nhang đệ tử tín tâm bỏ vào. Gọi là “của ít lòng nhiều” nhưng chắc chắn, mỗi ban tín chủ chí ít cũng phải đặt 500 đồng con hoặc 1000 đồng lên ban thờ, ai giàu có hơn thì đặt nhiều hơn.

lệ đổi tiền lẻ đi chùa

“Phú quý sinh lễ nghĩa”. Ở nhiều cổng chùa, đền, miếu… thấy xuất hiện dịch vụ đổi tiền lẻ. Tỷ lệ đổi chác cao hay thấp phụ thuộc vào tiền cũ hay mới, tâm lý địa phương, tâm thức xã hội nói chung, xa thủ đô hay gần thành thị, mức độ khan hiếm của tiền lẻ… nhưng chí ít cũng phải 10 ăn 8, 10 ăn 7, 10 ăn 6, nghĩa là 10 nghìn chẵn đổi lấy 8,7,6 nghìn tiền lẻ.

Liệu phải chăng đây cũng là một dạng dịch vụ buôn tiền công khai được pháp luật Nhà nước bảo hộ? Nhất là đầu xuân năm mới, lễ hội được tổ chức dày đặc. Theo thống kê năm 2009, hiện cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian truyền thống (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%).

Các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương và Phú Thọ. Nếu chia bình quân, mỗi ngày ở nước ta có tới hơn 20 lễ hội dân gian lớn, nhỏ. Số lượng nhiều như vậy thì tiền nào rải cho xuể, buộc lòng các tín chủ phải chia nhỏ số tiền của mình ra. Xuất phát từ tâm lý đó nên các nhà băng, chủ cửa hàng kinh doanh tiền tệ cũng tham gia vào dịch vụ đổi tiền lẻ này để phục vụ thượng khách và ăn chênh lệch.

lệ đổi tiền lẻ đi chùa

Chưa bàn đến chuyện đúng sai của hoạt động tâm linh này nơi các con nhang đệ tử nhưng chỉ xét về mặt mỹ quan sẽ chẳng đẹp mắt chút nào, nếu không muốn nói là “nhặng xị” khi đem so sánh với sự tôn nghiêm, thành kính ở nơi nhà thờ Cơ đốc giáo. Từ tượng Phật tổ, Phật bà nghìn mắt nghìn tay, đến các ban Thánh, Mẫu… đâu đâu cũng thấy rải tiền, bầy biện la liệt. Hôm nào vào chính lễ hội (tục làng xã gọi là vào đám) thì mọi người còn giẫm đạp lên nhau mà đặt tiền, không chen được thì ném tiền, cài tiền vào tay, vào khe kẽ của tượng thờ. Từ đầu đến chân tượng, hở chỗ nào là nhét tiền vào chỗ ấy. Một cách khách quan, nếu như chúng ta đứng ở một vị trí cao và xa hơn để quan sát tổng thể không gian thờ cúng sẽ thấy rất nực cười, đúng ra phải nói là nhố nhăng.

Phật – Thánh – Thần đâu có ngồi ở Chùa, ở đền, ở miếu để chờ nhận của người hành hương dăm ba đồng bạc lẻ. Sao các con nhang đệ tử lại bủn xỉn keo kiệt đến thế? Cho thì ít cầu xin thì nhiều. Người thì xin tài, xin lộc, xin quyền cao chức trọng, xin nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, xin cả phúc – lộc – thọ, xin từ danh đến lợi và họ nghĩ rằng cuộc “đổi chác” này sẽ được các Ngài đáp ứng. Đúng là mơ hồ và ảo tưởng.

Sự linh ứng chỉ xuất hiện khi có sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nghĩa là người đi lễ chùa, lễ đền, lễ miếu phải biết phát nguyện làm lành lánh dữ, từ bỏ những thói quen xấu đã huân tập từ bấy lâu, làm càng nhiều việc phước thiện giúp đời, giúp đất nước, địa phương, làng xã, gia đình càng nhiều càng tốt. Càng tu sửa bản thân, càng quyết tâm tu tập xả bỏ đường mê, quay về bờ giác càng sớm càng hay. Làm được như vậy thì Trời, Phật, Thánh, Thần mới giúp cho được.

tiền lẻ đi tết

Chẳng hạn, đi chùa lễ ông Bụt Thích ca vì ông có 4 đại hạnh là: Đại từ, đại bi, đại trí, đại dũng và mình phát nguyện tu học theo tấm gương của ông ấy. Đi đền Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) là để mình học cái nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng… Nghĩa là ta đi đến nơi thờ cúng, hãy tìm kiếm cái biệt tài của các Ngài để học hỏi và hành theo mà mỗi Ngài một sở trường, một thiên tư khác nhau. Chứ tuyệt nhiên đừng đến “đổi chác xin xỏ”, làm mất đi sự linh thiêng, tôn nghiêm chốn thờ tự.

Chuyện tâm linh sao có thể lấy vật chất ra tính toán thiệt hơn

Quay trở lại với hoạt động đổi tiền lẻ và ý nghĩa của nó đối với việc đi lễ, nhiều người tín tâm mới đi chùa lễ Phật, đi đền miếu cầu lộc cầu tài. Những tưởng chuyện kinh doanh làm ăn, mua bán đổi chác theo cơ chế thị trường mới phát sinh chuyện đổi tiền lẻ, mệnh giá nhỏ to khác nhau để tiện buôn bán, chứ đằng này, chuyện tâm linh thì sao có thể lấy vật chất ra tính toán thiệt hơn cho đặng. Việc đổi thì có được ngang giá đâu. Người làm dịch vụ chủ ý “cấu véo” chút ít khiến tín chủ thiệt đơn, thiệt kép.

Mang tiền vào chùa theo cách hiểu như vậy là làm dơ bẩn chốn tôn nghiêm, thanh tịnh nơi cửa Phật linh thiêng. Sau nữa là làm hư hỏng các sư thầy, ni sư. Phải tinh tấn lắm, phải nhẫn nhục lắm, phải thấm thía sự khổ bi sầu não ở trong cõi phàm tục này các quý thầy mới xuất gia đi tu, phát lời đại nguyện “tự giác – giác tha”, “hoằng pháp – lợi sinh”. Khó lắm các sư thầy mới thoát khỏi được vòng danh lợi, phải công phu tu tập lắm mới trừ bỏ được tam độc “tham – sân – si”. Ấy vậy mà các thiện nam, tín nữ, do vô tình hay hữu ý đã làm “khó” chư tăng ni trong chùa. Cứ nối dài sự “vô minh” như vậy thì cả thầy lẫn trò bao giờ mới giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi?

đẻ tiền lẻ dán vào phật

Người đời nên hiểu thế này, xuất tâm cúng dường các chư Bụt – Thánh – Thần, dù ít hay nhiều là để ta trừ bỏ tâm gian tham đang ngự trị trong trái tim ta bấy lâu nay. Thành tâm mong cầu nhà chùa, thủ từ dùng tiền công đức của tín chủ thập phương thay ta giúp đỡ người khốn khó, người bệnh tật, xây nhà tình thương, giúp trẻ em vùng sâu vùng xa được cắp sách đến trường, xây cầu, làm đường, sửa đình, sửa chùa, sửa đền… thì Trời Phật mới chứng giám cho tấm lòng thành kính ấy của ta.

Nếu ta một lòng một dạ, nhất tâm chí thành thì sẽ cảm ứng đến trời đất và khi đó thiên – địa – nhân cùng giao hòa. Giới chuyên môn gọi đó là tâm linh. Nghĩa là tâm mình thành kính thì sẽ được linh ứng.

Cách tốt nhất là ta biết bớt chút tiền lương thiện kiếm được của mình, không phân biệt giàu nghèo, kẻ hơn người ít, dù một ly một lai cũng đủ sưởi ấm biết bao tấm lòng hiu quạnh. “Kiến tha lâu ngày rồi cũng đầy tổ”, “tích tiểu thành đại”. Biết sống một lối sống vị tha, “thương người như thể thương thân” thì Trời nào, Phật nào không phù hộ cho ta.

Nên nhớ:

“Dù xây chín bậc phù đồ (stupa)

Không bằng làm phúc giúp cho một người”.

Trước thềm năm mới đang lan tỏa khắp mọi nhà, nếu các thiện nam, tín nữ nghĩ tới việc đổi tiền lẻ thì ngay lập tức phát tâm giúp một ai đó nghèo khó hơn mình. Họ có thể ở rất gần mình đấy. Lắng tâm lại quan sát, trái tim từ bi hỷ xả của ta mà được rèn luyện mỗi ngày sẽ cảm hóa được mọi người xung quanh. Sống một lối sống thiện của Bụt – Thánh – Thần mới là điều mà các Ngài mong muốn.

Theo: Dân Việt

HongLien

Related post