Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm?

Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm?
(應無所住而生其心)
Khoa học giải thích thế giới vật chất bắt đầu từ vụ nổ Big Bang. Nhưng cũng có giả thuyết (khi mọi thứ chưa rõ ràng, thì phải tôn trọng giả thuyết) cho rằng thế giới bắt đầu từ ý thức. Có một lực xoáy ly tâm khủng khiếp, biến ý thức ra thành các lạp tử. Các lạp tử kết hợp lại thành thế giới vật chất ngày nay. Thế giới sinh vật và con người cũng vậy, phát triển từ đơn bào đến đa bào.
Bây giờ, cho mình được nói một chút về câu trên, nằm trong kinh Kim Cang. Ý kinh nói rằng vũ trụ vạn vật chỉ là ảo ảnh, không phải thật, do đó không nên cho là thật. Đến lúc này bạn bắt đầu cho rằng sao mơ hồ và trừu tượng quá, không thể hiểu nổi, rồi chúng ta sống làm sao trong thế giới không thật này? Rồi những người viết xuống những dòng như thế này, liệu có tin đó là ảo ảnh không?
Ngày xưa, khoa học chưa phát triển nên trong nguyên tác, các bản dịch và luận giải kinh đều chưa có dẫn chứng khoa học, nên ý nghĩa của câu chủ đề trên còn khá mơ hồ.
Ngày nay, khoa học đã phát triển, nên có điều kiện giải thích một cách cụ thể rõ ràng hơn và có bằng chứng thực thể cho từng lập luận.
Phật pháp nói rằng các pháp đều là ảo hóa, không thật. Mà sự ảo hóa cần đến chuyển động không thể ngừng.
(i) Ví dụ để có sự xuất hiện của nguyên tử, electron phải chuyển động vòng quanh hạt nhân rất nhanh và không ngừng;
(ii) Để cho cuộc sống trong phim sống động như thật, máy chiếu phim phải chạy đều đều không thể ngừng;
(iii) Các vật thể vi mô hay vĩ mô đều phải chuyển động không ngừng.
Hành tinh chuyển động chung quanh mặt trời, vệ tinh như mặt trăng chuyển động chung quanh hành tinh, thái dương hệ chuyển động trong ngân hà, các thiên hà chuyển động không ngừng trong vũ trụ.
Tâm thức của con người chúng ta cũng vậy, luôn luôn vận động, nhất niệm vô minh cứ nối tiếp nhau thành dòng tâm thức vô tận (các bạn có thể đọc bài nhất niệm vô minh).
—————————————
Nhất niệm vô minh
Người trên thế gian đều ở trong cảnh sống mê chết mộng, không có lúc nào tỉnh ngộ để tìm ra lối thoát khỏi luân hồi. Từ thời vô thủy đến nay, chúng sanh bị vô minh đưa đẩy, đi trong sáu nẻo luân hồi, sống rồi chết, chết rồi sống, quẩn quanh lên xuống không có hạn kỳ.
Cuộc đời như một vở tuồng. Trong tuồng, khi thì đóng vai vua, vui thú với vinh hoa, phú quý; khi thì đóng vai ăn mày, chịu đủ thứ khổ nạn. Khi làm hoàng đế thì không biết cái lúc khổ làm thân ăn mày; làm ăn mày không biết cái vui khi làm vua. Những cảnh bi hoan ly hợp thoáng qua như trong nháy mắt, chẳng khác gì một giấc mơ xuân.
Nghiệp chướng của mình, tăng nhiều hay ít? Không hay biết. Đức hạnh của mình gieo trồng được bao nhiêu? Không hay biết. Không hay biết tức là vô minh, vô minh là gốc rễ của sanh tử. Nếu không vô minh thì đâu có còn bị khổ trong cảnh luân hồi.
-Nếu đa dâm, sẽ thác sinh làm chim sẻ, bồ câu, uyên ương…
– Nếu đa si (quá si mê), sẽ thác làm lợn, dê…
– Nếu đa kiêu mạn, phóng dật, sẽ thác sinh làm hổ, lang…
– Hay trêu ghẹo, đời sau sinh vào khỉ, vượn…
– Ðời này sống keo bẩn, lắm ganh ghét thì đời sau sinh vào loài chó…
– Giữ tà giới sẽ thác sinh vào súc sinh hay địa ngục.
– Tham lam, đoạt tài sản người thì rơi vào ngạ quỷ.
– Nếu biết tu tập, giữ gìn năm giới cấm, biết bố thí rộng rãi sẽ được tái sanh làm người.
– Nếu biết tu mười thiện nghiệp, sẽ được sanh về các cung trời.
—————————————
Bây giờ, thì mình sẽ quay lại giả thích về thế giới ảo, mà ta cứ tưởng là thật.
Tất cả sự chuyển động đó tạo ra thế giới mà Phật pháp đã tóm tắt trong danh xưng Ngũ Uẩn (五蘊) hay còn gọi là Ngũ Ấm (五陰), đó là Sắc (色), Thọ (受), Tưởng (想), Hành (行), Thức (識) (có một bài ngũ uẩn để giải thích không có cái ta).
Đó là năm yếu tố tạo thành thế giới trong đó Sắc là vật chất, Hành là chuyển động, Thọ là cảm giác, Tưởng là nghĩ ngợi, tưởng tượng, Thức là nhận biết.
Phật pháp nói rằng Ngũ Uẩn Giai Không (五蕴皆空) tức là năm yếu tố cấu thành thế giới đều không có thật, nên không thể có chỗ trụ lại hay cố định.
Nguyên lý “vô sở trụ” đã được Heisenberg nhận thức thành nguyên lý bất định (principle of uncertainty) trong vật lý học.
“Vô sở trụ” còn được nhận thức thành định lý bất toàn (Theorem of incompleteness) trong toán học do Kurt Godel phát hiện.
“Vô sở trụ” còn hiển hiện trong nhiều lỗ hổng không thể lấp đầy của sinh vật tiến hóa luận do Charles Darwin đề xướng.
Khoa học lượng tử tương quan (Relational Quantum Mechanics) ngày nay cũng đi đến kết luận rằng đã đến lúc chúng ta cần xét lại hình ảnh của thế giới bên ngoài:
Thực tế khách quan không phải là một thực tế tuyệt đối cũng không phải là một thực tế độc lập mà chỉ là một thực tế tương quan.
Điều này có ý nghĩa cụ thể như thế nào?
Có nghĩa rằng vật không có thật, nhưng chúng ta vẫn thấy có vật, vì cái mà chúng ta thấy là sự tương tác giữa các giác quan của chúng ta (lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ) với mối quan hệ (tương quan) của các cấu trúc ảo của vật chất.
Cấu trúc ảo đó là gì ? Từ những hạt ảo là quark và electron, cấu trúc thành proton, neutron, hạt nhân nguyên tử, nguyên tử, phân tử và cuối cùng là thế giới, sinh vật, con người. Vật thì không thật sự hiện hữu, nhưng những hạt ảo làm thành cấu trúc ảo và chúng ta thấy và tương tác với mối quan hệ giữa các cấu trúc ảo đó.
Tóm lại, vì bản chất của thế giới là ảo hóa, là chuyển động nên không thể trụ, không thể dừng lại, kể cả chết cũng không dừng lại, vì thức sẽ chuyển qua một đời sống khác gọi là tái sinh chuyển kiếp, vì bản chất là “không” nên không có chỗ trụ.
Bản chất của thế giới là vô sở trụ, nghĩa là không có một điểm cố định nào để dừng nghỉ. Tất cả những chỗ an tĩnh dừng nghỉ đều chỉ là ảo tưởng. Khoa học ngày nay đã hiểu được điều này. Ví dụ một thiền sư đang ngồi tham thiền, liệu thân ông ta có chuyển động không? Bên trong thân, máu đang lưu thông, nhiều tế bào chết đi, nhiều tế bào mới sinh ra, cơ thể đang tiến hành tiêu hóa, bài tiết, tăng trưởng, không lúc nào ngừng nghỉ. Tâm thức cũng không hề im lặng, nó đang quán tưởng, đang phiêu du qua vô số cảnh giới hay đang phát khởi nghi tình. Cả cái thân tứ đại (thủy, hỏa, thổ, khí) ấy cũng chuyển động hỗn loạn theo chuyển động xoay tròn của địa cầu, theo chuyển động trên quỹ đạo chung quanh mặt trời, theo chuyển động của thái dương hệ trong ngân hà và theo sự chuyển động của ngân hà trong vũ trụ.
“Vô sở trụ” còn có nghĩa là khắp không gian và khắp thời gian, không hạn chế ở một chỗ nhất định nào trong không gian hoặc một thời điểm nào trong thời gian. Tính chất này, ngày nay khoa học gọi là nonlocality (bất định xứ). Hơn 2500 năm trước, đức Phật đã chứng ngộ tính chất này, vì vậy mới có danh xưng Như Lai, danh xưng này cũng có nghĩa là bất định xứ, đồng thời tuyên thuyết “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Còn khoa học thì mãi đến thế kỷ 20 mới hiểu được qua hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement).
Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng tính chất bất định xứ chỉ xảy ra trong thế giới lượng tử, còn thế giới đời thường thì các vật thể đều có định xứ. Đó là một nhận thức hạn hẹp, nói hạn hẹp vì họ chỉ mới biết một mà chưa biết hai, họ chưa biết và chưa thấy vật thể cũng có tính chất bất định xứ như lượng tử. Điều này đã được các nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý chứng tỏ một cách rõ ràng qua các sự kiện như: Trương Bảo Thắng đã dùng tâm niệm lấy sợi dây nịt đang mang trong lưng quần của một nhà xã hội học ngay lúc ông ta đang đăng đàn diễn thuyết chỉ trích đặc dị công năng. Anh cũng dùng tâm niệm lấy trái táo ra khỏi một thùng sắt mà nắp bị hàn kín. Hầu Hi Quý đã dùng tâm niệm lấy xăng từ Bắc Kinh đổ vào bình xăng của một chiếc xe hơi đang đậu ở suối Sa Cốc, cách đó khoảng 50 km.
Những vật đó bản chất vẫn là ảo, là bất định xứ, nên có khả năng di chuyển tự do nếu hành giả có tâm lực đủ mạnh, không một lực nào níu kéo lại được dù đó là chiếc thùng sắt kiên cố.
Tính chất vô sở trụ ngày nay đã được khoa học ứng dụng vô cùng phổ biến với mạng internet và điện thoại di động thông minh (smartphone). Tất cả bài báo, thông tin, âm nhạc, phim ảnh…có thể đến với người sử dụng bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần có sóng thích hợp như wifi, 3G, 4G, sóng vệ tinh v.v…
Khoa học còn có tham vọng một ngày kia sẽ chuyển các vật thể đi khắp nơi bằng phương thức gọi là vô tuyến vận tải (télétransport) cũng giống như chuyển thông tin hiện nay. Tất cả đều dựa trên nguyên lý vô sở trụ. Từ bao đời nay, các vong linh, thần thức, tái sinh chuyển kiếp trong khắp tam giới đều bằng tốc độ của ý niệm, đều dựa trên nguyên lý vô sở trụ.
Thế nào là nhi sinh kỳ tâm? Chữ sinh ở đây phải hiểu là xuất hiện chứ không phải sinh ra vì nó vốn đã có sẵn. Khi nào có đủ điều kiện thì nó xuất hiện. Tâm là vô sanh pháp nhẫn, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh như Bát Nhã Tâm Kinh đã nói. Giống như mặt trời bị mây che nên không nhìn thấy, khi nào mây tan thì mặt trời xuất hiện. Kỳ tâm có nghĩa là cái tâm ấy. Cái tâm ấy là tâm giác ngộ, tâm bất nhị. Bất nhị có nghĩa là không phải hai, không phải nhiều, cũng không phải một, tóm lại bất nhị là không có số lượng. Tại sao không có số lượng? Vì tất cả vật đều là ảo. Một tấm ảnh ảo thì không có số lượng vì nó có thể biến thành vô lượng vô số tấm ảnh. Một vật thể cũng là ảo nên cũng không có số lượng. Hạt photon là ảo nên trong thí nghiệm của Nicolas Gisin năm 2008 tại Geneva, Thụy Sĩ, nó có thể xuất hiện ở hai vị trí khác nhau, cách nhau 18 km theo thiết lập của thí nghiệm. Còn trong thí nghiệm của Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow năm 2012, hạt photon xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau. Như vậy, số lượng vốn là không có thật, tùy ý ta muốn bao nhiêu cũng được.
Thí nghiệm của Nicolas Gisin và Maria Chekhova chứng tỏ rằng vật chất (hạt photon) quả thật có những tính chất như thế. Điều này khó tin đến nỗi, sinh thời Einstein đã không tin, cố bài bác bằng giả thuyết EPR, nhưng ngày nay các nhà khoa học đều biết rằng giả thuyết EPR là sai, lượng tử quả thật có những tính chất giống như trong kinh nói. Nhiều nhà khoa học sẵn sàng xây dựng lý thuyết trên cơ sở thế giới là ảo, vũ trụ là số, như chúng ta đã thấy David Bohm và Craig Hogan đã làm.
Tóm lại, ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm biểu thị các tính chất vô sở trụ không thể tưởng tượng nổi của tâm giác ngộ. Đó là tâm như hư không vô sở hữu, nhưng đó lại là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, nó biểu thị rằng không gian, thời gian và số lượng đều là ảo hóa, đều là không có thật.
Trong tâm giác ngộ đó thì không có chỗ trụ, không được chấp có, không được chấp không, không vừa có vừa không, cũng không chẳng có chẳng không. Tóm lại, là không để lọt vào tứ cú. Tình trạng đó không thể dùng ngôn ngữ, lời nói để diễn tả được, mà phải chứng nghiệm, thiền Ấn Độ gọi là nhập niết bàn, hay chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác. Còn thiền Trung Hoa thì gọi là kiến tánh thành Phật.
Khi mất đi, “con người” sẽ rời thể xác, chuyển thành chân linh, hiểu biết mọi thứ của quá khứ, hiện tại và tương lai; di chuyển tức thời khắp mọi nơi, cho nên mới có cái chuyện là người ở bên Hoa Kỳ cúng cho người thân qua đời ở Việt Nam; mình vừa là quan tòa và vừa là tội nhân hiểu hết tất cả những tội lỗi của mình và chuyển kiếp. Cái còn đọng lại cho kiếp sau là “trí huệ” nhỏ nhoi, đa số là tạp chất.
Exit mobile version