Nuôi thứ cá ví như “quốc ngư Nhật Bản”, trai làng Đắk Lắk bán ra phố thu tiền tỷ
Đến với nghề chăm sóc, buôn bán cá cảnh năm 2018, thời gian đầu, Phạm Thế Hùng, ở thôn 6, xã Cư Né, huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) chủ yếu buôn bán cá bảy màu, cá đá. Tích lũy được kinh nghiệm sóc cá cảnh, Hùng dần chuyển sang nuôi, thuần dưỡng cá Ko “cá chép Nhật Bản”.
Để có vốn khởi nghiệp nuôi cá Koi, Hùng đã cầm cố chiếc xe máy của mình lấy 5 triệu đồng ra Hà Nội mua cá giống về thuần dưỡng và bán cho những người có nhu cầu chơi loại cá “quý tộc” này.
Nhận thấy nhu cầu thị trường cá Koi ngày càng tăng nên Hùng quyết định bán luôn chiếc xe máy để lấy vốn nhập cá và làm bể bạt chăm sóc.
Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng, lần nhập cá Koi giống thứ ba do số lượng quá nhiều, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi dưỡng, Hùng đã mất trắng tất cả do cá biếng ăn, chết hàng loạt.
Không nản lòng, Hùng lên mạng Internet tìm hiểu kinh nghiệm chăm sóc, thuần dưỡng cá Koi từ các hội nhóm nuôi cá và nhận ra ngoài đam mê, yêu thích thì bản thân phải nắm được quy trình kỹ thuật.
Hùng mượn tiền ba mẹ ra Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cá Koi. Qua nhiều lần đi học hỏi kinh nghiệm nuôi và kinh doanh cá Koi ở những thành phố lớn, Hùng biết được nguyên nhân cá Koi bị yếu dần, không sinh trưởng được như ý muốn là do không xử lý tốt nguồn nước nên cá bị sốc.
Vì vậy người nuôi phải cho cá Koi vào nhiều bể lọc nước khác nhau rồi điều chỉnh nhiệt độ của nước từ từ để cá thích nghi với nguồn nước và khí hậu.
Thế Hùng cho biết, cá Koi được du nhập vào Việt Nam cách đây khá lâu nhưng vài năm trở lại đây thú nuôi cá Koi trong bể xi măng gia đình mới thực sự nở rộ.
Theo quan niệm của nhiều người, đây là loại cá phong thủy mang đến tài lộc, may mắn, bình an nên những năm gần đây cá Koi rất được ưa chuộng, nhiều người săn đón, nhất là những con cá có màu sắc bắt mắt, độc đáo.
Phạm Thế Hùng, xã Cư Né (huyện Krông Búk): Trước khi khởi nghiệp công việc gì cũng phải tìm hiểu thật kỹ. Không có việc gì là dễ dàng cả, cái gì cũng có khó khăn hết nhưng khó khăn thì nên tìm cách giải quyết chứ không nên bỏ cuộc”.
Càng đi sâu vào tìm hiểu và nuôi giống cá Koi, Hùng càng thấy lợi nhuận kinh tế mà dòng cá này mang lại cho gia đình khá cao. Sau khi nắm bắt được quy trình kỹ thuật, Hùng bắt đầu nhân rộng mô hình nuôi cá Koi, đồng thời chuyển sang làm hồ cá Koi bằng bể xây thay vì sử dụng bể bạt như trước đây.
Hùng chia sẻ: “Để nuôi cá Koi thành công cần 3 yếu tố quan trọng đó là nguồn gốc của cá, môi trường nước và chế độ chăm sóc của người nuôi. Muốn cá Koi sống khỏe mạnh trong môi trường nhân tạo thì hồ cá Koi phải được xây đúng tiêu chuẩn môi trường vi sinh, nguồn nước sạch. Quan trọng nhất là hệ thống lọc tự động cần được tối ưu, thiết kế phù hợp, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật như: máy cung cấp ô xy, đèn diệt vi khuẩn, lọc rác”.
Hiện nay trại nuôi cá của Hùng có 10 bể lọc nuôi cá Koi, mỗi bể khoảng 10 m3. Trong đó số lượng cá Koi Nhật thuần chủng là 100 con; cá Koi lai tạo tại Việt Nam khoảng 10 tấn.
Tùy kích cỡ, màu sắc mà cá Koi có nhiều giá khác nhau. Đối với cá Việt Nam dao động từ 200.000 – 500.000 đồng/kg. Cá Koi được nhập trực tiếp từ Nhật Bản có giá thành cao bởi màu sắc đẹp, rõ nét, giá bán từ 15 – 30 triệu đồng/con, đặc biệt có con giá lên đến 100 triệu đồng/con.
Cá Koi nuôi được xuất bán sau 3 – 12 tháng. Công việc xuất bán cá Koi diễn ra liên tục, mỗi tuần đều xuất cá và nhập cá giống về. Sau 4 năm đi vào hoạt động, cơ sở nuôi cá của Hùng đã bước đầu thành công khi thu được số lãi 100 triệu đồng mỗi tháng.
Trải qua những thất bại và kinh nghiệm học được trong thời gian qua, đầu năm 2022, Hùng đã mở thêm 2 chi nhánh kinh doanh cá Koi ở Kon Tum và Lâm Đồng. Đồng thời học hỏi thêm phần xây hồ cá Koi, cải tạo sân vườn cho những gia đình có nhu cầu.
Như Quỳnh (Báo Đắk Lắk)