Tri âm (知 音), tri kỷ (知 己) và bạn (伴)

Tri âm (知 音), tri kỷ (知 己) và bạn (伴)
Trong thời buổi suy thoái và khủng hoảng kinh tế, mình xin đề cập đến chất lượng mối quan hệ hơn là số lượng mối quan hệ.
Mình không phải là nhà ngôn ngữ học. Mình chỉ nói lên sự suy nghĩ cá nhân của mình về ngôn ngữ. Vấn đề có thể đúng có, có thể sai, có thể vừa đúng vừa sai, và cũng có thể vừa không đúng và vừa không sai. Như mình được biết, tiếng Hán, tiếng Nôm có chút gì đó sang trọng, đa nghĩa, có thể có tượng hình, có thể có điển tích trong từng chữ. Mỗi lần nhắc đến chữ ấy, thì người ta có thể hình dung ra câu chuyện điển tích và từ đó người ta mới hiểu sâu sắc ngữ nghĩa.
Tri âm và tri kỷ là hai từ mượn Hán. Tri 知 là biết, 音 là âm thanh, tiếng đàn; Tri âm là người hiểu được tiếng đàn, được chí hướng của mình. Gần như vậy, Tri 知 là biết, kỷ 己 là mình; Tri kỷ là người hiểu mình, hiểu đúng mình.
(1) Tri âm
Bá Nha và Tử Kỳ là hai người thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Bá Nha, họ Du tên Thụy, là người nước Sở, nhưng làm quan Thượng Ðại Phu nước Tấn. Bá Nha nổi tiếng là một khách phong lưu văn mặc, lại có ngón đàn tuyệt diệu và không bao giờ rời cây Dao cầm (loại đàn được làm từ phần gỗ tốt nhất của cây ngô đồng) yêu quý của mình.
Tử Kỳ, họ Chung tên Huy, là một danh sĩ ẩn dật làm nghề đốn củi để báo hiếu cha mẹ tuổi già, nhà tại Tập Hiền Thôn, gần núi Mã Yên, ở cửa sông Hán Dương.
Năm đó, Bá Nha phụng chỉ vua Tấn đi sứ qua nước Sở. Trên đường về, khi thuyền đến cửa sông Hán Dương, đúng vào đêm Trung Thu trăng sáng, phong cảnh hữu tình, Bá Nha ra lệnh cắm thuyền dưới chân núi Mã Yên để thưởng ngoạn. Cảm thấy hứng thú, muốn dạo chơi một vài khúc đàn, Bá Nha sai quân hầu lấy chiếc lư ra, đốt hương trầm, xông cây Dao cầm đặt trên án.
Bá Nha trịnh trọng nâng đàn, so dây vặn trục. Sau đó đặt hết tâm hồn đàn lên một khúc réo rắt âm thanh, quyện vào khói trầm. Chưa hết bài, đàn bỗng đứt dây. Bá Nha giật mình tự nghĩ, dây đàn bỗng đứt, thế này ắt có người nghe lén tiếng đàn, bèn sai quân hầu lên bờ tìm xem có ai là người nghe đàn mà giấu mặt.
Quân hầu nghe lệnh lên bờ thì bỗng có người từ trên bờ lên tiếng:
– Xin đại nhân thứ lỗi cho, tiểu dân này đi kiếm củi về muộn, ngang qua đây, nghe tiếng đàn tuyệt diệu quá, nên cất bước đi không đành!
Bá Nha cười lớn bảo:
– Người tiều phu nào đó dám nói hai tiếng nghe đàn với ta?
Tiếng nói từ trên núi lại đáp lại:
– Đại nhân nói vậy, kẻ hèn này trộm nghĩ là không đúng. Há đại nhân không nhớ câu nói của người xưa: “Thập nhất chi ấp tất hữu trung tín” (Trong một ấp có mười nhà ắt có người trung tín). Hễ trong nhà có quân tử thì ngoài cửa ắt có người quân tử đến. Nếu đại nhân khinh chỗ quê mùa không người biết nghe đàn, thì cũng không nên gảy lên khúc đàn tuyệt diệu làm gì.
Bá Nha có vẻ ngượng khi nghe câu nói của người tiều phu. Biết mình lỡ lời, liền tiến sát đến mũi thuyền dịu giọng nói:
– Người quân tử ở trên bờ, nếu thực biết nghe đàn thì có biết vừa rồi ta gảy khúc gì không?
– Khúc đàn đại nhân vừa tấu đó là “Ðức Khổng Tử khóc thầy Nhan Hồi”, phổ vào tiếng đàn, lời rằng (tạm dịch):
Nhan Hồi mất sớm thật đau thương,
Tư tưởng dạy người tóc bạc sương.
Ngõ hẹp nước bầu cơm giỏ hẩm…
Hồi nãy, đại nhân đang đàn thì đứt dây, nên còn thiếu mất câu thứ tư là:
Danh hiền lưu mãi cõi trần dương.
Tử Kỳ tinh thông nhạc lý, tinh tường Dao cầm, thấu rõ lòng Bá Nha qua tiếng đàn, lúc cao vòi vọi chí tự non cao, lúc thì trời nước bao la, ý tại lưu thủy. Bá Nha vô cùng cảm phục và xin kết nghĩa anh em.
Trước khi chia tay, hai người hẹn gặp lại vào năm sau cũng tại chốn này.
Mùa thu năm sau, khi Bá Nha trở lại Mã Yên thì Tử Kỳ bị bệnh mới chết, mộ còn chưa xanh cỏ. Chung lão, thân phụ của Tử Kỳ đưa Bá Nha đến mộ.
Bên phần mộ Tử Kỳ, Bá Nha lạy và khóc nức nở rằng: Hiền đệ ơi, lúc sống anh tuấn tuyệt vời, nay chết, khí thiêng còn phảng phất, xin chứng giám cho ngu huynh một lạy ngàn thu vĩnh biệt.
Lạy xong, Bá Nha gọi đem Dao cầm tới, đặt lên phiến đá trước mộ, ngồi xếp bằng trên mặt đất một cách nghiêm trang, so dây tấu khúc “Thiên thu trường hận”, tiễn người tri âm tài hoa yểu mệnh. Tiếng đàn đang réo rắt bỗng trầm hẳn xuống. Gió rừng thổi mạnh, mây đen kéo lại, u ám bầu trời, hồi lâu mới tan. Bá Nha ngưng đàn. Gió ngừng rít, trời trong sáng trở lại, chim ai oán lặng tiếng.
Bá Nha nhìn Chung lão thưa:
– Tử Kỳ đã về đây chứng giám cho lòng thành của tiểu sinh. Cháu vừa đàn khúc đoản ca để viếng người tri âm tài hoa mệnh yểu, và xin đọc thành thơ đoản ca này (tạm dịch):
Nhớ đến mùa thu năm trước
Từng gặp bạn bên bờ sông
Hôm nay trở lại tìm
Không thấy người tri âm
Chỉ thấy một nấm mộ đất
Thảm thiết đau thương lòng ta
Ôi thương tâm! Lại thương tâm!
Không cầm được nước mắt ròng ròng
Vui đến rồi đi, còn lại đau khổ
Mây sầu trôi lên bên ven sông
Tử Kỳ hỡi! Tử Kỳ ơi!
Em và anh có nghĩa ngàn vàng
Dù có đến tận vô bến bờ cũng không nói hết lời
Vậy khúc nhạc này cũng dứt không đàn nữa
Dao cầm ba thước chết luôn theo em.
Lời thơ vừa dứt, Bá Nha nâng cây Dao cầm lên cao, một tay vái, một tay đập mạnh Dao cầm xuống tảng đá. Dao cầm vỡ tan tung ra từng mảnh, trụ ngọc, phím vàng rơi lả tả.
Chung lão không kịp ngăn, kinh hoảng hỏi:
– Sao đại nhân lại đập vỡ cây đàn quí giá này?
Bá Nha đáp lời bằng bài thơ tứ tuyệt (tạm dịch):
Đập nát Dao cầm đau xót phượng
Tử Kỳ không có đàn cho ai
Bốn phương trời đất bao bè bạn
Tìm được tri âm khó lắm thay!
(2) Tri kỷ
Đời Xuân Thu, Quản Di Ngô tự là Trọng, vốn người có tài kinh bang tế thế. Ngày còn hàn vi chưa gặp thời, thường cùng bạn là Bảo Thúc Nha đi buôn chung. Lúc chia lời, Quản Trọng thường lấy phần hơn.
Người ngoài thấy thế bất bình, nhưng Bảo Thúc Nha vui vẻ nói:
– Quản Trọng không phải tham mà lấy tiền ấy, chỉ vì gặp cảnh quẫn bách bất đắc dĩ nên ta cũng bằng lòng nhường cho hắn.
Quản Trọng ở chỗ thị tứ thường bị lắm kẻ dọa nạt, hà hiếp mà không một lời phản kháng. Mọi người cười cho là hèn mạt, nhu nhược, nhưng Bảo Thúc Nha cho bạn là người khoan dung.
Quản Trọng thường đàm luận cùng Bảo Thúc Nha nói nhiều điều sai lầm. Thúc Nha nói:
– Đó là con người chưa gặp vận. Chớ lúc gặp thời thì trăm việc không hỏng việc nào.
Lúc theo việc quân, mỗi khi ra trận thì Quản Trọng đi sau; khi thu quân về thì Quản Trọng đi trước. Mọi người đều chế giễu cho là nhát. Bảo Thúc Nha nói:
– Quản Di Ngô nào phải nhát gan, chỉ vì người còn mẹ già nên phải giữ thân thể để phụng dưỡng mẹ.
Quản Trọng ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi, người người đều khinh. Nhưng Thúc Nha nói:
– Di Ngô không phải là kẻ bất tiếu (ngu xuẩn), vì chưa gặp thời, chưa gặp được vua hiền mà thôi.
Về sau, Quản Trọng phò công tử Củ; Bảo Thúc Nha phò công tử Tiểu Bạch. Công tử Củ và công tử Tiểu Bạch vốn là anh em khác mẹ tranh ngôi nhau. Công tử Củ thất bại ở nước Lỗ, bị vua nước Lỗ giết chết.
Vua Lỗ lại bắt Quản Trọng và Thiệu Hốt là người phò công tử Củ nộp cho Tiểu Bạch tức Tề Hoàn công đương làm chúa nước Tề.
Thiệu Hốt tự tử. Còn Quản Trọng thì chịu làm tên tù, và chịu tội với Tiểu Bạch vì trước kia đã bắn vào đai bụng của Tiểu Bạch. Mến tài của Quản Trọng và do Thúc Nha tiến cử, Tiểu Bạch dùng Quản Trọng làm tướng quốc.
Người ta chê Quản Trọng không giữ được khí tiết như Thiệu Hốt. Nhưng Thúc Nha lại bảo:
– Di Ngô nhẫn nhục thờ Hoàn công không phải vô sỉ mà là người không câu chấp những tiểu tiết thường tình. Đó chính là kẻ có chí làm lợi cho cả thiên hạ.
Sau này, khi Quản Trọng sắp chết, vua Tề hỏi có nên cử Bảo Thúc Nha làm tể tướng thay vào vị trí của Quản không, thì Quản Trọng liền bác đi: làm tể tướng phải giỏi chính trị, mà chính trị vốn hay trí trá; Bảo Thúc Nha là bậc quân tử, yêu điều thiện, ghét điều ác, tà chính phân minh, không thể làm chính trị được, vậy chớ nên giao chức tể tướng.
Có người trách Quản Trọng vong ân bạc nghĩa với bạn, thì Bảo Thúc Nha liền nói:
– Đó là anh Quản Trọng biết lấy nghĩa công đặt trên tình riêng, vì nước chứ không vì bạn. Chẳng uổng công ta đã tiến cử anh ấy với vua.
Những lời Bảo Thúc Nha thanh minh cho mình thì Quản Trọng đều biết rõ. Cho nên Quản Trọng rất cảm khái than rằng: “Sinh ra ta ấy là cha mẹ, nhưng hiểu ta trên đời chỉ có một Bảo Thúc Nha mà thôi” (Sinh ngã giả, phụ mẫu dã; tri kỷ giả, Bảo Thúc Nha dã).
Câu nói nổi tiếng của Quản Trọng đã đi vào sử sách trong khoảng gần 2.500 năm nay. Hai chữ tri kỷ ở Trung Hoa và Việt Nam trở thành một từ rất đẹp; sống trên đời này ai có được bạn tri kỷ thì sung sướng, hạnh phúc vô cùng, vì đó là người hiểu được hết tâm tư, tình cảm sâu kín của mình.
Ở ta còn hay nhắc tới một câu cổ văn của Trung Quốc “Đắc nhất tri kỷ, khả dĩ bất hận”, nghĩa là: “Ở đời có được một người tri kỷ thì không còn ân hận gì.”
Cũng vậy, người ta cũng thích dùng hai câu đầu trong bài tứ tuyệt của nhà thơ Âu Dương Tu, đời Tống:
酒逢知己千杯少 Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu,
话不投机半句多 Thoại bất đầu cơ bán cú đa.
Nghĩa là: “Uống rượu gặp người tri kỷ thì ngàn chén vẫn ít, Nói chuyện với người không tâm đầu ý hợp thì nửa câu đã là nhiều”.
(3) Bạn (伴)
Tình bạn là mối quan hệ tình cảm hai chiều giữa con người với nhau. Nó là một hình thức liên kết các cá nhân mạnh mẽ hơn so với một tổ chức kiểu hiệp hội, và đã được nghiên cứu trong các lĩnh vực học thuật như giao tiếp, xã hội học, tâm lý học, nhân chủng học và triết học.
Một ông cụ quay qua một cô bé và hỏi: “Cô có bao nhiêu người bạn?”. “Sao cụ lại hỏi vậy, cháu có 10 hay 20 người bạn, nhưng cháu chỉ nhớ tên được vài người thôi”.
Cụ mỉm cười như thấu hiểu rồi buồn bã gật đầu: “Cô phải thật may mắn mới có nhiều người bạn như thế. Nhưng hãy nghĩ về điều cô đang nói. Có quá nhiều người cô không biết tên đấy! Bạn không phải chỉ là người để cô nói: Xin chào! Bạn là người có bờ vai mềm mại để cô dựa vào mà khóc. Là một cái giếng để đổ xuống đấy tất cả những rủi ro của cô và nâng giá trị của cô lên cao. Bạn là một bàn tay để kéo cô lên từ bóng đêm và tuyệt vọng, khi tất cả những người mà cô gọi là “bạn” đã đẩy cô vào đó. Một người bạn thật sự là một đồng minh không thể bị lay động hay bị mua chuộc. Là một giọng nói để giữ cho tên của cô còn sống mãi, khi những người khác đã lãng quên. Nhưng cái cần thiết nhất của một người bạn là một trái tim, là một bức tường mạnh mẽ và sừng sững. Để từ trái tim của những người bạn đó, ta sẽ có tình yêu tuyệt vời nhất. Vậy hãy nghĩ về những gì tôi nói, từng lời nói đều thật lòng cả. Và hãy trả lời lại cho tôi một lần nữa đi, cô bé, cô có bao nhiêu người bạn nào?”
Tôi mỉm cười với cụ và trả lời: “Nếu đúng như lời cụ nói, thì cháu không hề có một người bạn nào cả cụ ạ”.
Exit mobile version