Nhiệt độ Trái đất trong Thời kỳ băng hà cuối cùng ở khoảng 7-8 độ C. Phát hiện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa mức độ gia tăng ngày nay của carbon dioxide trong khí quyển và nhiêt độ Trái đất.
Cực đại băng hà cuối cùng (hay LGM – Last Glacial Maximum, khoảng 20.000 năm trước) là kỳ băng giá cuối cùng thuộc Kỷ băng hà cuối cùng trong lịch sử khí hậu Trái đất. Đó là khi các sông băng khổng lồ bao phủ khoảng một nửa Bắc Mỹ, châu Âu và Nam Mỹ và nhiều vùng của châu Á, dẫn đến sự thay đổi khí hậu đáng kể. Giới khoa học nghiên cứu rất lâu và có nhiều dữ liệu về khoảng thời gian này nhưng một câu hỏi từ lâu chưa trả lời chính xác được là Kỷ băng hà lạnh đến mức nào?
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature 27/8, các nhà khoa học do Đại học Arizona (Mỹ) dẫn đầu cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu của Kỷ băng hà rơi vào khoảng 7-8 độ C, lạnh hơn nhiệt độ toàn cầu trung bình của thế kỷ 20 là 14 độ C.
Hầu hết các phần phía Bắc bán cầu bị bao phủ trong băng và cực kỳ lạnh giá. Ngay cả các vùng hiện nay rất nóng như bang Arizona (Mỹ) cũng rất lạnh. Nơi lạnh nhất là ở các vĩ độ cao, chẳng hạn Bắc Cực.
Biết nhiệt độ của Kỷ băng hà rất quan trọng vì nó sẽ được sử dụng để hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa mức độ gia tăng của carbon dioxide trong khí quyển và nhiệt độ trung bình toàn cầu.
Nhóm khoa học gia đã xác định được rằng cứ tăng gấp đôi lượng carbon trong khí quyển, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 3,4 độ C.
Mức độ carbon dioxide trong khí quyển thời kỳ băng hà là khoảng 180 phần triệu, rất thấp. Trước Cách mạng công nghiệp, mức độ này tăng lên khoảng 280 phần triệu và ngày nay đã đạt 415 phần triệu.
Để thu được kết quả này, nhóm các nhà khoa học đã phát triển mô hình chuyển dữ liệu thu thập được từ hóa thạch sinh vật phù du đại dương thành nhiệt độ bề mặt biển. Sau đó, họ sử dụng kỹ thuật đồng hóa dữ liệu, được sử dụng trong dự báo thời tiết để kết hợp dữ liệu hóa thạch với mô hình mô phỏng khí hậu của LGM.
Trong tương lai, nhóm sẽ sử dụng kỹ thuật tương tự để tái tạo các thời kỳ ấm áp trong quá khứ của Trái đất.
Nếu họ tái tạo thành công những vùng khí hậu ấm áp trong quá khứ, chúng ta có thể bắt đầu trả lời những câu hỏi quan trọng về cách Trái đất phản ứng với mức carbon dioxide thực sự cao.
Quan trọng hơn hết thảy là chúng ta có thể nâng cao hiểu biết và dự báo để chuẩn bị được những tình huống mà biến đổi khí hậu có thể xảy ra trong tương lai.