Không chỉ ở thành phố, mà nhiều tỉnh thành có quá nhiều quy hoạch, quy hoạch treo, từ quy hoạch tổng thể năm năm, quy hoạch vùng, địa phương, ngành, quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch khu đô thị. Còn có các bảng treo ở các lô đất là đang quy hoạch, sắp quy hoạch, chờ quy hoạch, quy hoạch của quy hoạch.
Nếu bạn chú ý một chút, thì nơi nào cắm bảng quy hoạch thì nơi đó không phát triển, xây nhà lụp xụp, tạm bợ hay còn gọi là xây nhà theo kiểu “tháo vác”, vì sau này di dời thì cái gì tháo được thì tháo và cái gì vác được thì vác.
Với ngôi nhà hay khu đất mà quy hoạch, thì người dân không thể mua bán, thừa kế, chuyển nhượng hay cầm cố gì được cả. Ví dụ nếu ngôi nhà ấy mà được chính thức hóa quyền sở hữu, tức là được cấp sổ hồng, thì cầm cố được 1 tỷ chẳng hạn, thì người dân có thêm 1 tỷ để kinh doanh mua bán và xã hội có thêm 1 tỷ về vốn. Còn nếu quy hoạch, thì không thể cầm cố và người dân cũng như xã hội mất đi 1 tỷ. Các bạn có thể xem thêm cuốn sách “Sự huyền bí của vốn” (the mystery of the capital) của Hermando de Soto để hiểu rõ hơn về điều này.
Nếu không có các quy hoạch, thì căn nhà hay lô đất ấy, người dân sẽ có những hành vi đầu tư dài hạn, sẽ “an cư lạc nghiệp”.
Một số quốc gia thiếu vốn, họ đã xóa đi nhiều quy hoạch treo, không khả thi để chính thức hóa quyền sở hữu và người dân có vốn để làm ăn do cầm cố và mua bán theo giá thị trường.
Bài toán này, tức là xóa quy hoạch không khả thi phải được làm thật nhanh, ngắn, làm một lần, đồng bộ, để tránh trục lợi từ quyết định này.