Một loạt thông tin chấn chỉnh hoạt động thị trường nhà đất của chính quyền địa phương, như triển khai cưỡng chế nhà xây trái phép tại huyện Cư Kuin đang thu hút sự quan tâm của dư luận Đắk Lắk, đặc biệt với các thị dân Buôn Ma Thuột.
Bởi lẽ đã hơn 8 tháng qua, cơn “sốt đất” ở thành phố này vẫn tiếp diễn không dừng và nếu không sớm lập lại sự an định, thị trường nhà đất tại đây sẽ dễ xảy ra những “biến chứng” nguy hiểm.
Theo ghi nhận từ thị trường, địa bàn các xã vùng ven TP. Buôn Ma Thuột, như Ea Tu hay dọc tuyến Quốc lộ 26 về hướng đông liên tục “sốt đất” trong thời gian qua. Hàng nghìn hồ sơ đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, hướng đến cơ hội chuyển đổi đất canh tác nông nghiệp sang đất thổ cư đã được nộp đến các văn phòng giao dịch đất đai địa phương. Trong đó, lượng hồ sơ liên quan đến đất tách thửa nông nghiệp tăng cao, và phổ biến hiện tượng một lô đất được đăng ký chuyển đổi nhiều lần. Cơ quan chức năng khó phân biệt được đâu là nhu cầu thực sự của người dân về nhà và đất ở, đâu là giới đầu cơ muốn thao túng đất đai.
Theo các nhà tư vấn, với hiện trạng phức tạp giao dịch đất đai hiện nay, thị trường nhà đất Buôn Ma Thuột và chung cả tỉnh Đắk Lắk sẽ có nguy cơ biến thiên tiêu cực. Bài học đã thấy ở TP. Đà Nẵng, Đồng Nai, gần đây là Huế, Quảng Trị… thể hiện, giao dịch “ảo” qua hồ sơ đăng ký tăng, không chỉ gây áp lực cho cơ quan chức năng, mà còn tạo tâm lý hoang mang, “lên giá” nhà đất ở người dân. Khi tâm lý này được vận dụng khai thác bởi những đợt thông tin “gây sốt” từ lực lượng môi giới, thị trường sẽ đi đến hiện tượng tiêu cực về giá đất không ngừng tăng, dù thực tế giao dịch không nhiều. Hệ lụy về sau, thị trường sẽ chạm đến những cái ngưỡng “hét giá” vô chừng, không có cơ sở thực tế nhưng… ai cũng tin. Các chuyên gia đều cảnh báo, khi đi đến giới hạn này, “bong bóng đất” sẽ hình thành, tích tụ và đe dọa an ninh thị trường, cực kỳ nguy hiểm cho toàn nền kinh tế – xã hội.
Bởi nguy cơ này, thị trường nhà đất Buôn Ma Thuột và cả Đắk Lắk cần có ngay các biện pháp chấn chỉnh, để an định tâm lý người dân, “cắt cơn” sốt nóng tâm lý, “ảo hóa” nhu cầu và sớm lập lại trật tự quản lý.
Có thể thấy, có ba điều cần điều chỉnh về vấn đề này:
Thứ nhất, cơ quan chức năng và chính quyền cần siết ngay tình trạng giao dịch nhà đất tự phát, phân lô bán nền trái quy định, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và cố tình vi phạm, mà sự kiện cưỡng chế ở huyện Cư Kuin hay cách chức một số lãnh đạo địa phương vi phạm quản lý đất đai là điển hình. Việc này lập tức giúp điều chỉnh hành vi ở một số nhóm đối tượng môi giới, đầu cơ đất đai, tạo lại hành lang chấp hành pháp lý và tâm lý ổn định cho người dân.
Thứ hai, tăng cường quản lý, thực hiện các quy định kiểm soát hiệu quả chính sách đất đai trên địa bàn, đặc biệt là nhu cầu tách thửa đất canh tác thành thổ cư.
Được biết mới đây, TP. Buôn Ma Thuột và Sở Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản đề xuất tỉnh xem xét điều chỉnh Quyết định 07/2022/QĐ-UBND, ngày 21/1/2022 của UBND tỉnh về diện tích thửa đất được chấp nhận chia tách, kiến nghị tăng từ diện tích 500 m2 lên 2.000 m2. Theo cơ quan chức năng, điều chỉnh diện tích lớn này sẽ giúp ngăn chặn hiện tượng chia vụn đất nền trái phép trong người dân.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh này rất cần đội ngũ cán bộ cơ sở chấp hành nghiêm minh pháp luật, bởi nếu không, lại là cánh cửa bỏ ngỏ cho nạn đầu cơ đất với diện tích lớn trong khi hạn chế tiêu cực nhu cầu chuyển đổi nhà và đất ở chính đáng của người dân. Một số chuyên gia đã phân tích, sẽ chỉ có giới đầu cơ mới đủ tài chính đăng ký sở hữu những lô đất tách thửa với diện tích lớn. Do đó, việc điều chỉnh chấp thuận tăng diện tích phải có sự cân nhắc rõ ràng, thận trọng nếu không dễ lâm cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” trong đầu tư.
Cuối cùng, chính quyền cần minh bạch và tích cực trong việc công bố các thông tin quy hoạch, phân cấp vùng quy hoạch trên địa bàn, để người dân nắm rõ các thông tin điều chỉnh địa giới các khu vực đất đai, tránh bị những ngộ nhận, nhầm lẫn, sai sót thông tin làm nhiễu loạn dư luận. Chính quyền cần hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư hạ tầng, sử dụng đầu tư công được triển khai hiệu quả, nhanh chóng, qua đó ổn định quỹ đất bố trí cho các khu dân cư, đô thị phát triển mới, hỗ trợ các chủ đầu tư có chính sách khai thác, đầu tư đất đai theo quy hoạch minh bạch của địa phương được đưa các nguồn quỹ nhà đất vào tổ chức thương mại hóa. Một khi nguồn nhà đất hợp pháp, được đầu tư đầy đủ, có đủ các điều kiện pháp lý được tổ chức thương mại hóa, đáp ứng tốt nhu cầu nhà ở của người dân địa phương, có lộ trình đầu tư phát triển rõ ràng, hiện thực, vấn đề bất ổn thị trường sẽ thoái giảm.
Nguyên Đức (Báo Đắk Lắk)