Trong nhiều ngày qua, trên các hội bất động sản xôn xao thông tin Cụm Công nghiệp Tân An, tỉnh Đắk Lắk phải di dời, nhường vị trí lại cho dự án bất động sản. Điều đặc biệt là dù đã có văn bản họp, nhưng doanh nghiệp sản xuất tại Cụm Công nghiệp này lại chẳng hay biết gì!
Theo đó, vào ngày 25/4, một lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xác nhận việc ban hành thông báo kết luận của buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland vào ngày 14-4.
Trong văn bản kết luận, Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất về việc chủ trương di dời Cụm Công nghiệp Tân An ra khỏi trung tâm thành phố. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Buôn Ma Thuột phối hợp với đơn vị tư vấn và Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland nghiên cứu, triển khai thực hiện các thủ tục để đưa vào quy hoạch chung của thành phố thành Khu đô thị Đông bắc Tân An.
Ngay khi có văn bản từ ngày 14/4, hàng loạt “cò đất” đã chia sẻ văn bản kết luận này trên các hội nhóm bất động sản. Về phía chủ đầu tư và các doanh nghiệp đang sản xuất tại Cụm Công nghiệp Tân An, họ hoàn toàn chưa nhận được bất cứ thông báo gì. “Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường” đã gây nên tâm lý hoang mang cho cả người lao động và doanh nghiệp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Trạm chiết nạp gas – Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Khánh Thư, cho biết trước đây trạm được đặt trước cổng cụm công nghiệp. Vào năm 2015, trạm được yêu cầu di dời vào trong để đảm bảo an toàn. Chỉ tính chi phí di dời, doanh nghiệp đã phải bỏ ra hàng chục tỷ. Còn tổng đầu tư vào các nhà máy sản xuất tại cụm công nghiệp là hơn 100 tỉ đồng.
Ông Sơn cảm thấy rất bức xúc và sốc trước thông tin di dời trên. Vì công ty ông chuyên kinh doanh về gas, máy móc thiết bị rất phức tạp và không thể gián đoạn sản xuất. Thông tin trên khiến doanh nghiệp rất hoang mang. Vì nếu di dời sẽ không còn bạn hàng, doanh nghiệp không thể đầu tư vào chỗ mới.
Mặt khác, công ty thuê đất đầu tư sản xuất, nộp thuế cho nhà nước. Nhưng vấn đề hệ trọng như việc di dời lại không có bất cứ cơ quan nào đến làm việc, bàn bạc với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Cụm Công nghiệp Tân An.
Cùng tâm trạng như ông Sơn, chủ hộ kinh doanh Nguyên Phát – ông Trần Cao Nguyên cho biết đầu năm 2022, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 20 tỉ đồng vào xây dựng nhà máy. Vừa sản xuất chưa được bao lâu, nay lại có tin cụm công nghiệp chuẩn bị di dời khiến ông đứng ngồi không yên. Ông cho rằng: “Đây là cả vấn đề hệ trọng, nếu tỉnh muốn di dời thì phải có lộ trình dài hạn và thông báo rõ ràng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất”.
Điều đáng nói là cả chủ đầu tư Cụm Công nghiệp Tân An là Công ty Hồng Lĩnh cũng không hề biết gì và khẳng định chưa có bất kỳ cơ quan nào tới làm việc về kế hoạch di dời cụm công nghiệp.
Ông Nguyễn Kim Tùng, Giám đốc Ban quản lý Cụm Công nghiệp Tân An, cho biết thời hạn thuê đất tại cụm công nghiệp tới năm 2060, cụm công nghiệp này vừa lấp đầy diện tích với 73 doanh nghiệp đang sản xuất với khoảng 3.000 công nhân đang làm việc. Sau khi có thông tin về chủ trương di dời, hàng chục doanh nghiệp tìm gặp ông phản ánh, tỏ thái độ vô cùng lo lắng.
“Công ty Hồng Lĩnh đã đầu tư hơn 200 tỉ đồng vào xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp. Trong khi đó, mỗi năm chỉ thu về khoảng 7 tỉ đồng tiền thuê đất nên bản thân chúng tôi cũng lo lắng” – ông Tùng nói.
Cò đất thổi giá đất quanh cụm công nghiệp tăng 200% – 300%
Trên thực tế, có lẽ chỉ doanh nghiệp và chủ đầu tư Cụm Công nghiệp Tân An là không hề hay biết gì về chuyện di dời. Còn cò đất trên địa bàn tỉnh thì đều đã rõ. Do độ “hiếm” và độ “hot” của văn bản nên nhiều công ty bất động sản, cò đất đã đóng cả logo và kèm theo những lời rao bán đất “đường mật”.
Ông Phạm Ngọc Sơn cho biết, ngoài 2 dự án bất động sản đang xây dựng quanh cụm công nghiệp, hiện đất của người dân quanh cụm công nghiệp được các cò đất thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường. Chỉ trong thời gian ngắn, giá đất của người dân quanh cụm công nghiệp đã tăng lên gấp 2 đến 3 lần so với ban đầu.
Tổng hợp