Làm thế nào để tránh “sập bẫy” sốt đất ảo?

 Làm thế nào để tránh “sập bẫy” sốt đất ảo?

Cơn sốt đất nền đang lan nhanh tại một số tỉnh thành với mức tăng giá khoảng 20%, 50%, thậm chí 100% trong thời gian ngắn.

Hàng loạt địa phương giá đất tăng bất thường

Thị trường BĐS đã sôi động ngay từ đầu năm Âm lịch. Tuy nhiên, sự đôi động này lại đang dấy lên sự lo ngại. Tại nhiều địa phương, giá đất tăng nhanh bất thường. Nhiều dự án chưa đủ tính pháp lý, hoặc chưa có quy hoạch cụ thể đã bị đẩy giá cao ngất ngưởng

Tại Hà Nội, từ cuối năm ngoái, khu vực Ba Vì, Hòa Lạc, Mê Linh, giá đất đã tăng nhanh. Nhiều vị trí đất trong thôn, xóm, làng xã bị đẩy giá lên tới 50%. Hàng loạt môi giới, đầu cơ cũng đổ xô về các tỉnh đang có phát triển tốt kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, tạo ra một khung cảnh nhộn nhịp chưa từng có ở các địa phương này.

Theo lý giải của các chuyên gia, cuối năm ngoái, nhiều nhà đầu tư đã chốt lời từ chứng khoán, cộng với việc lãi suất tiết kiệm gửi ngân hàng liên tục giảm giảm, đã khiến dòng tiền chảy vào bất động sản. Nhiều người coi nhà đất là kênh tích trữ tài sản. Điều này khiến cho giá BĐS bị đẩy lên nhanh. Tuy nhiên, trong ‘cơn say” đầu tư đất, nhà đầu tư cần tỉnh táo về tính pháp lý của dự án.

Cảnh báo tính pháp lý khi đầu tư đất nền

Dự án Đông Bắc thị trấn Bích Động nằm ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang – nơi đang phát triển mạnh hàng loạt các khu công nghiệp lớn. Không khó để bắt gặp hình ảnh một loạt các nhà đầu tư tập trung đến xem đất mặc dù tấm biển cảnh báo cắm ngay bên cạnh.

Theo các môi giới, dự án hiện không bán lẻ, mà chỉ bán sỉ, bán buôn. Ai muốn mua phải mua liền 5 lô. Mỗi lô phải cọc 400 triệu đồng, tức là 5 lô thì phải cọc 2 tỷ đồng.

Tuy các môi giới khẳng định, việc đặt cọc theo lô này sẽ tiến hành trực tiếp với chủ đầu tư nhưng phía doanh nghiệp lại khẳng định, không có liên quan tới các hoạt động này.

cơn sốt đất ảo

Ông Nguyễn Doãn Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án, Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh, cho biết: “Không có chuyện bán gì cả, công ty chưa thực hiện việc đấy. Hiện nay chưa đủ điều kiện thực hiện công tác huy động”.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nói: “Tôi có được thông tin 1 vài người có rao bán, sau khi nhận thông tin, đã yêu cầu doanh nghiệp giải trình, doanh nghiệp có văn bản cam kết. Chúng tôi rất sốt ruột vấn đề này nên đã có văn bản giao công an huyện điều tra. Cắm bảng cảnh báo, tránh 1 số đối tượng trục lợi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân”.

Đại diện chính quyền địa phương thừa nhận, thị trường BĐS tại đây đang có sự phát triển nóng. Tại nhiều dự án, các môi giới từ Hà Nội và các tỉnh khác cũng đổ về, tạo cảnh tấp nập. Điều đáng nói là nhiều dự án trong số đó vẫn chưa xong các thủ tục pháp lý, chứa đựng rất nhiều rủi ro.

Chiêu thức tạo “sốt đất”

Thực tế đã cho thấy, nhiều người mua đất tại các dự án chưa xong thủ tục pháp lý, và đang trong các cơn sốt ảo đã phải gánh chịu hệ lụy rất lớn. Tiền vốn bị “chôn” tại dự án, sổ đỏ cũng không có. Các môi giới đã sử dụng những chiêu thức nào để tạo các cơn sốt đất.

Chiêu thức phổ biến được các môi giới nhà đất sử dụng là tung tin đồn. Ví dụ: khu vực này sắp có Tập đoàn A, hoặc Tập đoàn B đến xây dựng dự án lớn. Nhiều trường hợp, trên mạng xã hội còn lan truyền văn bản giả kiến nghị nghiên cứu lập dự án của doanh nghiệp. Đợt sốt đất tại xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cách đây 1 năm chính là do nguyên nhân này. Mới đây nhất là trường hợp sốt đất “ngắn kỷ lục” chỉ trong vòng 1 tuần tại Bình Phước cũng được tạo ra do tin đồn tỉnh chuẩn bị quy hoạch xây dựng sân bay Téc Níc. Việc tin đồn giả, nhưng gây ra sốt đất thật, ảnh hưởng rất lớn tới các địa phương.

Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn, nói: “Nhà nước cần có định hướng để nhà đầu tư, người có nhu cầu thật có nên mua thời điểm hiện nay hay không”.

Các đối tượng môi giới cũng có chiêu thức thông đồng bắt tay nhau để “thổi” giá. Họ thường huy động hàng trăm người xếp hàng, thậm chí còn giả chen lấn, để tạo ra khung cảnh nhộn nhịp tại các khu vực đấu giá, giao dịch nhà, đất. Thậm chí, mỗi lần có khách hàng đến văn phòng giao dịch, các môi giới sẽ thông tin cho những người khác nhập vai y như khách mua thật. Trường hợp khách còn chần chừ, người đóng vai khách mua sẽ lập tức làm thủ tục xuống tiền đặt cọc, trả cao hơn khách thật để tạo niềm tin, tạo sự nhộn nhịp giả.

cơn sốt đất ảo

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhận định: “Nếu không kiểm soát tốt, sẽ xảy ra bong bóng, giá ảo, nguy cơ đổ vỡ thị trường, rất nguy hiểm”.

Vào thời điểm này, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại kịch bản bong bóng BĐS bị vỡ do giá bị đẩy lên nhanh và ở mức cao, có thể tiếp diễn giống như thị trường cách đây 10 năm trước. Nhưng hậu quả rõ ràng nhất là đã có trường hợp doanh nghiệp đang tìm hiểu dự án tại địa phương, nhưng do sốt đất ảo nên đã quay lưng từ bỏ kế hoạch bởi giá đất tăng ảo, khiến cho việc đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án gặp khó khăn.

Còn đối với nhiều nhà đầu tư, hình ảnh những biệt thự hoang tàn, chỉ để cỏ mọc do hậu quả của những cơn sốt ảo – vẫn là nỗi ám ảnh đối với họ cho đến tận thời điểm này.

Theo: VTV

HongLien

Related post