Trạng thái “bình thường mới” được thiết lập, các hoạt động kết nối giao thương trực tiếp được đẩy mạnh thực hiện. Quá đó, thúc đẩy xúc tiến thương mại của tỉnh sau thời gian bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Nhiều hoạt động hỗ trợ
Một thời gian dài, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh mong muốn được kết nối tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp.
Trước nhu cầu đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã chủ động làm việc với DN để nắm bắt nhu cầu cần hỗ trợ về thị trường đối với các mặt hàng, hình thức hỗ trợ phù hợp, giúp DN thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm, quảng bá mở rộng thị trường, nhất là các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Trong tháng 2/2022, Sở Công thương đã tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Đắk Lắk. Kết quả, có 14 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Wincommerce và DN, hợp tác xã được ký kết để đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng Winmart và Winmart+ trên toàn quốc.
Mới đây, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức đoàn DN tham gia Hội nghị kết nối giao thương giữa thành phố Đà Nẵng và 3 tỉnh Tây Nguyên năm 2022. Theo đó, tỉnh tổ chức gian hàng chung với 12 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm như: cà phê, mật ong, hạt mắc ca, tinh bột nghệ, trà, rau củ quả, tinh dầu… Tại đây, có 4 hợp đồng và 36 bản thỏa thuận, hợp tác cung cấp hàng hóa giữa các đơn vị của tỉnh Đắk Lắk với các nhà thu mua, nhà phân phối tại Đà Nẵng.
Bà Hoàng Thị Thơm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Yaris (TP. Buôn Ma Thuột) nhìn nhận, đây là hội nghị có quy mô lớn, bài bản được tổ chức sau thời gian dài các hội chợ, triển lãm, hội nghị phải tạm hoãn để chống dịch. Nắm bắt cơ hội này, DN đẩy mạnh tiếp cận khách hàng, nhà phân phối để giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tinh dầu của đơn vị mình.
Cùng với đó, ngành công thương tỉnh còn cập nhật và cung cấp đến DN, hộ kinh doanh những thông tin mới nhất về chương trình, chính sách hỗ trợ liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công thương cũng như của tỉnh.
Bám sát nhu cầu để xúc tiến thương mại phù hợp
Bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, hoạt động xúc tiến thương mại địa phương thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường, bao gồm các thị trường truyền thống, thị trường có tiềm năng và cả các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn nhiều bất cập do thiếu chiến lược và kế hoạch xúc tiến thương mại bài bản. Cụ thể, sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức hỗ trợ thương mại còn yếu; nguồn lực, kinh nghiệm của đội ngũ tham gia làm công tác hỗ trợ thương mại còn hạn chế, điều này làm hiệu quả hoạt động phát triển thị trường nội địa và ngoại thương chưa được như kỳ vọng.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương thẳng thắn nhìn nhận, các hoạt động xúc tiến thương mại thường tập trung vào việc duy trì, tìm kiếm và mở rộng thị trường để bán những hàng hóa mà ta có, chưa gắn liền với hoạt động phát triển sản phẩm để có thể bán những sản phẩm hàng hóa mà thị trường có nhu cầu. Trong khi đó, phần lớn các DN đang hoạt động hiện nay là DN vừa và nhỏ, thiếu cả về nguồn nhân lực và kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại; chưa có được nhiều DN tạo ra những sản phẩm độc đáo của riêng mình.
Để hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới ngày càng hiệu quả hơn cần thiết phải hình thành phát triển hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước; đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới như Amazon, Alibaba… để hỗ trợ DN của tỉnh mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Về vấn đề này, Sở Công thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nguồn nhân lực, trang bị kiến thức cơ bản để sẵn sàng tham gia các sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số vào xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Cung cấp thông tin kịp thời về thị trường giá cả, nhu cầu, các quy định, các tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản kỹ thuật, các quy định về mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm… để DN, các tổ chức kinh tế nắm bắt, chủ động trong sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh.
Đặc biệt, Sở lắng nghe, nắm bắt khó khăn, vướng mắc cũng như ý kiến của DN trong việc tiếp cận, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai tại địa phương. Từ đó, có giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại phù hợp, tạo sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý và DN, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể; tập trung đào tạo, phổ biến về quy tắc xuất xứ và cách đáp ứng quy tắc xuất xứ để giúp DN nắm bắt được các cơ hội mở ra từ các FTA, nâng cao hơn nữa tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong các FTA, trong đó, ưu tiên các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Đắk Lắk…
Đỗ Lan (Báo Đăk Lăk)