Viettel và VNG làm ăn ra sao tại Myanmar?
Viettel và VNG cũng như nhiều doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) Việt, đang “nối gót” nhau khai phá thị trường nước ngoài, trong đó có Myanmar.
Mytel giành vị trí thứ 2 tại Myanmar
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) hồi tháng 6/2020 cho biết, sau 2 năm chính thức kinh doanh, Mytel – thương hiệu của Tập đoàn Viettel tại Myanmar, đã vượt mốc 10 triệu thuê bao, vươn lên vị trí thứ 2 tại Myanmar và gấp 2,5 lần nhà mạng đứng thứ tư tại Myanmar.
Trước đó, sau nhiều thất bại, năm 2016, Viettel đã đặt bước chân đầu tiên vào thị trường Myanmar bằng giấy phép thành lập liên doanh Mytel. Chỉ sau 8 tháng, Mytel đã đạt gần 5,2 triệu thuê bao di động, vươn lên chiếm 14% thị phần viễn thông và đứng thứ 3 trên thị trường.
Mytel – thương hiệu của Tập đoàn Viettel tại Myanmar đã vượt mốc 10 triệu thuê bao, vươn lên vị trí thứ 2 tại Myanmar. Ảnh: Mytel
Myanmar là thị trường quốc tế thứ 10 của Tập đoàn Viettel và cũng là thị trường có quy mô dân số lớn nhất, được đầu tư lớn nhất.
Vào thời điểm khai trương, Mytel có hạ tầng cáp quang chiếm 50% tổng số cáp quang tại Myanmar (36.000km). Đây cũng là nhà mạng di động đầu tiên phủ sóng 4G toàn quốc và cũng là công ty đầu tiên áp dụng cách tính cước theo block 1 giây (tính trên từng giây).
Về mặt công nghệ, Mytel là nhà mạng đầu tiên tại Myanmar cung cấp dịch vụ VoLTE, eSIM, giới thiệu 5G tại Myanmar. Hiện tại, 75% khách hàng của Mytel sử dụng 4G (cao nhất trong số các thị trường Viettel đầu tư).
Kể từ khi gia nhập thị trường viễn thông, Mytel đã giúp phổ cập dịch vụ Internet tại đất nước này với mật độ tăng từ 31% (tháng 6-2018 là thời điểm Mytel chính thức cung cấp dịch vụ ở Myanmar) lên 55% (tháng 9-2019). Mytel cũng là nhà mạng được yêu thích nhất tại Myanmar với chỉ số đo lường sự hài lòng của khách hàng – NPS (Net Promoter Score) là dương 11.
Về kết quả kinh doanh năm 2020, theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), tổng doanh thu năm 2020 của tập đoàn đạt hơn 264,1 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 4,4% so với 2019, đạt 102,4% kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế đạt 39,8 nghìn tỷ, tăng 4,1%, đạt 103,9% kế hoạch năm. Thương hiệu Viettel hiện được định giá 5,8 tỷ USD, đứng số 1 Đông Nam Á và thứ 9 Châu Á.
Trong năm 2020, Viettel đã hình thành 6 lĩnh vực nền tảng số trong xã hội gồm: hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.
Ở lĩnh vực viễn thông, 10 thị trường nước ngoài của Viettel tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận đảm bảo dòng tiền chuyển về nước khoảng 333 triệu USD.
Tại Việt Nam, Viettel đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ cố định băng rộng lớn nhất Việt Nam với 41,8% thị phần. Dịch vụ di động của Viettel vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 54,2% thị phần, trong đó thị phần thuê bao data đạt 57%. Viettel là nhà mạng đầu tiên cung cấp kinh doanh thử nghiệm mạng 5G tại Việt Nam.
Ở lĩnh vực giải pháp CNTT & dịch vụ số, năm 2020 Viettel tiếp tục thực hiện giải pháp công nghệ, hoàn thành các nền tảng công nghệ cốt lõi nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội.
Ở lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và công nghiệp công nghệ cao, Viettel nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công thiết bị 5G trên mạng lưới, đưa Việt Nam vào top 6 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G.
Trong năm 2020 Viettel làm chủ 62 công nghệ lõi, đăng ký 97 sáng chế, có 3 bằng sáng chế được cấp độc quyền tại Mỹ. Doanh thu từ sản xuất sản phẩm dân sự đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ, tăng trưởng 104% so với năm 2019.
Ở lĩnh vực chuyển phát, logistic và thương mại điện tử, các đơn vị thành viên của Viettel tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, với dịch vụ chuyển phát đạt 9% (trung bình ngành 4%); kinh doanh bán lẻ đạt 111% KH, tăng 339,4% tương đương 46,6 tỷ so với năm 2019.
Zalo và tham vọng 50% thị phần tại Myanmar
Sau 4 tháng “ra biển lớn” với thị trường đầu tiên là Myanmar, đến tháng 10/2016, Zalo đã đạt được 2 triệu người dùng kích hoạt.
Kỳ vọng của người sáng lập Zalo là phần mềm nhắn tin của Việt Nam sẽ chiếm được 50% thị phần tại Myanmar.
Ông Vương Quang Khải – Phó Tổng giám đốc VNG, người sáng lập Zalo cho biết trong sự kiện công bố đạt 2 triệu người dùng tại Myanmar: “Với 52 triệu dân và 18 triệu thuê bao 3G cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh và xã hội có những điểm gần với Việt Nam, Myanmar đang là thị trường tiềm năng để Zalo hướng đến người dùng và phát triển tại đây”.
Nói về lý do chọn Myanmar, ông Khải cho rằng quốc gia này giàu tiềm năng với 52 triệu dân và đang ở giai đoạn mở cửa. Công nghệ phát triển nhưng hạ tầng lại chưa thay đổi kịp để đáp ứng nhu cầu, kết nối Internet còn khá yếu và smartphone phổ biến là các dòng máy giá rẻ. Về những điểm này, Myanmar khá giống với Việt Nam lúc Zalo ra mắt vào cuối năm 2012.
Theo người sáng lập Zalo, kỳ vọng của ông là phần mềm nhắn tin của Việt Nam sẽ chiếm được 50% thị phần tại Myanmar. Xứ chùa tháp hiện có khoảng 18 triệu người dùng mạng di động, nhiều trong số này sử dụng các thiết bị cấu hình thấp.
Về tình hình tài chính, CTCP VNG (VNG Corp) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 ghi nhận doanh thu tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1.611 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 14% lên 583 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đồng loạt tăng, mức tăng lần lượt là 188% và 52% lên 2,3 tỷ đồng và 476 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 5% xuống xấp xỉ gần 214 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí liên quan, quý IV/2020, doanh nghiệp lỗ sau thuế 223 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 33,5 tỷ đồng. Lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ là 123 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2020, VNG đạt 6.034 tỷ đồng doanh thu, tăng 17%, và 190,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 58% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 457 tỷ đồng. Năm 2020, VNG đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 6.714 tỷ đồng, tăng 20%. Lợi nhuận sau thuế âm 246 tỷ đồng và lợi nhuận dành cho cổ đông theo kế hoạch là 299 tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả đạt được bên trên, doanh nghiệp đã thực hiện được gần 90% mục tiêu về doanh thu năm, vượt 1,5 lần kế hoạch lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ và mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt ngoài kỳ vọng.
Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của VNG đạt 7.818 tỷ đồng, tăng 795 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn là 4.519 tỷ đồng, chiếm gần 58% tổng tài sản doanh nghiệp.
Nợ phải trả tính đến cuối quý 4/2020 là 1.673 tỷ đồng, tăng 144 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, chi phí phải trả ngắn hạn là 820 tỷ đồng, chiếm 49% tổng nợ doanh nghiệp. Công ty không sử dụng nợ vay.
Theo NDT