Nguy cơ phá sản, nhiều doanh nghiệp vận tải ở Đắk Lắk kêu cứu
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, nhiều tháng qua các doanh nghiệp vận tải ô tô ở Đắk Lắk bị giảm doanh thu từ 70 – 80%, thậm chí không có doanh thu khi phải tạm ngưng hoạt động.
Trước khó khăn của doanh nghiệp, Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk đề nghị đến các cơ quan chức năng giảm trừ thuế, phí hay kéo dài thời gian trả nợ, nộp bảo hiểm cho người lao động để các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Hải Cường (trụ sở thành phố Buôn Ma Thuột) có 8 xe giường nằm chạy tuyến cố định Đắk Lắk – Hà Nội, với hơn 30 nhân viên làm việc gồm tài xế, phụ xe, kế toán, bốc xếp.
Ông Nguyễn Hải Cường – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải Cường cho biết, do dịch bệnh nên nhiều tháng qua lượng khách đi xe giảm mạnh, các xe không hoạt động vận chuyển đưa đón khách từ Đắk Lắk đi Hà Nội và ngược lại khiến doanh nghiệp bị thua lỗ. Dù thua lỗ nhưng công ty vẫn phải nộp đầy đủ các loại thuế, phí hay thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động theo đúng quy định. Nếu không được hỗ trợ kịp thời thì nguy cơ doanh nghiệp sẽ bị phá sản.
“Trong thời điểm này, doanh nghiệp phải bù lỗ khoảng 100 triệu đồng/tháng. Số tiền này gồm tiền trả lương nhân viên, thuê bến bãi, lệ phí cầu đường bộ, lãi suất ngân hàng. Chúng tôi kiến nghị đến cơ quan chức năng như Sở Giao thông, Cục thuế tỉnh, các ngân hàng giảm lãi suất, thuế VAT, phí đường bộ… Chỉ có như vậy chúng tôi mới cầm cự để khi dịch được kiểm soát thì sẽ hoạt động trở lại.” – ông Cường nói.
Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk có 40 doanh nghiệp vận tải thành viên, với gần 18.000 xe vận tải hành khách và hàng hóa các loại. Theo ông Phạm Văn Mạnh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp.
Cụ thể, số xe vận tải hành khách như xe khách, xe buýt, xe taxi đều phải cắt giảm tần suất xe, số lượng khách được chở… Doanh thu bình quân của các doanh nghiệp giảm từ 70 – 80%, trong khi hầu hết các doanh nghiệp đều vay vốn từ ngân hàng đầu tư phương tiện vận chuyển. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải trả lương và hỗ trợ chi phí thất nghiệp tạm thời cho cán bộ nhân viên và người lao động; đóng BHXH, BHTN; đóng phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ; tiền thuế các loại; lãi suất ngân hàng…
Ông Phạm Văn Mạnh thông tin, trước những khó khăn vừa nêu, Hiệp hội đã làm văn bản kiến nghị đến cơ quan chức năng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ông Phạm Văn Mạnh cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và cơ quan thuế xem xét đưa thuế VAT đối với doanh nghiệp có thể giảm xuống 1 – 2% so với 10% như quy định trước đây; về ngân hàng chúng tôi cũng mong muốn họ khoanh nợ lại không tính lãi trong vòng 12 tháng của năm 2021; còn về việc đóng BHXH, chúng tôi cũng có kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có ý kiến với Bảo hiểm tỉnh xin miễn tiền đóng bảo hiểm cho người lao động trong vòng 1 năm, và sẽ đóng khi doanh nghiệp hoạt động trở lại.”
Ông Lê Đình Minh – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk xác nhận, hiện sở đã nhận được văn bản kêu cứu của Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk. Sở đã tập hợp các nội dung kiến nghị để đề xuất lên UBND tỉnh và các ngành liên quan thực hiện việc miễn giảm chi phí khẩn cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.
Theo kiến nghị của Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính, sở LĐTB và XH, sở Giao thông, Y tế, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng, Bảo hiểm… tập trung nghiên cứu hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế tại địa phương để tìm ra giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải ô tô trong thời điểm tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch Covid – 19 vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. “Khi nào thống nhất xong phương án thì trình UBND tỉnh giải quyết theo đúng định của pháp luật” – ông Lê Đình Minh cho biết thêm.
Theo Tuấn Long
Theo VOV