Ngân hàng phát tín hiệu tăng lãi suất huy động “đón lõng” lạm phát (!?)
Lãi suất liên ngân hàng đang nhích tăng. Cùng với việc các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động hoặc giữ niêm yết lãi tiết kiệm ở mức cao được xem là động thái “đón lõng” lạm phát trong bối cảnh dịch Covid-19 lần thứ 4 vẫn diễn biến phức tạp.
Các nhà băng thời gian gần đây liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) hiện đang áp dụng lãi suất 8,2% cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng và kỳ hạn 13 tháng. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất hiện nay trên toàn hệ thống.
Cũng có mức lãi suất huy động kỳ hạn dài khá hấp dẫn là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Theo đó, nhà băng này dành lãi suất tới 7,4%/năm cho khoản tiền từ 30 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 13 tháng.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng huy động 7,2%/năm cho khoản tiền từ 200 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và không tất toán trước hạn…
Việc các ngân hàng tăng huy động cho thấy có nhu cầu hút vốn để đáp ứng cầu tín dụng đang vào chu kỳ tăng mạnh. Theo SSI Research, tín dụng tăng trưởng mạnh giai đoạn vừa qua đã khiến thanh khoản các NHTM bớt dư thừa.
Cụ thể, tính đến ngày 21/5/2021, huy động chỉ tăng trưởng 2,68% trong khi tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 4,67% so với đầu năm, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chỉ 2% của 5 tháng đầu năm 2020. Chênh lệch tiền gửi-tín dụng thu hẹp khoảng 160 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020, thanh khoản các NHTM bớt dư thừa khiến lãi suất trên liên ngân hàng tăng thêm khoảng 35-53bps (điểm cơ bản) so với thời điểm cuối tháng 4, duy trì quanh mức 1,3%/năm với kỳ hạn qua đêm, 1,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Tuy vậy, theo các chuyên gia của SSI Research, trong ngắn hạn thì áp lực tăng lãi suất vẫn chưa xảy ra.
Điểm sáng nhất của tháng 5 là lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào vẫn trên đà tăng mạnh, nhưng sự tác động của các yếu tố này lên chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam là hạn chế (do cơ cấu các chỉ số khác nhau và Việt Nam có các cơ chế làm giảm bớt độ biến động của giá cả, ví dụ như cơ chế bình ổn giá). Bên cạnh đó thì sức tiêu thụ trong tháng 5 cũng thấp hơn kỳ vọng (do có sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19) cũng ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả.
“Số liệu tháng 5 cho thấy CPI chỉ tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá xăng và vật liệu xây dựng tăng, trong khi giá thực phẩm giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Nếu tính trung bình, CPI 5 tháng mới tăng 1,29% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tuy nhiên, nhìn chung thì áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng trong ngắn hạn là không đáng kể”, chuyên gia SSI Research, bình luận.
Tuy nhiên, các chuyên gia của SSI cũng nhấn mạnh rằng, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng chính sách tiền tệ đang ở mức hợp lý, lãi suất (đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên) ở xu hướng giảm để hỗ trợ nền kinh tế và không có dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi về định hướng chính sách khi mà lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát.
Bởi vậy, dù chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn, nhưng dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu Q3/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc.
Đánh giá về động thái này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế – tài chính, cho rằng tại thời điểm này, có thể nói rằng lạm phát của Việt Nam vẫn trong mức chấp nhận được. Tuy nhiên, sắp tới đây có thể có nhiều yếu tố có thể khiến lạm phát tăng.
Cụ thể, thứ nhất là giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu… đang tăng; thêm vào đó là nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài, tại vì ở nước ngoài tỷ lệ lạm phát đang tăng làm tăng giá cả hàng hóa ở các nước này và khi Việt Nam mua các hàng hóa này cũng có nghĩa là chúng ta đang nhập khẩu lạm phát.
“Với tình hình như thế, dự báo năm nay lạm phát sẽ tăng. Và trong tình hình lạm phát tăng, việc lãi suất tăng là để kiềm chế lạm phát. Dĩ nhiên, lãi suất tăng sẽ có tác dụng tiêu cực, trở thành gánh nặng cho người đi vay, cho các DN, nhưng mặt khác đây cũng là công cụ mạnh để kiềm chế lạm phát”, ông Hiếu nói.
Cũng theo chuyên gia kinh tế – tài chính này, lẽ tất nhiên, lãi suất tăng lên cũng có lợi và có hại. Khi lãi suất tăng thì sẽ tác động đến các DN, chi phí tăng khiến các DN lỗ và Chính phủ sẽ bị thất thoát về thuế, đây cũng là điểm bất lợi cho nền kinh tế và nó kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, mặt khác nó lại tạo ra sự ổn định cho tiền tệ, kiềm chế lạm phát và đặc biệt là kìm hãm nguy cơ bong bóng của nhiều thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán và bất động sản…
Theo: Dân Việt