Nên đầu tư vào đâu khi lạm phát tăng trong năm 2022?

Có dự báo cho rằng tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam có thể sẽ leo cao trên mức 4% ở Quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, do sự tăng giá của điện, thịt heo, và dầu thế giới…

Lạm phát đang trở thành mối quan ngại của giới đầu tư toàn cầu. Tại Mỹ, hiện đang ở mức khoảng 7% so với cùng kỳ, đây là mức cao nhất đã đạt được trong thập kỷ qua. Ở châu Âu, vấn đề lạm phát đang gia tăng một cách đáng sợ.

Lạm phát có thời điểm sẽ vượt 4%?

Tại Việt Nam, lạm phát tiếp tục tăng cao hơn trong tháng 1 ở mức 1,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 1,8% trong tháng trước đó. Tính theo tháng, lạm phát của Việt Nam tăng 0,2% vào tháng 1, sau khi giảm 0,2% vào tháng 12.

Trong số 11 mặt hàng trong rổ tính lạm phát, lạm phát của tháng Một được thúc đẩy bởi mức tăng nhanh hơn của mặt hàng Đồ uống và Thuốc lá, Quần áo và Giày dép, Thiết bị Gia dụng cũng như Giao thông. Mức tăng trưởng cao nhất là nhóm Giao thông với mức tăng lần lượt là 14,5% so với cùng kỳ và 1,2% so với tháng trước.

Mặc dù kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát vào năm 2022 ở mức 3,8%, nhưng theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt, rủi ro lạm phát ngắn hạn vẫn còn tiềm ẩn do giá dầu tăng cao gần đây.

Giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong tháng 1/2022 với mức tăng hơn 20% so với đầu năm, chủ yếu do lo ngại về tồn kho và rủi ro địa chính trị liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine. Trong thời gian tới, giá dầu cao hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng trong nước và làm tăng lạm phát, điều này có thể làm xói mòn sự phục hồi kinh tế.

Mặt khác, theo VDSC, lạm phát gia tăng có thể là kết quả của chính sách kích thích từ chính phủ, có liên quan trực tiếp đến lạm phát do cầu kéo. Gói kích cầu trị giá khoảng 347 nghìn tỷ đồng (~ 4,1% GDP, ~15,3 tỷ USD), bao gồm các biện pháp hỗ trợ chính như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% (49,4 nghìn tỷ đồng, ~2,1 tỷ USD), gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp (40 nghìn tỷ đồng, ~1,7 tỷ USD), và khoảng 135 nghìn tỷ đồng (~5,9 tỷ USD) cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

“Với các biện pháp kích cầu mới, lạm phát không lành mạnh có thể đến từ gói bù lãi suất 2%/năm trị giá 20 nghìn tỷ đồng/năm (0,9 tỷ USD) trong giai đoạn 2022-2023. Chúng tôi cho rằng gói này bị giới hạn cả về phạm vi và số lượng cung cấp cho các doanh nghiệp trong khi tác động của gói này đối với lạm phát phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách thực thi chính sách. Cho đến nay, chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng lạm phát năm nay gắn nhiều với vấn đề lạm phát do chi phí đẩy hơn là lạm phát do cầu kéo’, VDSC nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, VnDirect cũng cho rằng, áp lực lực lạm phát gia tăng do cung tiền dự kiến sẽ cao hơn và các gói hỗ trợ tài khóa quy mô lớn được thực thi vào năm 2022.

Trong khi đó, quỹ VinaCapital cho rằng, mức lạm phát ở Việt Nam ở mức dưới 2% (so với năm trước) vào cuối 2021, nhưng sự tăng giá điện sắp tới sẽ thêm khoảng 0,5 điểm % vào tỷ lệ lạm phát. Quỹ này cũng kỳ vọng sự tăng trở lại của giá thịt heo ở Việt Nam (sau khi giảm 30% trong 2021) vì sự tái bùng phát của dịch tả lợn Châu Phí (ASF) đã đẩy giá thịt heo của Trung Quốc lên 10% trong tháng 12.

“Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam sẽ leo cao trên mức 4% ở Quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, do sự tăng giá của điện, thịt heo, và dầu thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ giá dầu thế giới sẽ tăng bật lên quá nhiều trên mức 85 USD mỗi thùng trong năm nay, vì vậy chúng tôi tin rằng lạm phạt Việt Nam sẽ rơi xuống trở lại ở mức 3% trước khi kết thúc năm 2022”, VinaCapital nhấn mạnh.

Nhà đầu tư cần chú ý gì?

VDSC lo ngại về lạm phát có thể khiến thị trường chứng khoán biến động. Lạm phát có khả năng vẫn sẽ được kiểm soát (dưới 4%) tuy nhiên rủi ro lạm phát vẫn là yếu tố cần lưu tâm và quan sát. Trong thời gian tới, công ty chứng khoán này cũng lo ngại nguy cơ nhập khẩu lạm phát khi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Tỷ trọng giá nguyên liệu nhập khẩu trên tổng chi phí nguyên liệu của toàn nền kinh tế là 37%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong đó, sự gia tăng của chi phí xăng dầu (chiếm 3,52% chi phí sản xuất) do giá dầu Brent thế giới tăng (khoảng trên 90 USD/thùng – mức cao nhất trong 8 năm qua, +80% so với đầu năm 2021) sẽ làm tăng chi phí nguyên vật liệu đầu vào, khiến lạm phát tăng cao. Do đó, diễn biến của giá dầu là yếu tố đáng quan tâm mà nhà đầu tư lưu ý trong thời gian tới.

VDSC cũng kỳ vọng nhóm cổ phiếu “Dầu khí” bao gồm BSR, PLX, GAS sẽ hỗ trợ phần nào cho VN-Index trước diễn biến thuận lợi của giá dầu. Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, các ngân hàng tư nhân cũng có cơ hội khi chúng tôi nhận định triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2022 khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới cùng với các gói hỗ trợ tích cực của Chính phủ.

Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu như Thép, Bán lẻ, Kho Vận và Xuất khẩu cũng được kì vọng sẽ thu hút dòng tiền và phần nào hỗ trợ nhịp tăng của thị trường.

Ngược lại, SSI Research lại cho rằng, phân bổ dòng vốn toàn cầu trong thời gian tới vẫn tập trung vào thị trường cổ phiếu. Khảo sát từ Bank of American Merill Lynch cho thấy 55% nhà quản lý quỹ tăng tỷ trọng vào cổ phiếu trong khi đó 77% giảm tỷ trọng trái phiếu.

Lạm phát không còn là yếu tố đáng lo ngại trong năm 2022, thay vào đó là xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương. Nhờ vậy, dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu giá trị và hưởng lợi từ việc tăng lãi suất như ngân hàng, năng lượng thay vì vào nhóm cổ phiếu công nghệ hay thị trường trái phiếu.

Exit mobile version