Nguyễn Hoàng Bảo – Đoàn Kim Thành
Câu hỏi đặt ra trong thời điểm hiện nay là: Tăng trưởng kinh tế và an toàn cộng đồng, cái nào quan trọng hơn? Có lẽ mục tiêu tăng trưởng kinh tế tạm thời phải gác lại và chỉ duy trì ở mức cần thiết.
Thay vì bàn về tăng trưởng kinh tế, chúng ta nên bàn về ổn định xã hội. Tình trạng thất nghiệp xã hội, giảm việc làm bán thời gian lan rộng. Thất nghiệp trong khu vực chính thức có thể đo lường được, còn thất nghiệp trong khu vực phi chính thức (hàng rong, buôn bán nhỏ, kinh tế đường phố) khó có con số cụ thể, nhưng trên thực tế, hầu như tê liệt hoàn toàn.
Từ đó xuất hiện những gia đình nghèo cùng cực hoặc tái nghèo trong các tầng lớp dân cư đô thị. Người nghèo đô thị khó khăn nhiều hơn người nghèo nông thôn. Có các gói cứu trợ cho người lao động, nhưng duy trì như thế nào trong thời gian sắp tới khi dịch bệnh chưa chấm dứt?
Chúng ta có thể nhìn vào một gia đình lao động bình thường mà tài trợ cho họ những nhu cầu thiết yếu như tài trợ dài hạn cho việc ăn, ở, học hành, y tế (chữa bệnh khác, không phải bệnh Covid-19) khi dịch bệnh chưa dứt. Duy trì được mức sống tối thiểu của người lao động trong thời gian tạm nghỉ dịch một cách kịp thời, liên tục, ổn định, công bằng, vừa là thách thức trong ngân sách chính phủ, vừa đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, tinh tế giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Hiện nay, nền kinh tế ở TP.HCM đang chia cắt cục bộ, vì chỉ dừng lại ở nhóm hàng hóa thiết yếu. Doanh nghiệp (DN) hoạt động “3 tại chỗ” không thể chống đỡ lâu dài khi chi phí quá cao.
Thay vì bàn về tăng trưởng kinh tế, chúng ta bàn cụ thể về việc duy trì liên kết kinh tế hay mạng lưới kinh doanh. Nhiều mặt hàng nông sản ứ đọng, không tới tay người tiêu dùng. Nhiều kênh phân phối hàng thiết yếu truyền thống đóng cửa kể cả chợ đầu mối, đẩy áp lực lên kênh phân phối còn lại. Khi các chợ truyền thống và các điểm bán lẻ đóng cửa sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng trong việc phân phối hàng thiết yếu theo không gian, nên tất yếu xảy ra hiện tượng đẩy giá cao để trục lợi.
Hoạt động kinh tế gián đoạn, thì dòng tiền của DN cũng gián đoạn. DN hoạt động với tư cách vừa là chủ nợ và vừa là con nợ. Chỉ một hoạt động gián đoạn, cũng có thể làm gián đoạn dòng tiền, chẳng hạn như thanh toán các loại chi phí đầu vào, thanh toán nợ giữa các DN, trả công lao động, lãi ngân hàng và chi phí hoạt động khác.
Thay vì bàn về tăng trưởng kinh tế, chúng ta bàn cụ thể về thiếu hụt lao động trong ngành dịch vụ và công nghiệp sau dịch. Một số DN phải “đứt ruột” cho nghỉ việc những lao động giỏi vì không thể trả lương giữ việc trong thời gian phong tỏa kéo dài.
Kinh tế thì có thể phục hồi, nhưng mạng sống thì chỉ có một, cho nên an toàn cộng đồng phải là vấn đề hàng đầu và mọi nguồn lực phải tập trung, không chỉ nguồn lực từ Chính phủ mà còn là nguồn lực của người dân, của DN và cộng đồng quốc tế. Khi thành phố có nhiều vùng xanh, thì hoạt động kinh tế phải được nới lỏng kịp thời, tránh trường hợp phong tỏa quá lâu, ảnh hưởng đến kinh tế.
Các ngành dọc như xăng dầu, điện, điện thoại, lương thực thực phẩm, thuốc men, hàng thiết yếu, phải có một sự tài trợ nhất định từ ngành, từ Chính phủ, giúp DN giữ giá ổn định, không tăng giá trong thời gian dịch bệnh. Các ngành này ẩn chứa mầm mống của lạm phát và lạm phát kỳ vọng trong dịch và sau dịch.
Cần có sự hợp nhất giữa các địa phương về lưu chuyển đầu vào sản xuất và hàng hóa để tránh trường hợp chính sách bất nhất, gây thiệt hại cho DN và người dân;
Hỗ trợ DN chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, sử dụng dữ liệu lớn, dữ liệu dùng chung, trí tuệ nhân tạo. Trước đây, các vấn đề này đối với DN là tạo sự khác biệt, nay đã trở thành cách thức để duy trì hoạt động và tăng năng lực cạnh tranh của DN sau dịch;
Sử dụng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt. Kiểm soát lạm phát trong và sau dịch, nhất là chi phí đầu vào, giá mặt hàng thiết yếu, mặt hàng cơ bản, lương thực thực phẩm và giá hàng nhập khẩu;
Khảo sát chỉ số xây dựng, chỉ số giá bất động sản và chu kỳ kinh doanh để nhận diện nguy cơ bong bóng trên thị trường bất động sản;
Chính sách thu hút lao động cho các ngành dịch vụ và công nghiệp sau dịch cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, ngành dọc, địa phương và doanh nghiệp.
Khôi phục dần các ngành dịch vụ, công nghiệp cùng với việc kiểm soát dịch bệnh.
Nếu có sự phối hợp tốt giữa Nhà nước, DN, người dân; phối hợp tốt với các tỉnh thành khác và các tổ chức quốc tế, TP.HCM nhất định sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này, ổn định xã hội, ổn định kinh tế và tăng trưởng kinh tế.
(*) TS. Nguyễn Hoàng Bảo, Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế.TP HCM
ThS. Đoàn Kim Thành, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM