Hai thế giới của dịch vụ

Tôi kể bạn nghe 2 câu chuyện: đi xe buýt ở thành phố và tuyến metro “vô tiền khoán hậu” ở Nhật.
Do tiện đường từ nhà đến cơ quan làm việc nên ngày nào tôi đi xe buýt. Giá vé là 6000 đồng mà đi gần hết cái thành phố. Tôi xin mô tả lại thái độ của người phục vụ, tức là người thu tiền và xé vé đưa cho khách. Có khi họ ngồi gác chân lên tay vịn. Mắt mũi chăm bẳm vào cái điện thoại. Khi đến trạm liên tục hối khách xuống nhanh nhanh để qua kịp cái đèn đỏ phía trước.
Người soát vé nói: “Bước nhanh xuống giùm đi để qua cái đèn đỏ phía trước coi”.
Tài xế cũng không đậu xe sát lề đường để đón khách. Khách phải chạy xuống đường để lên xe, trong tiếng thúc hối của người soát vé. Người soát vé không chịu nhường ghế cho khách, mặc dù trên xe có nhiều hành khách có tuổi.
Mỗi năm, thành phố trợ giá xe buýt là trên ngàn tỷ đồng. Năm 2020, ngân sách trợ giá xe buýt vừa duyệt xong là 1150 tỷ đồng. Số tiền này chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại từ 5-6% của thành phố. Kế hoạch thì nhu cầu còn mở rộng tới 20-25% so với hiện nay.
Người đi xe buýt là ai? Họ là học sinh, sinh viên, những người làm việc trong khu vực phi chính thức (informal sectors), người về hưu, người có thu nhập thấp và người nghèo. Lâu lâu, thì cũng có người nước ngoài.
“Nơi nào không có thị trường” thì nơi đó chất lượng dịch vụ kém. Câu này có phần đúng ở đây. Bạn tiếp tục hỏi tôi: “Tại sao nói là chất lượng dịch vụ kém mà vẫn đi?”.
Thứ nhất, xe buýt là một phương tiện đi lại an toàn, trừ cái trường hợp bị thúc hối khi leo lên và leo xuống để cho họ đi cho kịp giờ. Thứ hai, đi xe buýt có máy lạnh, nhất là trong cái nóng oi ả mùa hè của Sàigòn. Thứ ba, do trợ giá mà giá rẻ, người ta mới đi, chứ không trợ giá, tức là giá cao, mà phục vụ như vậy thì sẽ không có người đi.
Tôi xin kể lại một câu chuyện về một tuyến metro ở bên Nhật. Dĩ nhiên, có khác một chút là metro. Tuyến này duy trì nhiều năm, cung đường đi lại “đèo heo hút gió”, chỉ có mỗi một hành khách, mà người ta vẫn duy trì.
Gần đây, báo chí thế giới lại được biết tới thêm một câu chuyện giàu tính nhân văn ở nước Nhật, xoay quanh một chuyến tàu vắng lặng vẫn duy trì hoạt động chỉ vì một hành khách. Chuyến tàu này chỉ có hai điểm dừng, một điểm dừng để đón một nữ sinh trung học từ nhà đến trường và một điểm điểm dừng để đón nữ sinh này từ trường về nhà.
Đã vài năm nay, nữ sinh này là hành khách duy nhất chờ đợi chuyến tàu ở nhà ga Kami-Shirataki, nằm ở thị trấn Engaru, trên hòn đảo thuộc vùng cực Bắc của Nhật Bản – đảo Hokkaido. Chuyến tàu này một ngày hoạt động hai lần, mục đích chính là để chạy qua nhà ga Kami-Shirataki đón cô nữ sinh đến trường và sau đó đưa cô về nhà.
Câu chuyện thoạt nghe có vẻ như cổ tích, nhưng đó chính là một “chuyện lạ có thật” ở đất nước Nhật Bản, khi tập đoàn đường sắt Nhật Bản, đơn vị chịu trách nhiệm hoạt động toàn bộ hệ thống đường sắt trên khắp nước Nhật, cách đây 3 năm đã đưa ra một quyết định chưa từng có tiền lệ.
Tại thời điểm đưa ra quyết định, lượng hành khách mà nhà ga Kami-Shirataki phục vụ đã sụt giảm đáng kể bởi nơi đây quá hẻo lánh, ít người qua lại. Đáng lẽ, chuyến tàu này đã bị dừng hoạt động nhưng người ta nhận được thông tin rằng vẫn còn một hành khách cần sử dụng chuyến tàu này mỗi ngày, đó là một nữ sinh trung học.
Vì vậy, người ta đã quyết định vẫn duy trì hoạt động của chuyến tàu để phục vụ cô nữ sinh cho tới ngày cô gái tốt nghiệp trung học. Lịch trình của chuyến tàu thậm chí còn được điều chỉnh theo thời gian biểu của cô gái.
Danh tính của nữ sinh trung học được giữ kín nhưng người ta cho biết rằng tới tháng 3 này, cô sẽ tốt nghiệp trung học, sau đó, nhà ga Kami-Shirataki sẽ đóng cửa vĩnh viễn sau khi đã hoàn thành những năm tháng phục vụ vị khách cuối cùng.
Khi câu chuyện này được chia sẻ trên mạng xã hội thế giới những ngày gần đây, người ta đã rất ngưỡng mộ quyết định của tập đoàn đường sắt Nhật Bản khi họ đề cao việc học tập dù chỉ là của một cá nhân.
Những chuyến tàu cao tốc của Nhật Bản vẫn đang tiếp tục mở rộng trên khắp đất nước và dần thay thế những chuyến tàu già nua, cũ kỹ nhưng trong khi những chuyến tàu hiện đại vẫn chưa kịp tới một số vùng quê hẻo lánh, thì những nhà ga xưa cũ như Kami-Shirataki vẫn cần thiết đối với một số người.
Trong khi những tuyến đường sắt xưa cũ của Nhật đang ở vào những ngày tháng hoạt động cuối cùng, thì câu chuyện về một cô gái và dịch vụ đặc biệt mà nhà ga Kami-Shiratki dành cho cô sẽ được nhớ đến như một hồi kết đẹp về thái độ tận tâm phục vụ cho tới những giờ khắc cuối cùng, một tinh thần, một thái độ rất… Nhật Bản.
Exit mobile version