Ngày nào cũng vậy, các ngân hàng gọi điện thoại cho tôi, gửi tin nhắn cho tôi. Họ hỏi tôi có vay tiền không? Lãi suất siêu ưu đãi. Thế là tôi biết thừa tiền ngân hàng. Số người gửi tiền vào ngân hàng giảm, nhưng số người vay ngân hàng giảm mạnh. Về mặt nguyên tắc, tôi lấy số liệu phân tích thì đúng hơn.
Tuy nhiên, tôi có thể hình dung ra 5 nguyên nhân về dư tiền ở ngân hàng:
(1) Khu vực nước ngoài chưa phục hồi
Hiện nay, kinh tế Việt Nam chưa phục hồi. Các đối tác thương mại và đầu tư chủ yếu với Việt Nam đang trong tình trạng dịch bệnh hoành hành, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số quốc gia khác. Hệ sinh thái hỗ trợ và bổ sung cho khu vực này cũng ngưng trệ.
Bạn thử hình dung mọi hoạt động nền kinh tế (economic activities) đều có liên quan đến tiền. Mà khu vực nước ngoài ngưng trệ, tê liệt, thì kéo theo nhu cầu về tiền không nhiều.
(2) Kinh tế suy thoái
Hàng loạt các ngành nghề như du lịch (hàng năm có hơn 4 triệu du khách đến Việt Nam), nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, ô tô, dầu khí, giáo dục vẫn đang trong tình trạng suy thoái. Một cách tương tự, hệ sinh thái của các ngành này cũng trong tình trạng “án binh bất động”.
Hoạt động kinh tế nội địa thu hẹp, thì nhu cầu về tiền cũng thu hẹp.
(3) Thất nghiệp xã hội tăng cao
Bạn đừng hỏi tại sao? Bởi vì hoạt động kinh tế thu hẹp, thì số công ăn việc làm thu hẹp. Thất nghiệp xã hội tăng cao. Thất nghiệp từ các ngành du lịch, dịch vụ và các ngành ở mục (2). Có các dạng thất nghiệp, như từ làm bán thời gian, làm việc online cho đến mất việc. Người thất nghiệp bắt đầu di chuyển về nông thôn khi không còn nguồn sinh kế ở đô thị. Đường phố Sàigòn dễ đi hơn so với năm ngoái (không phải do giao thông cải thiện hay mở rộng), mà là do kinh tế suy thoái.
(4) Hành vi tiêu dùng cá nhân
Do suy thoái kinh tế, thất nghiệp hay giảm bớt công việc, một cách hợp lý, thì bạn bắt đầu chi tiêu tính toán hơn, tằn tiện hơn. Hành vi này có thể tốt cho kinh tế gia đình bạn, nhưng rất nguy hiểm và xấu cho nền kinh tế.
Người lao động có việc làm, có lương; doanh nghiệp duy trì hoạt động, có lợi nhuận; chính phủ thu được thuế (T =f(Y)) (nguồn thu chính phủ làm hàm số với hoạt động nền kinh tế). Thu chính phủ thu hẹp.
(5) Can thiệp chính phủ
Chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ có khả năng mất phát huy tác dụng. Hạ lãi suất thì doanh nghiệp và người dân đầu tư vào đâu khi thị trường bất định? Giá vàng tăng là bằng chứng cho thấy hành vi người dân và doanh nghiệp không còn kênh đầu tư và chạy trốn nguy cơ lạm phát.
Chính sách tài khóa
Chính sách tài khóa là cách duy nhất để khuyến khích đầu tư là tăng chi tiêu chính phủ hoặc giảm thuế để tăng tổng cầu và cải thiện niềm tin của giới kinh doanh về triển vọng tốt đẹp của nền kinh tế trong tương lai, qua đó khuyến khích các công ty đầu tư nhiều hơn.
Chính sách tài khóa và tính hữu hiệu, đang được cân nhắc sử dụng về quy mô và cơ cấu (giảm thuế, tăng chi tiêu).
Hiện nay, chính sách này chưa tác động đến việc mở rộng hoạt động doanh nghiệp và người dân một cách đáng kể.