Doanh nghiệp vận tải bộn bề nỗi lo ngày khôi phục hoạt động

 Doanh nghiệp vận tải bộn bề nỗi lo ngày khôi phục hoạt động

Phương tiện vận tải đậu tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk.

Từ 13-10, một số tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng xe ô tô được hoạt động trở lại, song trong những ngày đầu hoạt động, doanh nghiệp phải đối mặt với bộn bề nỗi lo…

Khó đáp ứng yêu cầu về độ phủ vắc xin 100%

Ngày 10-10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Quyết định số 1777/QĐ-BGTVT về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Mục đích nhằm tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Thực hiện quyết định này, chiều 13-10, Sở GTVT ban hành Phương án số 2030, theo đó, đối với vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, trước mắt thí điểm hoạt động đối với tuyến Đắk Lắk – Hồ Chí Minh và ngược lại từ ngày 13 đến hết 20-10-2021. Điều kiện bắt buộc để hoạt động là cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19), có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô.

Theo ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk, việc quy định tài xế và phụ xe phải tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19 là nhằm mục đích phòng, chống dịch trong quá trình vận chuyển hành khách, về cơ bản doanh nghiệp và lái xe đồng tình. Tuy nhiên, vấn đề bất cập ở đây hiện tại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk số lượng vắc xin phân bổ về rất thấp, trong đó tỷ lệ tài xế, nhân viên phục vụ trên xe được tiêm vắc xin mới chỉ được khoảng 30%. Vì vậy, dù cơ quan quản lý Nhà nước có cho phép hoạt động, thì nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh cũng không đủ tài và phụ xe để đưa vào khai thác tuyến.

Ông Thái Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thái Văn Vương (Nhà xe Vương Chi) cho hay, doanh nghiệp có hơn 70 tài xế và nhân viên phục vụ trên xe, song hiện tại mới có 20 người được tiêm vắc xin. Nhà xe hiện có 11 xe khách giường nằm chạy các tuyến từ Đắk Lắk đi Hà Nội và Hòa Bình, với tiêu chí tài xế và phụ xe phải đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 khi vận chuyển khách từ vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao thì doanh nghiệp rất khó đáp ứng. Bởi thực tế, tỷ lệ tài xế, nhân viên phục vụ trên xe được tiêm là rất thấp, nếu những trường hợp này không được tiêm vắc xin sớm thì dù các địa phương có mở cửa cho xe khách liên tỉnh thì doanh nghiệp cũng không đáp ứng yêu cầu.

Thiếu thống nhất trong thực hiện

Theo quy định tại Quyết định số 1740/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, từ ngày 1-10-2021, đối với các địa phương nguy cơ cao về dịch COVID-19 vận tải hành khách được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất; tại địa phương vùng nguy cơ thấp và trung bình thì các phương tiện vận tải được hoạt động bình thường. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động xe khách tuyến cố định liên tỉnh đang “rối như canh hẹ” vì mỗi địa phương áp dụng mỗi kiểu.

Đơn cử ngày 13-10, một doanh nghiệp vận tải đưa vào khai thác thí điểm 1 xe khách tuyến Đắk Lắk – Phú Thọ, tuy nhiên ngày 14-10 khi đến địa phận tỉnh Phú Thọ thì địa phương này yêu cầu xe quay đầu để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Cũng trong sáng 14-10, doanh nghiệp mới nhận được phương án hoạt động vận tải của Sở GTVT tỉnh Phú Thọ, địa phương này mới tạm thời thí điểm tuyến từ Phú Thọ đi đến 7 tỉnh gồm: Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Vĩnh Phúc và Yên Bái.

Các nhà xe tại Bến xe phía Nam TP. Buôn Ma Thuột vẫn chưa sẵn sàng hoạt động trở lại.

Tương tự, đối với tuyến vận tải từ TP. Hồ Chí Minh – Đắk Lắk bắt đầu hoạt động từ ngày 13-10, nhưng khi phương tiện đến khu vực Chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên Quốc lộ 14 đoạn qua xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, ngoài dừng xe khai báo y tế theo quy định thì lực lượng làm nhiệm vụ tại đây còn yêu cầu tất cả hành khách trên xe phải ngồi trên xe chờ phương tiện của địa phương đến đón. Theo phản ánh của một nhà xe trên địa bàn tỉnh, tối 13-10, doanh nghiệp chở 12 khách từ TP. Hồ Chí Minh về Đắk Lắk, tuy nhiên khi đến Chốt kiểm soát dịch nêu trên thì phải “nằm chờ” xe của địa phương đến đón về khu cách ly mất hơn 4 giờ đồng hồ. Quy định này gây phiền hà cho cả nhà xe và cả hành khách trên xe, bởi phương tiện hoạt động có đăng ký bến đi, bến đến chứ không phải là phương tiện hoạt động tự phát. Nên chăng trong thời gian tới, ngành chức năng cần có quy định rõ đối với phương tiện đăng ký tuyến cố định thì chỉ cần thực hiện khai báo y tế và lấy mẫu test SARS-CoV-2, nếu không ghi nhận trường hợp nào dương tính thì cho xe lưu thông về bến, rồi địa phương nơi khách đến sẽ tiếp nhận công dân theo quy định.

Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Đắk Lắk cho biết thêm, vấn đề cấp bách hiện nay là cần phủ vắc xin ngừa COVID-19 cho tài xế và nhân viên phục vụ trên xe thì doanh nghiệp vận tải mới đủ điều kiện hoạt động. Cùng với đó, các chốt kiểm soát phòng, chống dịch cần tạo điều kiện để thực hiện vận chuyển hành khách theo đăng ký bến đi, bến đến tránh ùn ứ tại chốt khi chờ xe địa phương đến đón công dân.

Kim Hoàng (Báo Đắk Lắk) – Link gốc

HongLien

Related post