Doanh nghiệp cà phê “khát” vốn cho niên vụ mới

Niên vụ cà phê 2022 – 2023 đã bắt đầu, thế nhưng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, nỗi lo lớn nhất là thiếu vốn để thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Nỗi lo thiếu vốn

Niên vụ cà phê 2022 – 2023, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar) có kế hoạch thu mua 600 – 1.000 tấn cà phê. Với mục tiêu này, đơn vị cần nguồn vốn 10 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã này cho biết, nhu cầu vay vốn cao, đơn vị mong muốn được tiếp cận, hỗ trợ vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và đang đàm phán với một ngân hàng thương mại, nhưng rất khó khăn do tài sản thế chấp của đơn vị có giá trị không lớn. Nếu không vay được vốn tín dụng ngân hàng, hợp tác xã chỉ còn cách vay của thành viên và nguồn khác với lãi suất cao.

Vườn cà phê của nông dân xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột

Theo đại diện một doanh nghiệp cà phê lớn trên địa bàn tỉnh, bước vào niên vụ cà phê này, doanh nghiệp cần có một lượng vốn lớn để thu mua kịp thời và bảo đảm giá tốt cho bà con nông dân. Niên vụ 2022 – 2023 sẽ có áp lực bán hàng rất lớn từ phía nông dân do thu hái trễ vì thời tiết mưa kéo dài và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến sớm hơn.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng đang triển khai việc hạn chế hạn mức tín dụng và tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Như vậy sẽ gây bất lợi cho ngành cà phê và nền kinh tế địa phương, bởi các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn thu mua và điều tiết kế hoạch bán vào thị trường, dẫn tới tình trạng bị ép giá do nguồn cung lớn cùng một lúc khi vào chính vụ khiến giá có thể giảm 15 – 20%. Tình trạng này khiến người nông dân bị giảm thu nhập, trong khi giá nhân công, vật tư nông nghiệp đầu vào tăng. Do đó, vị đại diện này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành và hiệp hội ngành hàng có giải pháp nhằm đảm bảo ổn định kinh doanh cho ngành hàng cà phê, trong đó ưu tiên cấp hạn mức và giải ngân cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê trong lúc cao điểm vụ thu hoạch. Đồng thời, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp giữ hàng, có kế hoạch điều tiết bán sản phẩm, tránh việc “bán tháo” vào thị trường cùng một lúc, dẫn đến cà phê bị mất giá và ép giá.

Nhận định về niên vụ cà phê 2022 – 2023, các chuyên gia cho rằng, tình trạng lạm phát, tăng mạnh lãi suất khiến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên. Điều này cũng sẽ tác động đến nhu cầu tiêu thụ, hoạt động mua hàng có thể trầm lắng, nhưng giá cà phê được dự báo sẽ cao hơn niên vụ trước.

Tập trung vốn cho niên vụ mới

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN) cho biết, từ đầu năm 2022, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn mở rộng tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp, tập trung vốn vay cho các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, dự án trọng điểm, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh (trồng, chăm sóc, chế biến, xuất khẩu cà phê và các mặt hàng nông sản). Theo số liệu của các TCTD, doanh số cho vay niên vụ cà phê 2021 – 2022 đạt 32.661 tỷ đồng, riêng từ đầu năm 2022 đến nay, doanh số cho vay 25.199 tỷ đồng. Đến nay, dư nợ lĩnh vực này đạt 19.907 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay thu mua tiêu thụ trong nước và xuất khẩu 6.548 tỷ đồng.

Chế biến cà phê đặc sản tại Công ty TNHH MTV Minudo Farm Care           

Thời gian qua, NHNN đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vay vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Phó Giám đốc NHNN Nguyễn Kim Cương cho biết, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê niên vụ 2022 – 2023, đơn vị đã chỉ đạo chi nhánh các ngân hàng thương mại cân đối, tập trung vốn phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã cam kết nguồn vốn trước mắt để cho vay niên vụ này hơn 8.000 tỷ đồng; nguồn vốn tiếp theo sẽ được hội sở phân bổ cho các chi nhánh sau khi kết thúc năm tài chính 2022.

Về phía các TCTD cũng đã có những giải pháp, kế hoạch tín dụng để phục vụ người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê. Ông Trần Ngọc Duy, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vẫn còn trần tín dụng năm 2022 nhưng không nhiều và đã xin thêm cấp thêm để phục vụ cho vay sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cà phê.

Exit mobile version