Công ty lâm nghiệp Ea Kar

Công ty lâm nghiệp ở Đắk Lắk ngập trong nợ nần chồng chất

Một số công ty lâm nghiệp ở Đắk Lắk đang trong tình cảnh làm ăn bết bát, nợ nần chồng chất, khó có thể giải quyết được dứt điểm trong “ngày một ngày hai”; khiến đời sống của người lao động đang công tác gặp nhiều khó khăn, bất ổn…

Ngày 11.3, nguồn tin của Lao Động từ Sở Tài chính Đắk Lắk cho biết, Sở vừa có văn bản số 342/STC-TCDN gửi Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII về việc nộp tiền thuê đất của các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp.

Trước đó, Kiểm toán nhà nước khu vực XII đã kiến nghị truy thu tiền thuế thuê đất hơn 1,4 tỉ đồng từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy. Trong đó, đất trồng phi nông nghiệp là hơn 16 triệu đồng; đất trồng rừng giai đoạn 2014 đến 2016 là khoảng 1,3 tỉ đồng (diện tích lên đến hơn 10.000ha đã bị người dân lấn chiếm).

Đặc biệt, tại Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, đơn vị này vẫn đang nợ khoảng 6,2 tỉ đồng tiền thuế. Trong đó, thuế thuê đất theo kết luận của kiểm toán từ 2014 đến 2016 là gần 1,6 tỉ đồng; nợ thuế thuê đất đến năm 2020 là khoảng 3,5 tỉ đồng và phạt chậm nộp thuế 1,5 tỉ đồng. Đặc biệt, các khoản nợ khác ngoài thuế mà công ty này đang gánh đó là hơn 8 tỉ đồng.

Tổng cộng, Công ty nghiệp Ea Kar đang gánh món nợ gần 15 tỉ đồng.

Trụ sở Công ty lâm nghiệp Ea Kar (huyện Ea Kar). Ảnh: Bảo Trung

Ông Nguyễn Phi Tiến – Phó Giám đốc Phụ trách Công ty Lâm Nghiệp Ea Kar – cho hay, món nợ “khủng” trên là do lãnh đạo công ty đời trước để lại. Sau hàng loạt bê bối, gần chục nguyên lãnh đạo lẫn cán bộ, nhân viên đang tại chức vướng vào vòng lao lý (khởi tố, bắt giam – PV). Hiện, đơn vị rất khó để giải quyết dứt điểm món nợ quá lớn này. Nếu tình hình kinh doanh, liên kết trồng rừng, cao su với người dân ổn định thì nhanh nhất cũng 3 năm sau mới trả được hết nợ.

Theo ông Nguyễn Bá Vụ – Chi Cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Ea Kar – M’Đrắk, đơn vị cũng đang rất đau đầu để truy thu khoản thuế nợ đọng của công ty lâm nghiệp Ea Kar. Sắp tới, khi triển khai dự án khu tái định cư số 2 (thuộc dự án hồ chứa nước Krông Pách thượng) ở tiểu khu 689, công ty này có thể được nhận khoản tiền hỗ trợ (khoảng 75ha đất rừng) để trả bớt nợ.

Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Lắk – nhận định: “Đa phần các công ty lâm nghiệp ở tỉnh không có nguồn thu từ rừng, dựa vào tiền quản lý bảo vệ rừng hằng năm để trả lương, chế độ cho người lao động. Ngoài ra, các công ty lầm nghiệp khi chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên cũng đang vướng các cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng đất rừng dẫn đến việc sản xuất kinh doanh để thu lợi cũng khó khăn”.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh đăng ký làm việc với Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII để đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn trong truy thu tiền thuê đất đối với các công ty lâm nghiệp giữ nguyên mô hình 100% vốn nhà nước hoạt động công ích trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài chính Đắk Lắk cũng đề xuất Kiểm toán khu vực XII cho phép các công ty lâm nghiệp trên được chậm nộp tiền thuê đất; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trung ương xem xét thực hiện chính sách miễn thuế thuê đất đối với các công ty lâm nghiệp không có phát sinh nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chỉ thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên.

BẢO TRUNG (Lao Động)

Exit mobile version