Chiến lược phát triển kinh tế
Biên soạn và chịu trách nhiệm: Nguyễn Hoàng Bảo
“Chúng ta gần như là mù khi mà hành động dựa trên các thiết kế yếu kém hoặc khi các thước đo không được hiểu đúng”, Amartya Sen (Nobel kinh tế 1998)
Chiến lược phát triển kinh tế là một chính thể luận (holistic). Lãnh đạo mong muốn nền kinh tế đi theo hướng nào (bình ổn, kinh tế mở, cách mạng xanh, phân phối lại, công nghiệp hóa). Chiến lược công nghiệp hóa xin nợ lại một bài khác vì khá dài dòng.
Từ chính thể luận mới tính đến các thành phần để cấu thành (components) chính thể luận này (kinh tế và con người, môi trường, xã hội và văn hóa, và các thành phần khác).
Từ thành phần cấu thành mới cụ thể hóa thành chính sách (policy issues), chẳng hạn như kinh tế và con người thì bao gồm các chính sách: mức sống, vốn con người, giáo dục, sức khỏe, an toàn. Tương tự như vậy cho các vấn đề môi trường, xã hội và văn hóa.
Từ những vấn đề chính sách mới có thể cụ thể hóa chi tiết hơn thành những chỉ tiêu (indicators) và các công cụ và nhóm công cụ để thực hiện, nguồn lực thực hiện và thời gian thực hiện, chẳng hạn như vốn con người là số năm đi học bình quân, tỷ lệ đi học đúng tuổi, tỷ lệ bỏ học, chương trình tích lũy vốn con người.
Lịch sử cận đại đã cho thấy một số chiến lược phát triển kinh tế thành công, chẳng hạn như
Nam Hàn (quyết tâm thành một quốc gia phát triển của ý chí ông Park Chung Hee, được đồng thuận xã hội cao, trí thức được đóng góp cao nhất, mối quan hệ người dân – doanh nghiệp – chính phủ khai thác tốt nhất, cơ chế chính sách rõ ràng, cụ thể). Tương tự như của Singapore, Taiwan, Hong Kong.
Bên dưới là các chiến lược phát triển kinh tế. Các chiến lược này được tổng hợp nhiều nguồn tài liệu khác nhau, được so sánh với nhau.
1) Chiến lược của trường phái tiền tệ
Phạm vi áp dụng
Chiến lược này thường sử dụng trong giai đoạn khủng hoảng. Sự bình ổn và các hiệu chỉnh mất cân đối gay gắt được đưa lên ưu tiên hàng đầu.
Mục tiêu của chiến lược
(i) Bình ổn nền kinh tế và sử dụng tốt chức năng của cơ chế thị trường (well–functioned market);
(ii) Phân phối lại các nguồn lực hiệu quả hơn và với cách ấy làm gia tăng sản lượng, thu nhập và mức sống;
(iii) Tăng mức tiết kiệm, huy động mức tiết kiệm vào sản xuất để có thể tăng trưởng sản xuất ở mức cao hơn; và,
(iv) Đảm bảo sử dụng hiệu quả hơn vốn sao cho ứng với tỷ lệ tiết kiệm cho trước thì tỷ lệ tăng trưởng sản lượng càng cao càng tốt.
Điểm nhấn mạnh của chiến lược tiền tệ
(i) Chiến lược này tập trung cải thiện hiệu quả tín hiệu thị trường bằng cải tiến phân phối nguồn lực. Các biện pháp thay đổi mức giá tương quan đi song hành với các biện pháp kiểm soát tỷ lệ tăng mức giá chung;
(ii) Chiến lược này chỉ được quan tâm trong việc điều chỉnh ngắn hạn, giảm lạm phát và phục hồi cân bằng vĩ mô; và,
(iii) Chiến lược tiền tệ quan tâm đến các vấn đề vi mô, chẳng hạn như làm cho thị trường vận hành hữu hiệu, xóa bỏ các bóp méo thị trường, thiết lập các mức giá tương quan cụ thể, để cho phép tăng trưởng hiệu quả trong dài hạn.
Tóm lại, chiến lược này định hướng vi mô nhưng theo đuổi mục tiêu vĩ mô.
Công cụ làm chính sách của trường phái tiền tệ
(i) Khu vực tư nhân được xem là khu vực tiêu điểm của sự phát triển nền kinh tế;
(ii) Vai trò của nhà nước giảm tới mức tối thiểu, trường hợp cực đoan của trường phái này là tiếp cận thị trường tự do hoàn toàn;
(iii) Trường phái này tạo lập môi trường kinh tế ổn định, giảm các bất ổn trong nền kinh tế, làm cho nền kinh tế có khả năng dự báo và có kế hoạch trên cơ sở đó khu vực tư nhân có thể phát triển;
(iv) Tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, chú ý tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và giảm chèn ép khu vực tư nhân. [Tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, thì tiền được sử dụng vào đâu? Ai quản lý? Ai giám sát? Bộ Tài chính công khai vấn đề này như thế nào?]; và,
(v) Nhà nước không can thiệp vào thị trường, dựa trên sáng kiến của cá nhân và sở hữu tư nhân để hướng nền kinh tế phát triển.
2) Chiến lược nền kinh tế mở
(i) Chiến lược nền kinh tế mở có một số đặc điểm giống như chiến lược tiền tệ, chẳng hạn như dựa vào sức mạnh của thị trường để phân bổ nguồn lực và dựa vào khu vực tư nhân. Nhưng chiến lược nền kinh tế mở khác với chiến lược tiền tệ là nhấn mạnh đặc biệt vào các chính sách có tác động trực tiếp đến khu vực nước ngoài và khu vực thương mại, là khu vực dẫn dắt hay động lực cho tăng trưởng kinh tế;
(ii) Đối với một quốc gia nhỏ (thị trường bị giới hạn), thì thị trường thế giới được xem là nguồn gốc của cầu xuất khẩu các sản phẩm có hệ số co giãn hầu như là vô hạn (cầu theo giá gần như nằm ngang). Các giới hạn áp đặt trên nền kinh tế nhỏ, thị trường nội địa nhỏ nguồn lực không đa dạng, không có khả năng khai thác lợi thế kinh tế theo quy mô và tất cả điều này có thể khắc phục bằng cách xuất khẩu. Chiến lược định hướng xuất khẩu tìm kiếm khai thác lợi thế so sánh của quốc gia và với cách này đạt được hiệu quả sử dụng nguồn lực; và,
(iii) Cạnh tranh quốc tế được xem là vấn đề sống còn bởi vì nó cung cấp một sự kích thích mạnh để nhà sản xuất có thể giữ chi phí thấp, để sử dụng vốn và lao động một cách có hiệu quả, để đổi mới, để cải tiến chất lượng hàng hóa và dịch và để có thể giữ vững tỷ lệ đầu tư cao.
Đóng góp đối với tăng trưởng kinh tế
(i) Chiến lược nền kinh tế mở không chỉ làm tăng thu nhập, mà còn làm tăng mức tiết kiệm.Với mức tiết kiệm tăng, cho phép mức tích lũy vốn nhanh hơn và vì thế cho mức tăng trưởng nhanh hơn;
(ii) Hơn thế nữa, các hệ thống kích thích gia tăng hiệu quả đi cùng với tăng trưởng theo hướng dẫn dắt của xuất khẩu, mang lại kết quả là đầu tư hiệu quả hơn và mang lại kích thích tăng trưởng hơn nữa;
(iii) Nền kinh tế mở không chỉ là nền thương mại quốc tế, mà là còn là sự dịch chuyển các yếu tố sản xuất, chẳng hạn như đầu tư trực tiếp nước ngoài vay mượn vốn từ các ngân hàng quốc tế và chuyển giao quốc tế không chỉ là vốn mà là tri thức, công nghệ và kỹ năng quản lý;
(iv) Chiến lược này làm tăng năng suất các yếu tố (TFP) các quốc gia đang phát triển; và,
(v) Di cư lao động quốc tế làm giảm thất nghiệp, nâng cao mức lương, cung cấp dòng ngoại tệ và thu nhập có giá trị dưới hình thức chuyển tiền.
Vai trò của nhà nước
(i) Không giống như chiến lược tiền tệ, chiến lược kinh tế mở hàm chứa vai trò tích cực của nhà nước;
(ii) Chính sách của chính phủ là định hướng về phía cung của nền kinh tế, có nghĩa là hướng đến và xóa bỏ các rào cản của xuất khẩu.
Chính sách của chiến lược nền kinh tế mở
(i) Chính phủ cung cấp tín dụng, ưu đãi về thuế, chương trình đào tạo hỗ trợ nghiên cứu thị trường, cung cấp mạng lưới vận tải và năng lượng;
(ii) Nhà nước chịu trách nhiệm cho việc xoá bỏ bóp méo tín hiệu giá cả trong nền kinh tế (tỷ giá, lãi suất, mức lương). Đây là đặc điểm giống với chiến lược của trường phái tiền tệ.
Phân phối thu nhập
(i) Xuất khẩu những sản phẩm mà quốc gia có lợi thế, chẳng hạn như nếu có thặng dư lao động thì chiến lược xuất khẩu là phải là sản phẩm có hàm lượng lao động cao và điều này cũng trực tiếp tác động đến việc xóa nghèo và giảm sự mất công bằng xã hội.
(ii) Tác động của chiến lược này còn tùy thuộc vào bản chất liên kết giữa khu vực thương mại và phần còn lại của nền kinh tế. Nếu có liên kết mạnh, thì mở rộng xuất khẩu sẽ tạo ra hoạt động cho toàn bộ nền kinh tế.
3) Chiến lược cách mạng xanh
(i) Tiêu điểm của chiến lược này là tăng trưởng nông nghiệp;
(ii) Mục tiêu gia tăng cung lương thực; hỗ trợ cho các ngành công nghiệp, như cung cấp nguyên vật liệu; kích cầu cho đầu vào nông nghiệp, hàng hóa trung gian và tạo một thị trường lớn cho hàng hóa giản đơn ở thị trường nông thôn;
(iii) Nhiều ngành công nghiệp thâm dụng lao động được khuyến khích và vì vậy mà cơ hội việc làm lớn hơn cho vùng nông thôn và thành thị;
(iv) Điểm nhấn của chiến lược là sự thay đổi công nghệ là điểm mấu chốt cho việc tăng trưởng nông nghiệp. Nhấn mạnh vai trò của thay đổi thể chế cải cách về sở hữu đất đai và phân phối lại đất đai;
(v) Đa dạng hóa mùa vụ, sử dụng phân bón và đầu vào hiện đại hơn, đầu tư vào hệ thống tưới tiêu, vận tải và năng lượng, nghiên cứu nông nghiệp, dịch vụ và tín dụng cải tiến trên diện rộng.
Chiến lược này có mục đích giảm nghèo trên diện rộng bằng nhiều cách
(i) Người nghèo thì có lợi ích trực tiếp từ việc thặng dư lương thực;
(ii) Sản lượng nông nghiệp gia tăng dẫn đến việc làm ở khu vực nông nghiệp tăng;
(iii) Hệ số co giãn cầu cho những hàng hóa phi lương thực cao, nên nhiều việc làm được tạo ra ở khu vực phi nông nghiệp; và,
(iv) Do mức thâm dụng lao động cao của chiến lược này, mức tiền lương thực ở thành thị và nông thôn gia tăng và điều này sẽ mang lại sự công bằng trong việc phân phối thu nhập
4) Chiến lược phân phối lại
Chiến lược này cải tiến việc phân phối thu nhập và của cải. Các thiết kế chính sách có lợi trực tiếp cho nhóm thu nhập thấp, được phân biệt thành 3 thành phần:
(1) Tạo ra nhiều việc làm hơn nữa, hoặc việc làm có hiệu quả cho người nghèo đang làm việc. Việc lựa chọn đầu tư và công nghệ đó là 2 cách để đạt được mục tiêu việc làm;
(2) Kêu gọi phân phối lại cho người nghèo thông qua các chương trình giảm nghèo, định hướng đầu tư hướng về người nghèo; và,
(3) Ưu tiên thỏa mãn các yêu cầu căn bản; phân phối lại quyền sở hữu tài sản có hiệu quả, đặc biệt là đất đai; giúp đỡ người nghèo có cơ hội trong việc khai thác nguồn lực tại địa phương.
Chính sách của chiến lược phân phối lại
(1) Phân phối lại tài sản ban đầu;
(2) Tạo thể chế có sự tham gia của người dân;
(3) Chính phủ đầu tư hơn nữa vào vốn con người;
(4) Hình mẫu phát triển này dựa trên lựa chọn công nghệ thâm dụng lao động; và,
(5) Mục tiêu là duy trì mức tăng trưởng thu nhập đầu người nhanh.
Giả định cơ bản của trường phái này là (khác với chiến lược tiền tệ và chiến lược công nghiệp hóa) chiến lược này dựa trên giả định không có xung đột hay đánh đổi giữa các chính sách phân phối thu nhập, của cải và thúc đẩy tăng trưởng.
Chính sách giảm mất bình đẳng
• Thuế lũy tiến đối với tài sản (property progressive tax): Ở Việt Nam mất công bằng xảy ra là mất công bằng từ tài sản;
• Thuế lũy tiến đối với hàng hóa xa xỉ và thuế lũy thoái đối với hàng hóa thông thường đáp ứng nhu cầu căn bản;
• Quỹ bình ổn giá cho người nghèo đúng nơi, đúng lúc và đúng đối tượng;
• Phát triển giao thông: nếu người nghèo không thể di chuyển đến nơi có thu nhập tốt hơn, thì thương mại không giúp gì cho họ;
• Giáo dục và đầu tư vào vốn con người;
• Tạo việc làm có hiệu quả và ổn định cho người nghèo (efficient and stable work for the poor);
• Lựa chọn đầu tư hướng về người nghèo (investment towards the poor);
• Lựa chọn công nghệ thâm dụng lao động (labor – intensive technology);
• Phát triển vùng trung tâm và vùng ngoại vi (center – periphery development): xã hội hóa giáo dục và đầu tư ở trung tâm (thị trường) và trợ cấp chính phủ ở vùng ngoại vi và phân bổ ngân sách cũng vậy [công bằng về mặt không gian cho phát triển];
• Phân bổ ngân sách cũng giúp giảm mất công bằng về mặt không gian [Lưu ý: Chính sách này là con dao hai lưỡi: Nguy cơ là địa phương kiếm thu nhập cao hơn sẽ không cố gắng và địa phương được phân bổ ngân sách nhiều thì có tâm lý ỷ lại (moral hazard)];