Bất chấp khủng hoảng do đại dịch COVID 19, các ông lớn khác trong ngành ngân hàng vừa đều đạt lãi khủng năm 2020, hoàn thành hay vượt kế hoạch đề ra. Từ hôm qua đến nay, đã thêm một số nhà băng đồng loạt báo lãi.
Ồ ạt báo lãi
Bất chấp đại dịch COVID 19, Vietcombank vẫn đạt lợi nhuận ở mức 23.000 tỷ đồng cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng. Theo đó, tại Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành chỉ 0,6%. Ngoài ra với tỷ lệ dự phòng để đảm bảo nợ xấu cũng dẫn đầu toàn ngành đạt 380%. Tăng trưởng tín dụng của Vietcombank cũng dẫn đầu đạt 14% với 110 nghìn tỷ đồng được bơm ra thị trường.
Ngoài ra, ngân hàng còn đạt vốn hóa lên đến 390 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách ở mức cao nhất là 9.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với 23.000 tỷ đồng lợi nhuận, Vietcombank ghi nhận đứng đầu toàn ngành ngân hàng trong năm 2020.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 15,8nghìn tỷ, tăng 23,1% so với năm 2019, cao hơn chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà Đại hội cổ đông đã thông qua là 21,5%. Với con số này, Techcombank chính thức giữ vị trí lợi nhuận thứ hai trong “làng” bank. Trong năm 2020, Ngân hàng đã chủ động xử lý một số khoản nợ xấu. Chi phí dự phòng của năm 2020 tăng lên mức 2,6 nghìn tỷ đồng so với mức 917 tỷ đồng của năm 2019.
Một ông lớn khác là VietinBank cũng có kết quả vượt trội. Theo đó, lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ 16.450 tỷ đồng (tăng hơn 40% so với gần 11.500 tỷ của năm 2019), vượt xa mục tiêu đặt ra. Từ đó, dẫn đến chỉ số sinh lời trên vốn (ROE) và trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 16,8% và 1,3%. Thu nhập ngoài lãi tăng 35,2% so với năm 2019, tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động tăng từ 16,5% lên gần 20,1%, trong đó thu thuần dịch vụ tăng gần 12% so với năm 2019.
Ngân hàng BIDV cũng nghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận năm 2020 ở mức hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt 8.515 tỷ. Về tổng tài sản, BIDV vẫn là ngân hàng đứng đầu hệ thống.
Với hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần cũng ghi nhận những kết quả tích cực. Cụ thể, tại MSB, ngân hàng ước tính tổng tài sản năm 2020 tăng 13% so với 2019, đạt trên 178 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra, các hạng mục tài sản sinh lời cao và quản lý tốt nợ xấu.
Ngân hàng TPBank cũng ghi nhận kết quả tích cực. Theo đó, kết thúc năm 2020, tổng tài sản của TPBank đạt 206.316 tỷ đồng, tăng 24,47% so với năm 2019 và vượt hơn 14% kế hoạch năm. Tổng huy động vốn đạt 184.953 tỷ đồng, tăng 25,15%.
Tại ACB tất cả các chỉ tiêu đều cán đích sớm. Theo đó, mới 11 tháng ACB đã có lợi nhuận trước thuế đạt 8.723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm; tổng tài sản gần 428.000 tỷ đồng, tăng 11,7%; Huy động vốn tăng trưởng 11,5% đạt 343.000 tỷ đồng; Tín dụng ở mức 305.000 tỷ đồng, tăng trưởng 13,7% và nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.
Báo cáo Kết quả Kinh doanh năm 2020 ghi nhận Tổng tài sản của ABBANK tại thời điểm kết thúc năm đạt 116.494 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.368 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm 2020, tăng 11,3% so với năm 2019. Nợ xấu trên tổng dư nợ tiếp tục được ABBANK kiểm soát chặt chẽ ở mức 1,44%, đảm bảo quy định của NHNN.
Lãnh đạo các nhà băng nói gì về lợi nhuận ?
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank: năm 2020 là một năm hết sức khả quan đối với giới ngân hàng: hầu như các chỉ số tài chính đều thực hiện vượt mức. Với Vietcombank, với 5 lần giảm lãi suất trên toàn hệ thống cho người dân, tính ra, đã có hàng ngàn khách hàng được hỗ trợ với gần 4000 tỷ đồng được giảm lãi và hàng chục ngàn món nợ được cơ cấu lại , giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn.
Ông Nghiêm Xuân Thành, cho hay dù duy trì mức lợi nhuận xấp xỉ 1 tỉ USD nhưng đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, lợi nhuận của NH không tăng trưởng. Nguyên nhân chủ yếu là do Vietcombank đã 5 lần cắt giảm lãi vay cho DN với con số kỷ lục là 3.700 tỉ đồng hỗ trợ khách hàng ổn định hoạt động sản xuất – kinh doanh. “Kiểm soát chất lượng nợ xấu được thực hiện tốt trong bối cảnh thị trường khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đưa tỉ lệ nợ xấu về 0,61% trên tổng dư nợ. Đây là mức thấp nhất trong các tổ chức tín dụng cũng như trong lịch sử của NH. Điều này giúp giá cổ phiếu VCB của NH lần đầu tiên vượt lên trên 100.000 đồng/cổ phiếu, trở thành DN có mức vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam” – ông Nghiêm Xuân Thành nói.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm 2020, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng đạt mức 16.450 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm trước. VietinBank đã cắt giảm gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí, thoái lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ông nói thêm.
Techcombank cũng thực hiện các biện pháp giúp phục hồi nền kinh tế, chia sẻ khó khăn với các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với gói hỗ trợ toàn diện lên tới 41,2 nghìn tỷ đồng, gồm tái cơ cấu, miễn giảm lãi và giãn nợ cho hơn 3.200 khách hàng.
Tổng giám đốc Jens Lottner Techcombank chia sẻ, “Trong năm 2020 với nhiều thách thức và bất ổn, Techcombank đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ khách hàng và củng cố sức mạnh bảng cân đối để vượt qua khủng hoảng. Các biện pháp gồm có giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cung cấp mức lãi suất ưu đãi, tăng thanh khoản để đảm bảo ngân hàng có nguồn tín dụng dồi dào phục vụ khách hàng, song song với việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu để duy trì chất lượng tài sản.” Tiền gửi khách hàng tại 31/12/2020 là 277,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,0% so với thời điểm 31/12/2019.
Ông Lê Hải – Tổng Giám đốc ABBANK cho biết: “Năm 2020, ABBANK đã rất nỗ lực khắc phục những ảnh hưởng do biến động của thị trường đối với hoạt động kinh doanh, vận hành của Ngân hàng. Đặc biệt, ABBANK đã áp dụng nhiều biện pháp kịp thời để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra và vẫn hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh. Trong quá trình đồng hành cùng chống dịch, chúng tôi cũng rút ra được nhiều bài học kinh doanh.”
Theo đánh giá của các chuyên gia, lợi nhuận năm 2020 của các NH tăng mạnh chủ yếu nhờ sự cải thiện tín dụng và tăng trưởng mạnh doanh thu ngoài lãi. “Việc trích lập dự phòng nợ xấu tăng ảnh hưởng một phần đến lợi nhuận NH, song nhờ đa dạng hóa nguồn thu, nhất là nguồn thu ngoài lãi, lợi nhuận NH vẫn khả quan” – chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định. Công ty Chứng khoán SSI cũng chỉ ra những nguyên nhân giúp lợi nhuận của nhiều NH thương mại duy trì ở mức cao là do thu nhập ngoài lãi tăng mạnh, nhất là thu nhập từ phí và hoa hồng. Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bán bảo hiểm qua kênh NH và kiều hối cũng đều phục hồi. |
KHÁNH HUYỀN (Tiền Phong)