Bài toán sinh kế trước biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng đã gây trở ngại cho nhiều vùng, miền. Không tránh khỏi ảnh hưởng, tại lưu vực sông Sêrêpốk, tình trạng hạn hán ngày càng khốc liệt vào mùa khô, mưa lũ bất thường vào mùa mưa đã tác động tiêu cực đến đời sống sản xuất của người dân khu vực này.
Gia đình chị Phạm Thị Thắm (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) có 3 sào cà phê và 5 sào lúa nên phải đầu tư thêm giếng, hệ thống tưới tiêu để cứu hạn cho cây trồng vào mùa khô. Chị Thắm cho hay, ngoài chi phí giống, phân bón, công chăm sóc, gia đình còn phải lo thêm tiền điện, nên nguồn thu ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy vậy, so với nhiều nông hộ trên địa bàn thì vẫn còn đỡ vất vả hơn. Xã Đắk Nuê vốn là vùng trũng, nên mỗi lần mưa lớn thường dễ bị ngập úng, trong khi sinh kế chính của bà con chủ yếu là canh tác lúa. Chỉ cần mưa lớn trúng đợt lúa đang trổ đòng thì xem như cả mùa vụ ấy bà con có nguy cơ mất trắng.
Cũng như nhiều gia đình trên địa bàn thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk), gia đình anh Phạm Huy Thịnh (Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn) lựa chọn cây cà phê để tăng thêm thu nhập. Nhà có 7 sào cà phê, trồng từ năm 1996 nên đến nay đã già cỗi, năng suất thấp, đất đai lại bạc màu. Hiện đã có vốn để năm sau tái canh cà phê, nhưng gia đình anh vẫn chưa tìm được loại giống phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng.
Anh Thịnh cho hay, ngoài cà phê thì lúa nước, cây ăn trái, nuôi cá là những nguồn sinh kế chính của bà con trên địa bàn thị trấn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của khí hậu cực đoan, nhất là hạn hán, khiến không ít vụ mùa cây trồng bị chết cháy, gây thiệt hại nặng nề về năng suất, sản lượng. Cùng với đó, khó khăn lớn nhất mà người dân gặp phải là nguồn vốn. Có rất nhiều hộ dân mong muốn mở rộng sản xuất nuôi trồng, tái canh cà phê, nhưng không có kinh phí. Hy vọng rằng, thời gian tới, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi hiệu quả…
Trước việc cấp thiết tìm kiếm sinh kế bền vững cho người dân, năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) đã hợp tác với Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện một số nghiên cứu về sinh kế bền vững cho phụ nữ và thanh niên trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở vùng lưu vực sông Sêrêpốk. Nghiên cứu được thực hiện ở hai huyện Lắk và Krông Bông. Kết quả cho thấy, ở huyện Lắk có 18 loại hình sinh kế, ở huyện Krông Bông có 12 loại hình sinh kế, tuy nhiên các loại hình sinh kế chưa có ưu thế rõ ràng, cũng như điểm mạnh nổi trội thực sự.
Nghiên cứu trên cũng phát hiện loại hình sinh kế tiềm năng, phù hợp với nhu cầu của thanh niên và phụ nữ, phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương. Cụ thể, ở huyện Lắk có các sinh kế: trồng cà phê xen sầu riêng, lúa nước giống mới (ST24) canh tác hữu cơ, nuôi vịt lấy trứng, nuôi cá nước ngọt, trồng dâu nuôi tằm, đan lát truyền thống. Ở huyện Krông Bông có trồng cà phê xen đổi lấy hạt, trồng vải u hồng, trồng cỏ nuôi bò lai nhốt chuồng, nuôi heo lai, trồng dâu nuôi tằm.
Qua đó nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị chính sách, giải pháp thực hành, nhân rộng các loại hình sinh kế phù hợp với khả năng, năng lực cộng đồng, như: tập huấn nâng cao kiến thức, đào tạo kỹ năng, hỗ trợ cải tiến kỹ thuật; có chính sách phù hợp để người dân tiếp cận vốn tốt hơn; khai thác hợp lý tài nguyên đất, rừng, nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái; tạo điều kiện để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, kết nối chuỗi cung ứng…
Tại Hội thảo “Sinh kế bền vững cho phụ nữ và thanh niên trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Sêrêpốk, tỉnh Đắk Lắk” do Tropenbos Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh tổ chức đầu tháng 10-2020, các đơn vị đã tham vấn các bên liên quan về những phát hiện liên quan đến sinh kế người dân mà nhóm đã nghiên cứu thực hiện. Đây cũng là dịp các đại biểu thảo luận, chia sẻ, trao đổi để tìm ra giải pháp thực hành, nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu mà nhóm nghiên cứu đã đề xuất vì một mục tiêu lâu dài hơn là góp phần hồi phục cảnh quan rừng và cải thiện sinh kế cho người dân trong khu vực.
Theo: Quỳnh Anh (Báo Đăk Lăk)