Vừa qua, nhiều người dân đã phản ánh việc Bách Hóa Xanh tăng giá gấp nhiều lần bất chấp dịch bệnh khó khăn tại TP.HCM. Lập tức, Cục QLTT đã tiến hành kiểm tra hàng loạt các cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn để xác thực thông tin.
Chủ tài khoản M.A đã chia sẻ trên mạng xã hội về trải nghiệm mua hàng tại một chi nhánh của chuỗi siêu thị này cho biết: “Tôi đi siêu thị mua mớ rau răm héo giá 14.000 đồng, củ gừng 21.000 đồng… phía siêu thị đã tăng giá lên gấp 3-4 lần”.
Giải thích về vấn đề này, Bách Hóa Xanh đã có văn bản gửi tới khách hàng và cổ đông, giải thích lý do tăng giá. Phía công ty khẳng định không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do nhiều nguyên nhân như: thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng đáng kể, chi phí kiểm dịch, giá xăng tăng, tỷ lệ hao hư hàng tươi sống cao khi phải xếp hàng qua các chốt kiểm dịch…
Đến chiều ngày 16-7, các đội Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra hàng loạt cửa hàng Bánh Hóa Xanh. Theo đó, đoàn kiểm tra cho biết, nhìn chung hàng hóa tại các cửa hàng dồi dào, thực hiện niêm yết giá bán theo quy định; phương thức hoạt động của cửa hàng chỉ cho giới hạn số lượng người vào trong mua sắm (cụ thể từ 5 đến 10 người trong 01 lượt mua sắm tùy diện tích của các cửa hàng).
Số lượng khách còn lại sẽ đứng xếp hàng bên ngoài cửa hàng chờ với khoảng cách đảm bảo 2 mét tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch bệnh.
Các cửa hàng cung cấp thông tin: hóa đơn chứng từ đầu vào của hàng hóa được lưu trữ tại Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh (địa chỉ số 128 Trần Quang Khải, Phường Tân Định, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh); giá cả hàng hóa mỗi ngày được thông báo qua phần mềm quản lý nội bộ QR code, không sử dụng hệ thống máy tính kế toán tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Tại buổi kiểm tra, các Đội QLTT đề nghị các cửa hàng chấp hành quy định về niêm yết giá hàng hóa theo qui đinh và bán đúng giá niêm yết; đảm báo số lượng và chất lượng hàng hóa, không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
Duy trì hoạt động theo đúng thời gian quy định; tuân thủ quy định “5K” của Bộ Y Tế; đồng thời tuyên truyền quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch; quy định pháp luật xử lý đối với hành vi đầu cơ hàng hóa, hành vi găm hàng…
Theo: Tổng Hợp