Tư duy “đâm thủng cái mâm”: Chỉ biết tiếc tiền, không biết ơn, khó làm nên đại sự
Tiếc tiền thì không thể làm lớn, không thể có một cuộc đời ý nghĩa.
1. Nước mắt thì chỉ chảy xuôi, người xưa nói vậy về sự biết ơn của con người. Trẻ con vô tư, nhận rồi quên nên trách nhiệm của giáo dục cả gia đình lẫn nhà trường là sẽ dạy lòng biết ơn, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu và làm theo được. Vì nó sẽ phải đánh nhau với lòng tham, sự sân hận và cái tôi lớn trong tâm trí. Cái gì thắng, sẽ biểu hiện ra bên ngoài bằng suy nghĩ và hành động.
Trí tuệ cổ nhân từ xa xưa đã đúc kết rằng, độ sâu của lòng biết ơn chính là thước đo sự giáo dưỡng của một người. Người có lòng biết ơn thì không thể làm điều ác. Càng có lòng biết ơn thì người đó càng tử tế, càng nhân hậu, càng văn minh. Họ làm gì cũng thành công vì người ta sẽ TIN và THƯƠNG.
2. Mình mang ơn bất cứ ai đã có duyên gặp gỡ một lần trong đời. Họ cho mình không cơ hội thì cũng là bài học lớn. Từ cha mẹ cho mình cơ hội ra đời đến nấu cho mình những bữa ăn từ thuở nhỏ. Thầy cô cho mình cơ hội biết đọc biết viết và mang mình vào thế giới tri thức. Những người quý nhân đã cho mình mở mang tầm mắt bên ngoài. Cám ơn những ông chủ đã nghĩ ra công việc và cho mình làm (phía ông chủ cũng cám ơn người làm đã góp sức xây dựng cơ nghiệp với mình). Một người đã lừa mình để họ ĐƯỢC cái gì đó, mình MẤT cái gì đó (theo nhận thức của mình, thực ta chẳng có ai được và chẳng có ai mất). Nhưng cuối cùng, mình có đã có một bài học hay. Trời đất lúc đó cần dạy dỗ mình một bài học như thế, nên se duyên cho mình đã gặp người ta. Nếu lòng vẫn còn sân si mà không biết ơn được, thì bỏ qua, xoá khỏi ký ức, ‘delete’ khỏi bộ nhớ cho xong.
3. Chúng ta cám ơn tất cả, cám ơn tự đáy lòng mình. Một phút giây mình sống, là có sự đóng góp của bao người. Cám ơn những cây xanh tạo oxy cho mình thở, cám ơn muôn loài sống trên trái đất đã cộng sinh nhau mà tạo nên hệ sinh thái này. Từ đó chúng ta biết nên bảo vệ cây xanh, hạn chế ăn thịt động vật, tuyệt đối nói không với thịt thú cưng và động vật hoang dã. Nói không với gỗ rừng tự nhiên.
Người ta làm được vậy, vì có lòng biết ơn. Một cách tự nhiên, không hô hào, không phong trào. Người biết ơn có gương mặt sáng bừng, thanh tú, nụ cười cũng duyên dáng và quyến rũ vô cùng. Ánh mắt rất nhân từ, nhìn là biết người rất thiện.
4. Đi đến một vùng đất mới, chúng ta phải biết ơn người đã cho mình biết thông tin để mình biết mà đến. Rồi anh em nhà Wright đã phát minh ra máy bay, nếu không mình đi tàu tới đó cũng mất cả tháng. Rồi chú phi công đưa mình đến, từ cô tiếp viên hàng không bưng một ly nước đến cho mình, anh hướng dẫn viên du lịch, chú lái xe, người dọn phòng…, gặp ai mình cũng nên nở nụ cười, và nói cám ơn liên tục. Dù không bắt buộc nhưng mình luôn nở nụ cười với họ, tip họ vài ba đô sau khi trả phòng, sau khi ăn xong đứng lên cũng nên nhét vài đồng dưới dĩa (dù nước không có tip culture như Mỹ chúng ta cũng nên tip/boa). Lão Tử nói, một người không dám cho đi vì sợ mất tiền, tức nhu cầu tư hữu, lòng tham còn lớn. Khi nhu cầu sở hữu riêng là chuyện nhỏ cỏn con, thì khi đó, người ta mới có lòng bác ái, mới cư xử hài hoà.
5. Người văn minh sẽ cư xử khác biệt, bất chấp đám đông xung quanh đang hùng hục phàm phu tục tử giành lấy cái lợi về phần mình. Có thể ông bà cha mẹ mình, hàng xóm mình, mấy người mình gặp ngoài đường luôn miệng phàn nàn khó chịu, tư duy tiêu cực, cố gắng giành giật từ người khác vun vén về gia đình gia tộc, nhưng mình chớ có bắt chước theo. Các bạn thấy đấy, thế hệ họ vậy đã quá khổ rồi, dù có tiền nhưng tâm lúc nào cũng khổ. Mình là thế hệ công dân toàn cầu, mình hào sảng, phóng khoáng, văn minh, sang trọng, hào hiệp, nhân ái, vui vẻ, quan tâm GIÁ TRỊ, TRẢI NGHIỆM thay vì GIÁ CẢ, TIỀN BẠC, THỜI GIAN, CÔNG SỨC. Thử lột xác mình đi thôi, mình là một phiên bản tuyệt vời của tạo hoá. Sang trọng lên. Được thì vui nhưng không vui quá. Mất thì buồn tí xíu rồi trở lại bình thường.
6. Xung quanh mình có thể có rất nhiều người, bỏ mấy đồng “mua mâm” cố gắng “phải đâm cho thủng”. Tư duy vậy thì khó coi, hành xử tiểu nông vậy không có hay đâu. Đi du lịch là học văn hoá lịch sử trước, rồi rung cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên đặc sắc của vùng đất đó, rung cảm trước văn hoá của dân tộc mình đến thăm, tâm hồn mình chạm tới tâm hồn người khác. Người phàn nàn nhiều là người có cái tôi lớn, kỳ vọng quá nhiều, và là thường là người non dại, ít tiền, kém thích nghi, nghĩ nhỏ nghĩ vặt nên thấy giá trị đồng bạc mình bỏ ra quá lớn, phải mọi cách gỡ gạc để “được”, nếu không “mất” sẽ tiếc. TIẾC TIỀN LÀ CẢM GIÁC CỦA NGƯỜI CÒN THAM nhiều, một trong ba cái (tam độc) mà đời người phải chiến đấu và loại trừ dần khỏi cơ thể. Tiếc tiền thì không thể làm lớn, không thể có một cuộc đời ý nghĩa.
7. Mình cám ơn bây giờ mình vẫn còn khoẻ mạnh, tận hưởng sự hít thở, chỉ vài chục năm nữa thôi, mình sẽ không còn được hít/thở như hôm nay nữa. Những cái bực bội của mình hiện nay, cái tham lam của mình hôm nay là rất vớ vẩn so với 100 năm hạn hữu của đời người, triệu năm tỷ năm của vũ trụ.
8. Biết ơn, tiếng Anh là “gratitude”, là thước đo của sự văn minh và đẳng cấp mỗi cá nhân. Các bạn trẻ nước ta, nhất định phải trở thành người văn minh, sang trọng, nhân cách đẹp lung linh dù chưa có thành tựu gì thì người ta vẫn kính nể. Ngược lại với lòng biết ơn là SỰ VÔ ƠN, thể hiện sự giáo dưỡng của mình không trọn vẹn, sống ích kỷ và chỉ biết bản thân mình. Một người cảm giác mình không may mắn, mọi thứ mình muốn đều không được, công danh sự nghiệp hay nguyện vọng cá nhân gì đều không hanh thông thuận lợi, thực chất là do các bạn đã vô ơn đấy thôi. Trời cao ở trên kia nhìn thấy tất cả những gì loài người đang làm. Mình có một suy nghĩ xấu về người khác là vũ trụ nhận được một năng lượng xấu từ mình, và trả lại cho mình đúng như thế. Mình không thành ước nguyện gì đó là do tâm mình chưa tốt đấy thôi. Không ai khiến bạn như thế cả, trừ bạn.
Theo TNBS
Doanh nghiệp và Tiếp thị