Ba tôi năm ấy gần 50 tuổi, là người đàn ông đã trải qua một đời vợ và chỉ làm công việc thợ xây bình thường. Thế mà khi ba lấy mẹ tôi – một người phụ nữ nhỏ hơn ba đến 25 tuổi, từ làng trên xóm dưới cho đến cả nhà nội đều khuyên ba không nên làm vậy, rằng ba có thể tìm được người phụ nữ tốt hơn thế. Nguyên nhân vì mẹ tôi là trẻ mồ côi và do ảnh hưởng của chất độc trong chiến tranh mà trí tuệ chỉ dừng lại ở một đứa trẻ 7 tuổi. Ba lấy mẹ có lẽ một phần vì lời hứa với ông ngoại trước khi mất là sẽ chăm sóc cho mẹ.
Ba mặc kệ lời đàm tiếu ác ý từ thiên hạ, vẫn lặng lẽ chăm sóc người vợ thiểu năng của mình. Còn mẹ tôi thì chỉ như một đứa trẻ to xác, thậm chí ngay cả việc tắm giặt thông thường, mẹ cũng phải nhờ đến hỗ trợ của ba. Rồi mẹ mang thai tôi. Nghe nói khi đó, mẹ phải trải qua một trận thập tử nhất sinh tôi mới ra đời khỏe mạnh.
Nhưng hạnh phúc chẳng tày ngang. Đến năm tôi 1 tuổi thì ba tôi gặp tai nạn và qua đời. Người ta khuyên mẹ tôi nên đem tôi cho người khác. Bởi thân bà còn chưa tự lo xong, làm sao nuôi một đứa trẻ? Mẹ tôi kiên quyết không chịu. Đến giờ tôi nghĩ hành động đó của mẹ có lẽ là vì tôi là sợi dây liên kết duy nhất giữa mẹ và ba. Không còn ba bên cạnh nữa, mẹ phải học cách tự chăm sóc bản thân và chăm sóc cả tôi. Mẹ còn phải học cách đi xin việc kiếm tiền. Nhưng ai lại đi nhận một người không bình thường, còn đem theo con nhỏ để làm việc cơ chứ? Vì vậy, mẹ đành bồng bế tôi đi ăn xin ở ngay tuyến đường qua lại. Cho đến giờ tôi cũng chẳng hiểu mẹ lấy đâu ra nghị lực để có thể nuôi tôi lớn.
Năm tôi lên 5, mẹ gửi tôi cho ông bà nội để đăng ký cho tôi đi học. Thời gian hai mẹ con gặp nhau cũng ít dần đi, chỉ khoảng 1 – 2 lần/ tháng. Ngày nhỏ thì tôi chỉ đơn thuần nghĩ rằng mẹ vì bận công việc nên mới vậy. Nhưng khi vào cấp 2, lần đầu tiên tôi phát hiện sự khắc nghiệt của xã hội này đối với cái gọi là “công việc” mà mẹ đang làm. Sự việc xảy ra khi bạn bè trong trường vô tình phát hiện ra mẹ tôi đang đi ăn xin. Chế diễu, khinh thường, bắt nạt, tôi bắt đầu trải qua những năm tháng tồi tệ nhất trong cuộc đời.
Trong lòng tôi lúc đó chỉ còn lại sự xấu hổ, tổn thương xen lẫn tức giận vì số phận bất công. Và tôi đem mọi cảm xúc tiêu cực đó trút hết lên đầu mẹ mình. Nhìn thấy nụ cười ngây ngốc của mẹ chỉ khiến tôi bực dọc. Thậm chí tôi không còn lảng tránh cả những buổi gặp mặt hiếm hoi của hai mẹ con.
Lên cấp 3, tôi nghỉ học, rời xa quê để lên đất Sài Gòn kiếm việc làm. Để kiếm nhiều tiền hơn, tôi làm đến 2 – 3 công việc cùng lúc. Khi ổn định dần, tôi bắt đầu nghĩ đến mẹ mình và gửi về cho bà một ít, hi vọng bà không còn đi ăn xin nữa. Sau 3 năm lăn lộn ở đất sài thành, tôi lần đầu tiên trở về quê. Thế nhưng tin đầu tiên mà tôi nhận được đó là mẹ mình vẫn tiếp tục đi ăn xin.
“Sao mẹ lại vậy? sao mẹ cứ phải sống cuộc đời nhục nhã khiến con xấu hổ vậy? Tại sao ngày xưa ba có thể lấy người phụ nữ như mẹ được chứ?” – Tôi gào lên căm phẫn. Mẹ tôi cũng tức giận không kém. Bà run run cầm bát cơm đang ăn dở ném mạnh xuống đất, nước mắt lăn dài trên má. Đó cũng là lần đầu tôi thấy mẹ nổi giận. Tôi quay người bỏ đi và quyết tâm ở hẳn trên Sài Gòn. Những vất vả chịu đựng của tôi ở thành phố, tại sao mẹ không chịu hiểu. tôi chỉ muốn mẹ được sống tốt hơn. Tại sao mẹ vẫn tiếp tục cái công việc đáng xấu hổ đó.
Chỉ là tôi không biết rằng, lần cãi nhau ấy cũng là lần cuối cùng tôi được nói chuyện với mẹ. Vào một ngày của mùa xuân 5 năm sau, tôi bỗng nhận được một cuộc điện thoại từ bác trưởng khối. Mẹ tôi mất. Một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của bà. Tôi vội vã trở về. Trái tim như bị bóp nghẹn khi thấy mẹ nằm đó, trong cỗ quan tài lạnh ngắt. Sau khi tổ chức xong tang lễ, bác bác trưởng khối mới gọi tôi lại và đưa cho tôi một cuốn sổ tiết kiệm. Thì ra lâu nay, tiền mà tôi gửi về đều ở trong đó. Thì ra tiền mẹ tôi chắt chiu khi còn sống cũng ở trong đó. Tôi đã làm gì thế này? Tôi đã từng coi thường khi trí não của mẹ không bằng một đứa trẻ. Thế nhưng người không bình thường ở đây có lẽ chính là tôi. Tôi hi sinh thì muốn mẹ và cả thế giới biết. Còn mẹ vì tôi làm những việc thầm lặng thì tôi nào có hay?
Cuộc sống sẽ không có phép màu để mẹ tôi tỉnh dậy. Cũng không có thuốc để cứu vãn lỗi lầm mà tôi đã gây ra. Giờ đây chỉ còn tôi ở đó, gào khóc trong nỗi đau và sự hối hận muộn màng.