Tôi mở tủ lạnh trên 20 lần mỗi ngày ở nhà. Một đợt dịch bùng phát, tôi lại tăng hai đến ba cân.
Các trường học tạm đóng cửa chống dịch nên tôi đã dạy trực tuyến gần ba tháng. Yêu cầu hạn chế đi lại khiến ngày nào tôi cũng rảnh rỗi, loanh quanh trong nhà. Công việc lặp lại mỗi ngày của tôi hầu hết là ngồi trên sofa làm việc, dán mắt vào màn hình máy tính chơi game và mở tủ lạnh tìm thứ gì đó để nhai.
Thời Covid thu nhập bấp bênh, tương lai bất ổn nên tôi bị suy sụp tinh thần. Nên, để bớt căng thẳng, tôi mở tủ lạnh ăn vặt. Rồi hôm nọ thị trường chứng khoán đỏ lửa, tài khoản của tôi chìm vào lỗ, tôi lại căng thẳng, lại phải mở tủ lạnh.
”Dạo này anh ăn nhiều quá”, vợ tôi nhắc. Hai vợ chồng ngày ngày chạm mặt nhau tại nhà nên dễ gặp phải những tình huống gay gắt, cãi vã làm tôi bức xúc. Nên, để bình tĩnh lại, tôi mở tủ lạnh.
Ăn để giảm stress, ăn để đỡ buồn chán, ăn vì chiếc tủ lạnh chiếm một phần suy nghĩ trong đầu tôi. Đa số tôi ăn những “món an ủi” tâm hồn mình như đồ ăn chiên, pizza, kem, bánh ngọt vì chúng mang lại cảm giác dễ chịu, giúp xoa dịu trái tim yếu đuối mùa dịch của tôi.
Loại đồ ăn này có lượng calo cao, nhiều tinh bột, đường, chất béo. Tôi thừa biết thói quen này gây hại cho sức khỏe nhưng vẫn chủ quan. Não tôi biện hộ ”đang dịch mà”. “Đang dịch” có nghĩa thói quen này chỉ kéo dài tạm thời.
Nhưng, vị khách không mời Covid 19 mãi chẳng chịu đi.
Không cần leo lên cân tôi cũng biết rằng đã béo lên. Nhiều quần áo tôi hay mặc trước dịch bây giờ đã chật. Bạn bè trêu tôi ”dạo này Marko béo lên rồi”. Tôi biết đó không chỉ là lời cảm thán mà còn là cảnh báo. Một khi đã tăng cân thì rất khó để cân đối trở lại, và chúng ta có khuynh hướng xem nhẹ vấn đề cho đến khi nó lên mức nghiêm trọng.
Làm thế nào để thoát béo mùa Covid? Một số người đạp xe quanh hồ, một số người mua thiết bị thể dục tại nhà, một số người trải chiếu tại phòng khách rồi chống đẩy, tập bụng hay bật video hướng dẫn trên Youtube tập yoga. Tôi biết ngoài kia có nhiều người vẫn kiên trì với thói quen thể dục. Tuy vậy, tôi cũng biết, rất rất nhiều người lại không đủ kiên trì. Họ không đủ điều kiện, không có đồng đội, nói chung là họ lười biếng hoặc tìm lý do. Tập thể dục tại nhà thì khó thở, chẳng vui. Tập thể dục ngoài trời dễ chịu hơn, vừa hít thở khí trời vừa ngắm cây xanh, nhưng cũng bị cấm rồi, hoặc chấp nhận bị dư luận chỉ trích.
Thế nên, bạn đừng ngạc nhiên nếu nhiều người tăng cân trong thời Covid, gồm cả tôi và bạn. Một số nghiên cứu cho hay, ít nhất một nửa dân số Mỹ đã tăng cân do tác động của đại dịch. Dưới biện pháp phong tỏa, họ bị tăng trung bình 8 lạng mỗi tháng.
Tôi không tìm thấy thống kê nào tương tự ở Việt Nam, nhưng các nghiên cứu trước Covid cho thấy người Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ béo phì tăng nhanh trong khu vực. Số trẻ thừa cân đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Nguyên nhân chính do chế độ ăn uống không lành mạnh, thói quen sử dụng điện thoại thông minh quá độ và lối sống ít vận động. Tôi e hiện tượng này còn gia tăng thời giãn cách.
Phải công nhận, người châu Âu có thói quen tốt là đi bộ nhiều. Đi bộ tới trạm xe bus, tới ga tàu điện ngầm, tới trường học, ngày nào họ cũng đi bộ ít nhất vài km. Nhưng ở Việt Nam, đi bộ thật khó với vỉa hè đã bị “thất thủ”, muốn đến đâu cũng phải leo lên xe. Tản bộ cùng gia đình quanh bờ hồ hay công viên vào cuối tuần là thói quen tốt, nhưng không phải nhà ai cũng gần hồ.
Khi còn ở độ tuổi hai mươi, tôi ít bận tâm đến sức khỏe, cho rằng khỏe mạnh là điều đương nhiên vì tôi vốn không ốm trong nhiều năm liền. Nhưng khi vượt mốc 30 tuổi và nhất là sau khi chuyển đến Hà Nội sống, tôi trở nên dễ ốm hơn.
Thời tiết Hà Nội khắc nghiệt, tôi hay bị cảm cúm khi giao mùa, hay bị dị ứng bụi khói hay viêm xoang, thỉnh thoảng phải đi bác sĩ và uống thuốc. Và tôi dần ý thức hơn về sức khỏe và lối sống, bắt đầu đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc vào thể chất. Tôi tập thể dục nhiều lần trong tuần, đi bơi, đi xông hơi, ăn nhiều rau, hạn chế đồ ăn nhanh, mua máy lọc không khí.
Tuy nhiên, đại dịch đang cố làm tôi nản chí. Chúng ta chưa kịp điều chỉnh lối sống mới vì vẫn cho rằng giãn cách chỉ là biện pháp ngắn hạn, đôi khi ta tha thứ cho các thói quen kém lành mạnh và dễ trở nên bỏ bê, thụ động với bản thân. Thời gian dư dả nên ăn bừa bãi. Các phòng gym và trung tâm thể thao đóng cửa chống dịch nên càng có cớ để ít tập thể dục. Khi nhiệm vụ chính của mỗi người là ngồi yên ở nhà thì ta dường như không còn động lực để chăm sóc thân thể.
Sắp viết xong bài này, tôi lại nghĩ đến cái tủ lạnh. Nhưng rồi, một khoảnh khắc làm tôi “tỉnh” lại.
Đại dịch chính là cú hích để chúng ta nhìn nhận lại mọi việc, từ năng lực công việc của mỗi người, đến lối sống, đòi hỏi thay đổi để thích nghi hay cải thiện mối quan hệ với gia đình và cộng đồng. Nó cũng là đề bài cho mỗi cá nhân phải kỷ luật với bản thân, nhìn nhận nghiêm túc về sức khỏe của chính mình để chống chọi với virus.
Chiều nay, tôi nhất định tập thể dục. Phải mạnh khỏe trong lúc chờ vaccine các bạn ạ.
Marko Nikolic
(Nguyên tác tiếng Việt)