Rồi sẽ yêu ai?
Tác giả: Phan Thị Vàng Anh
Có người đã nói: “Với những người có học thức Việt Nam thì không phục lẫn nhau”. Họ thường lấy những bậc vĩ nhân, người nổi tiếng và trích dẫn các câu nói của những người này. Hành vi ấy làm cho người đọc lầm tưởng cho rằng những người trí thức này rất uyên thâm hay uyên bác, hay cũng xấp xỉ như thế. Như thế sẽ là con đường ngắn nhất để nâng hình ảnh của mình lên trong mắt mọi người.
Mình cho rằng điều đó không đúng. Mình không những học hỏi và trích dẫn câu nói hay những bậc vĩ nhân, những người nổi tiếng, mà ngay cả những người đương thời và thậm chí ngay cả những đứa học trò của mình. Không có gì phải xấu hổ khi phải che dấu cảm xúc.
Lão Tử có nói là mình nên sống thuận với tự nhiên, tức là thuận với thiên nhiên và chính mình. Ở đây, mình muốn nói là sống thuận với chính mình. Tiếng Anh hay nói là “be yourself”. Mình hãy cứ là mình, không cố gắng ghồng mình lên để làm cái gì đó quá sức, không phù hợp. Chuyện này giống như mình bận cái áo cái quần quá chật hay quá rộng. Khi sinh thời, nghệ sĩ Thanh Sang có nói: “Giọng của mình thì hợp với Thanh Nga”. Sau ngày nghệ sĩ lừng lẫy của chúng ta là cô Thanh Nga mất. Nghệ sĩ Thanh Sang đóng chung với nghệ sĩ Bạch Tuyết, mà giọng của cô Bạch Tuyết quá cao, cải lương chi bảo mà, ca ở quãng tám trở lên, cho nên Thanh Sang hát chung phải ráng hết sức, cố hết sức. Cái gì mà ráng, mà cố hết sức thì thường không còn hay. Nghệ sĩ huyền thoại Thanh Sang đã tâm sự điều này.
Mình thường đi tiệc, thấy một số người diện những bộ đồ quần áo hay đồ dùng đắt tiền hàng hiệu, nhưng khi họ mở miệng ra thì thua một người hàng xén; cách ăn uống, hành vi, cử chỉ, ánh nhìn và thái độ cư xử thì ngang tầm giới con buôn. Cốt cách là con vịt thì hãy là con vịt, chứ đừng bỗng chốc hóa thiên nga. Không một ai trách bạn khi bạn là con vịt. Sang trọng, quý phái, lịch lãm, trang nhã và thần thái là quá trình tích lũy theo năm tháng. Người thông minh và tinh ý sẽ dễ dàng nhận ra ngay tức thời. Lúc ấy, trước mắt họ, bạn rất là kịch cỡm. Vịt cũng không ra vịt, mà thiên nga cũng không ra thiên nga.
Có một văn sĩ cùng thời với mình, mà mình yêu quý văn thơ của cô ấy khi còn rất trẻ và cho đến tận bây giờ đó là Phan Thị Vàng Anh.
Phan Thị Vàng Anh sinh ngày năm 1968 tại Hà Nội, con gái của nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn Vũ Thị Hường. Chị tốt nghiệp đại học Y TPHCM năm 1993, hiện sống ở TPHCM, là hội viên hội nhà văn Việt Nam từ năm 1996. Năm 2005, chị được bầu làm ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 7.
Bài thơ “Mèo con đi học” do Phan Thị Vàng Anh viết năm 1975 từng được đưa vào sách tập đọc lớp một của Việt Nam
“Hôm nay trời nắng chang chang.
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì.
Chỉ mang một cái bút chì.
Và mang một mẩu bánh mì con con”
Tôi xin gửi đến bạn một chuyện “Rồi sẽ yêu ai?” của cô ấy để các bạn trẻ đừng bỏ qua cơ hội của mình, có thể chẳng bao giờ có lại.
———
Hoàn ơi, có thằng mết mày lắm đấy. Ở cùng tổ mày, nhà trên đường mày về. Mày đứng, nó ngồi thì cao bằng nhau – Cả bọn ngồi vắt vẻo trên lan can nhìn tôi chờ đợi.
– Tao biết rồi, thằng Tường chứ gì? Nó đáng tuổi em tao!
Tôi biết có nói cũng thừa. Giờ này trường vắng tanh. Văn phòng, căn tin đều đóng cửa. Thực tập xong, chúng tôi ở lại một chút để tán dóc. Con gái 19, 20, chuyện nào cũng quay về chuyện tình yêu. Tôi băn khoăn nhìn Lan và Xuân, không hiểu tụi nó nói đùa hay thật về cái tin lúc nãy nhỉ?
Tường nhỏ hơn tôi ba tuổi. Hôm qua là sinh nhật nó, tôi vào căng tin mua một gói me: “Mừng oắt con thêm một tuổi nhé”. Tường không cười, chăm chú nhìn gói me: “Sao lại không thêm được ba tuổi nhỉ”. Vì sao hôm qua tôi lại không nghĩ gì cả. Trong thâm tâm, tôi coi nó như em, con gái trong lớp cũng coi nó như em út.
Tôi đọc một quyển truyện nói về tình yêu giữa một cô bé và một người lớn tuổi. Vì chênh lệch nên họ xưng hô là “ông” và “em”. Khép sách lại, tự nhiên tôi nảy ra ý nghĩ vô cùng bất ngờ là mình phải có một người lớn để yêu và phải hơn tôi nhiều tuổi để có thể áp dụng cách xưng hô của truyện. Người ta bảo con gái hay coi thường con trai bằng tuổi, và tôi, tôi đã chán cái cảnh ngồi cãi nhau om lên với mấy thằng bạn trong lớp chỉ vì chép khác nhau một chữ trong bài.
Tôi hỏi mẹ: “Nếu bồ mình lớn tuổi quá thì mình gọi là ông, xưng là em hả”. Mẹ đang đếm tiền nên cáu: “Im đi, tao nhầm bây giờ. Mà mày bồ với người lớn làm gì? Ðể con rể là bạn của tao với ba mày à?”.
Sáng nay không có nắng, trời lại có vẻ muốn mưa. Gửi xe xong tôi đi vòng vòng qua cây thị xem may ra có nhặt được quả nào không. Tổ trực đêm qua đã vơ vét hết, chỉ để lại mấy quả nát bét trên sân. Ở sân hành lang, tôi gặp Tường, nó đi ngược lại, xòe năm ngón tay ngó ngoáy như định móc mắt tôi, cái miệng non choẹt méo qua một bên. Tôi bảo: “Thằng điên!”. Tường bỏ vào túi tôi một quả thị con rồi cùng đi vào giảng đường. Hai tiết đầu là Sinh Vật, tôi luôn luôn quên đem viết chì. Thầy Sinh vật chưa già nhưng dáng đi chậm chạp, các bạn của tôi gặp thầy đi chợ mua toàn những bó rau bé tí, phòng thầy ở trọ cũng bé tí. Tôi nghe kể bỗng thấy mũi mình cay cay. Lan ngồi cạnh tôi, mặt bé như con chuột con, chép miệng như một bà già: “Trí thức chân chính là khổ thế đấy!”. Tôi nhìn nó, phì cười, không hiểu cô ả học phong cách người lớn ấy ở đâu.
Tôi ở lại trường buổi trưa. Tất cả lên hành lang các phòng thực tập ngủ. Con gái ở lầu hai, con trai ở lầu bạ Ðôi khi có những cậu sinh viên lớ ngớ xuống nhầm lầu làm các cô nháo nhác như gà phát hiện ra trong chuồng mình có chuột. Ngủ dậy, ở vòi nước rửa mặt, tôi gặp Bảo. Bảo chờ tôi, nôn nóng:
– Ði uống nước, Hoàn!
– Sắp đến giờ rồi!.
– Còn mười phút nữa mà!
Bảo bằng tuổi tôi nhưng người lớn hơn, là một nhân viên chép bài hộ khi tôi nghỉ học. Nước chanh ở trường tôi rẻ và dở hơn bất cứ nơi đâu, vị ngọt của nó làm người ta càng khát hơn. Ở cuối căn tin, Tường ngồi với mấy đứa bạn, nhìn tôi buồn bã, miệng hút thuốc phì phèo. Bảo nói với tôi ra vẻ đàn anh: “Tường nó đang tập thở ra vòng tròn!”. Tôi không hiểu hút thuốc thì ngon lành gì nhỉ. Ở phòng thực tập, Tường úp mặt lên cái túi của tôi trông thảm não lắm. “Tường đau đầu hả, xin nghỉ đi!”. “Không, sao Hoàn lúc nào cũng muốn tôi nghỉ học?”. Tôi nhìn cái gáy trẻ con của nó, tóc có cái đuôi dế mèn, người ta bảo đây là dấu hiệu của trẻ con ăn tham. Tôi đi mượn dầu, dù biết rằng dầu chẳng có tác dụng gì trong việc này. “Thôi đi Hoàn, tôi có bệnh đâu mà cần dầu”. Tôi thừa hiểu cái giọng trách móc ấy nhưng cố giả ngu ngơ “Vậy Tường buồn khổ cái gì mà thảm vậy Ai làm khổ Tường?”. “Chẳng ai cả, tôi làm khổ tôi” rồi nó bỏ sang bàn thực tập bên cạnh. Tôi thắng 1- 0.
Hình như tôi đã có tình cảm gì đó dành cho Tường. Rất dịu dàng, mơ hồ… không thể hiểu nổi. Mặt Tường non choẹt, răng khểnh dùng vào việc nhe ra trêu tôi hơn làm dùng để cười duyên. Cả lớp hình như lờ mờ đoán ra, nhưng Tường chỉ bằng tuổi em tôi! Buổi chiều tôi, Xuân, Lan ngồi học bài trên hành lang dẫn vào thư quán. Một chỗ ngồi lý tưởng trên đầu là tàn me, nhìn xuống hồ cá như một quả tim xây theo kiểu tượng trưng. Ba đứa ngồi xa nhau để tránh nói chuyện. Chợt tôi nghe Lan rít lên nho nhỏ: “Em mày kìa Hoàn!” rồi tôi nghe rất rõ bước chân Tường đang tới gần, gần lắm rồi đi mất, không có gì thêm. “Sao kỳ vậy Hoàn, mày và nó giận nhau hả?”
– “Không, quen vậy rồi, xem kẽ một ngày là lơ, một ngày vồn vã, hai đứa điên mà!”. “Tếu vậy! Tụi mày làm vậy để làm gì?”. Tôi cũng chịu, không hiểu cả cái trò ú tim này dùng để làm gì. Có lẽ, cả tôi lẫn Tường đều sợ người kia đoán được tình cảm của mình cho nên có ngày, cả hai cùng vui quá mức, có ngày lại lạnh như tiền. Chị tôi bảo “Ðồ con nít!”. Tôi vặn lại: “Khi đi học, bà có vậy không! Bà chị tôi đanh mặt: “Tao không điên như mày!”. Có lẽ tôi điên thật!
Ban đêm, trường tôi như khác hẳn, vắng lặng. Tự nhiên xuất hiện mấy con mèo to tướng, mắt sáng quắc, chạy vụt trong sân tối. Tôi ngồi trên bệ tường, đằng sau là cây mận hương hoa ngai ngái dễ chịu; phiá dưới là vòi nước khóa không kỹ, nhỏ tí tách, tí tách. Tôi muốn ngồi một mình như thế này mãi không phải nói chuyện với ai, thở cái không khí mát mẻ, lạ lùng của ngôi trường ban đêm. Đêm nay, chúng tôi trực, không chè cháo vì trường sẽ cúp nước. Mỗi tổ viên mang theo một loại bánh kẹo để liên hoan chung.
Có tiếng chân bước lại, tôi biết là Tường nên quay mặt về phía sân trường nơi ánh sáng của mấy ngọn đèm nê-ông xanh xao hắt xuống. Quay đi như thế này sẽ làm tôi đỡ bối rối hơn. “Vô lâu chưa Hoàn?” – “Mới. Tường mới vào?” – “Ừ. Mệt quá!”. Sau cái câu muôn thuở đó, chúng tôi ngồi im. Ngày thường tôi vẫn hay tưởng tượng một hoàn cảnh như tối nay, ngồi cạnh Tường, tôi sẽ kể mọi thứ chuyện cho Tường nghe . Vậy mà lúc này, đầu óc tôi trống rỗng, bối rối cực độ . . .
Tường ngắt một cái lá mận, vò vò rồi đưa tôi: “Hoàn ngửi thử coi, giống như sắp được ăn mận vậy!”. Tôi cầm lấy và thấy bàn tay mình bị giữ lại một cách vụng về của trẻ con. Mọi ngày, tôi vẫn mong sẽ hiểu được tình cảm Tường giành cho tôi, yêu hay không yêu, đừng ú tim nữa.
Nhưng lúc này, một tiếng nói khác trong tôi, rã rời: “Thôi, thế là hết, chẳng còn gì là bí mật nữa!”. Tôi cười: “Tường còn trẻ con lắm, đừng bao giờ làm cái trò này nữa nhé!”. Mắt Tường bối rối rồi cụp xuống hối hận, cả tôi cũng hối hận ngay lúc đó. Tường bỏ ra bàn trực cách không xa nơi tôi ngồi. Hai phút sau đã nghe tiếng cười của Tường và tôi bắt đầu rối trí.
Ðêm trực đi qua, Tường hút thuốc và đánh cờ như mọi khi và tôi càng bối rối. Sáng ra, Tường lấy xe về trước, để tôi lại sau. Mặt Tường bình thản, còn tôi, tôi hối hận vì sao đêm qua, mình thốt ra cái câu điên rồ ấy . . . Có lẽ, chẳng bao giờ Tường tỏ tình lần thứ hai với tôi ?
Tôi mua những đặc san về tình yêu, không thấy hoàn cảnh nào như vậy . Mỗi sáng, tôi mong vào trường gặp lại Tường, nhìn quanh quất giảng đường, tìm cái dáng cao cao quen thuộc. Chiều nay, trời mưa và tôi buồn hơn. Tường không vào ôn bài nữa. Mặt Tường không tỏ vẻ buồn bã nhưng lạnh lùng, xã giao với tôi hơn xưa. Giờ thì đến lượt tôi khổ vì Tường, Tường không chào bằng những cái méo để tôi có thể mắng “Thằng điên” được nữa, bây giờ Tường gật đầu như người lớn chào nhau. Tôi đưa Tường cái kẹo. Tường cười: “Cảm ơn nhe!”. Tôi muốn vặn cổ hai chữ “cám ơn”.
Tôi hỏi mẹ: “Mẹ này, yêu người nhỏ tuổi hơn thì buồn lắm nhỉ!” – “Không biết, sao chẳng bao giờ mày hỏi về yêu cùng tuổi thì như thế nào, lúc thì đòi chơi với ông già lúc thì đòi chơi với trẻ con!” – “Không phải con mẹ ạ! Con bạn con . . .”
Mẹ ngủ rồi, tờ báo rơi bên cạnh. Ngày mai, tôi sẽ mua một quyển sổ làm nhật ký. Không thể tâm sự cùng ai những trò ấm ớ này.