Hiện trạng câu view bằng những dòng tít hay cố tình thể hiện thứ được gọi là “ý kiến cá nhân”, nhưng “sặc mùi súng đạn” khiến người người bất bình đã không còn xa lạ gì. Liệu bản chất con người là thế, hay mạng xã hội đã khiến họ biến chất?
Để bắt đầu, hãy thử nhìn lại hai vụ việc gây nhức nhối giới showbiz Việt nói riêng và trên toàn mạng xã hội Việt nói chung trong thời gian vừa qua. Đó là việc xuất hiện các group anti fan và chuyện nam gymer xúc phạm gia đình cố nghệ sĩ Chí Tài.
Anti fan có phải Anti fan?
Từ các group anti của Hương Giang, anti việc đi làm từ thiện của Thủy Tiên, để rồi các dạng group anti ngày càng mọc lên như “nấm sau mưa”.
- Một cú nhìn khiến người ta không hài lòng – anti.
- Một lần “trả treo” với những bình luận khiếm nhã – anti.
- Một video với góc quay gây hiểu nhầm và đã được người trong cuộc đính chính lại – vẫn anti.
Tóm lại, chỉ cần những người nổi tiếng có chút sơ hở là một loạt group anti được tạo ra. Nhưng thực sự có bao nhiêu chủ nhân của những group ấy là anti thật sự? Hay đây chỉ là một chiêu trò marketing, tạo group thu hút lượt người tham gia rồi “hô biến” thành một nhóm bán hàng? Dù với nguyên nhân nào, thì việc bán rẻ đạo đức rồi tỏ vẻ mình có đạo đức để làm tổn thương một ai đó, thực sự có đáng hay không?
Tổn thương người thân của người đã mất để quảng cáo?
Nếu bạn cảm thấy vụ group anti đã hơi nguội, thì tôi xin được đề cập đến một vụ việc khác: nam gymer quay livestream rồi xúc phạm đến gia đình cố nghệ sĩ Chí Tài.
Khi nỗi tiếc thương dành cho nghệ sĩ Chí Tài vẫn còn đó, thì bỗng dưng, nam gymer D.N , một người khá nổi tiếng trong cộng đồng gymer tại TP HCM lại thể hiện những lời trách móc tục tĩu với vợ cố nghệ sĩ.
Một trong những lời chất vấn của anh ta là: “Cho tôi cái lý do đưa Chí Tài sang Mỹ. Lúc sống thì không ở chung, vậy tại sao lúc mất lại đưa thi hài sang Mỹ?”.
Trước sức ép dư luận, anh ta thậm chí còn thể hiện mục đích thật sự: “Thời đến rồi đỡ không nổi. Chơi khúc cuối năm luôn. Phải biết lựa theo dòng nước, lựa nước đẩy thuyền. Lợi dụng gió để đẩy thuyền, quảng cáo sản phẩm, pr dịch vụ khéo khéo…”. Có lẽ, vụ việc này sẽ được lắng dần xuống sau một thời gian, từ khi anh ta đăng tải clip xin lỗi (nguyên nhân thực tế vì các nghệ sĩ làm quá căng). Chỉ còn lại đó sự tai tiếng với lượt theo dõi tăng cao và phần đạo đức bị anh ta đạp xuống dưới chân.
Có lẽ là vì…
– Những bài báo cũng cần view đạt KPI nên phải giật tít.
– Để nhiều người chú ý hơn, dễ dàng kiếm tiền bằng mạng xã hội, nên phải đi ngược số đông và gây tranh cãi.
– Câu chuyện tiêu cực thường thu hút dư luận hơn hẳn những điều tích cực.
– Chúng ta dễ dàng thích thú, thoải mái bằng việc được người ta chú ý, dù chỉ là những lời chửi rủa.
– Và dù sao, chỉ cần “mặt dày” một chút thì người bị tổn thương sẽ chẳng phải người gây ra chuyện.
Nhưng hỡi ôi…
– Bên cạnh chữ con là chữ người, liệu bạn đã sẵn sàng đánh đổi để chỉ lấy chữ con?
– Liệu mấy ai đi lên từ chiêu trò mà bền vững dài lâu?
– Truyền tải điều tiêu cực thì bạn có nhận lại điều tích cực?
– Rồi một ngày nào đó, khi bạn muốn trở lại với lương tâm, đạo đức của mình, việc rũ bỏ quá khứ có phải là điều đơn giản?
– Đạo đức, nhân phẩm của bạn là vô giá hay được tính dựa trên lượt view mạng xã hội?
Sẽ chẳng ai trả lời được những câu hỏi này trừ chính bạn. Lựa chọn con đường nào cũng là từ bạn mà ra. Bạn đã chọn lựa con đường yên bình, yêu thương để không hối hận hay vứt bỏ lương tâm của mình cho những phù phiếm và tiền bạc nhất thời?