Trên con đường trưởng thành của mỗi con người, sự có mặt của những người thầy là không thể thiếu. Trong đó có những người thầy cộc tính, cục súc nhưng lại mang đầy tình thương dành cho học sinh của mình. Và tôi cũng thế, những người thầy khó ưa đã mang lại cho bản thân tôi những bài học không thể nào quên được.
Nhớ lại năm lớp 8, khi đó tôi đang là một thằng nhóc “lêu hêu” vừa mới chuyển vào ngôi trường mới, thầy cô mới và bạn bè cũng mới, chính nơi ấy đã giúp tôi gặp được người thầy đầu tiên _ một người thầy cùng tuổi. “Ma cũ bắt nạt ma mới” là câu chuyện diễn ra rất phổ biến ở thời điểm bấy giờ, hơn nữa đối với ngôi trường mục nát này chính là cơ hội để tệ nạn xã hội phát triển vũ bão như những tế bào ung thư. Và tôi là nạn nhân “dễ xơi” nhất vì hội đủ hai yếu tố là “lạ nước lạ cái” và “thấp bé nhẹ cân”.
Từ đó, các anh lớn trong trường bắt đầu gây chuyện, mới đầu tôi “bật” lại nhưng sau vài trận đòn nhừ tử thì bản thân đã ngầm hiểu đó là những điều vô nghĩa. Chả có điều gì có thể khác được, thứ duy nhất có thể thay đổi là vết thương trên người nếu tôi vẫn còn chống trả. Như mọi ngày, các anh lớn bắt đầu thị uy trước mặt, nhưng tôi đã không “thái độ” như những lần trước, “gọi dạ, bảo vâng” tôi hành động như những thằng oắt con, thỏ đế trong lớp. Nhưng khi ta càng nhân nhượng thì bọn chúng càng lấn tới, đến nỗi mấy thằng tay sai cũng lên mặt và dạy đời. Nó rít điếu ba số một hơi thật sâu, rồi phà làn khói đó vào mặt tôi.
Nhưng trước khi bọn nó rời đi, “Bốp”, một thằng trong bọn bị tát ngã nhào, mấy thằng khác thì cũng túm quần rồi chạy. Đó là Sang, một đàn anh cũng có tiếng trong trường, tuy mới học lớp 8 nhưng mấy anh lớp 9 cũng nể nó vài phần, nó quen một lần ba, bốn em, nhổ nước bọt vào người khác và chửi thề cũng là sở thích của nó. Nó nhìn tôi một hồi rồi hẹn tôi trước cổng trường sau khi tan học.Tất nhiên, nó không quên chửi tục và “bốp” vào đầu tôi vài cái. Hoang mang! là từ duy nhất có thể diễn tả được cảm xúc tôi lúc đó.
Tùng tùng tùng! Cuối cùng cũng đến lúc ra về, nhưng trái với cảm giác vui sướng thì đó là cảm giác lo sợ. “Ra về gặp tao ở cổng trường” là câu nói chắc chắn 99% người nghe được sẽ bị một trận nhừ tử. Gặp Sang ở cổng trường, thay vì cây “hàng” trên tay và khuôn mặt lạnh lùng chuẩn bị ăn tươi nuốt sống tôi thì nó lại nở một nụ cười hiền hòa rồi dắt tôi qua quán nước bên đường. Mỗi thằng một ly xá xị, sau khi nói đủ thứ chuyện trên đời thì khi chuẩn bị đi về nó ngoảnh mặt lại rồi nói “Nếu mày thay đổi được thì thay đổi, nếu không thay đổi được thì nhịn nhục. Nếu mày muốn thì đi theo tao”. Đến giờ, đã 8 năm rồi tôi vẫn chưa trả lời nó,…
Nhớ đến năm lớp 9, năm học mang lại nhiều áp lực khi phải đối diện với kì thi lên Thpt, kì thi mang tính quyết định cuộc đời vào thời điểm đó trong mắt các phụ huynh. Và trong mắt tôi cũng thế, tôi không muốn ở trong một môi trường mà cứ ra về là đánh nhau trước cổng trường, tôi không muốn xung quanh là thuốc lá và rượu bia, hơn hết là tôi không muốn trở thành những con người như họ. Đó chính là lúc tôi bắt đầu gặp người thầy thứ hai, thầy Duẩn.
Thầy Duẩn là một giáo viên dạy toán có tiếng tại khu vực, tại thời điểm đó tất cả các học sinh khi được qua lò đào tạo thì đều đạt được kết quả cao trong kì thi lên Thpt. Đến nhà thầy, trước khi vào học thì tôi phải trải qua một bài kiểm tra. Khoảnh khắc lúc đó như là hằn sâu trong tâm trí, vì trước đến giờ tôi là người đầu tiên hoàn thành với số điểm dưới trung bình. Nhưng cuối cùng thầy cũng nhận sau một hơi thở dài.
Từ đó, tôi bắt đầu chăm chỉ hơn, hoàn thành tất cả bài tập về nhà nhưng sau 4 buổi học thì tôi nhận ra hôm nào bài tập cũng vậy, thậm chí thầy còn không thay đổi số liệu. Và điều lạ kì nhất là hôm nào thầy cũng kiểm tra bài tập về nhà. Kiên nhẫn làm bài, đến một tuần sau thì vẫn những bài tập đấy, không khác dù chỉ là một dấu phẩy. Tôi dám chắc thậm chí thầy còn không xóa phần bảng để ghi bài tập cho tôi suốt hai tuần. Nên tôi mới thắc mắc hỏi thầy, trái ngược với suy nghĩ của tôi là thầy sẽ đưa ra một lời giải thích nhưng cái tôi nhận lại được là “học thì học, không học thì về, đừng nhiều lời”. Tôi im lặng và vẫn quyết định học tiếp.
Một tháng sau, tôi vẫn học thầy, vẫn những bài tập đấy nhưng điều khác biệt chính là điểm thi học kì, tôi là người cao điểm nhất lớp. Sau khi trải qua cảm giác vui mừng như bao học sinh khác, tôi suy nghĩ về lý do làm nên điểm số vào lúc bấy giờ của tôi. Mọi thứ đều lẹt đẹt trước khi tôi đến học nhà thầy, tôi không nghĩ rằng sự thay đổi đến từ các bài tập mà thầy giao. Mà những bài tập thầy giao giúp tôi rèn luyện được sự kiên nhẫn, hay đơn giản hơn người dạy tôi là thầy Duẩn.
Nhân ngày 20/11 daklak.me xin chúc quý thầy cô giáo thật nhiều sức khỏe, theo những con đò mang đến thật nhiều tri thức cho học sinh. Mỗi người đều có những người thầy riêng của bản thân. Vì vậy, bạn hãy chia sẻ câu chuyện của mình cùng daklak.me nhé!
—TAD—
Nguồn ảnh: Sưu tầm.
>> Câu chuyện của bố “Để đó tao ăn, mày toàn để thừa”