Mặt trái của câu nói ‘Con hãy cố hết sức’

 Mặt trái của câu nói ‘Con hãy cố hết sức’

Ảnh: Shutterstock.

Bố mẹ thường nói “con hãy cố hết sức” để trẻ tự tin trước các nhiệm vụ khó song không phải đứa bé nào cũng thấy an tâm hơn.

Đôi lúc, câu nói nhằm mục đích hỗ trợ có thể phản tác dụng và tạo ra áp lực không mong muốn, nhất là với những đứa trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo.

Tiến sĩ tâm lý học Eileen Kennedy ở Princeton, New Jersey (Mỹ) từng gặp một nữ sinh trung học viết 15 trang tiểu luận dù giáo viên chỉ yêu cầu nộp ba trang. Cô bé chẳng thích thú gì chủ đề này nhưng gặp khó khăn trong việc kiểm soát tính cầu toàn và muốn “cố hết sức” theo lời bố mẹ.

“Thật không may, giáo viên đã cho nữ sinh này điểm A+, từ đó càng khuyến khích xu hướng làm gấp năm lần mức yêu cầu của cô bé”, tiến sĩ Kennedy kể lại.

Bài tiểu luận xuất sắc nhưng cái giá phải trả chẳng hề rẻ. Tốn hàng chục giờ để viết xong 15 trang giấy, nữ sinh ấy kiệt sức cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. “Rốt cuộc, cô bé ấy nhận được điều gì từ nỗ lực quá mức cần thiết của mình”, tiến sĩ Kennedy đặt câu hỏi.

Theo nữ chuyên gia, “hãy cố hết sức” là một câu nói có nhiều cách diễn giải. Phụ huynh mong muốn truyền đi thông điệp “con chỉ cần cố gắng là được” song đứa trẻ cầu toàn, hay lo lắng sẽ hiểu thành “con phải đạt kết quả tốt nhất có thể”. Do đó, đứa trẻ dồn mọi nỗ lực để tạo ra sản phẩm hoàn hảo và vô tình tự đẩy bản thân vào trạng thái quá tải. Đến lúc quá mệt mỏi, không còn sức để đạt được những gì mà chúng tự cho là “tốt nhất”, trẻ sẽ cảm thấy tuyệt vọng.

mẹ và trẻ
Ảnh: Shutterstock.

Những đứa trẻ cầu toàn, hay lo lắng nhìn nhận mọi công việc đều quan trọng và đòi hỏi nỗ lực như nhau. Tuy nhiên, không phải việc gì cũng cần cố hết sức.

Để trẻ không làm quá sức, phụ huynh nên hỏi con: “Công việc này đáng bao nhiêu thời gian?”. Nếu thấy thời gian trẻ đưa ra chưa hợp lý, bố mẹ hãy điều chỉnh và giúp con hoàn thành công việc trong thời gian đó.

Ngoài ra, bố mẹ có thể trò chuyện với con về quy luật hiệu suất giảm dần. Những nỗ lực đầu tiên thường mang tới lợi ích to lớn nhất. Ví dụ, việc trẻ nhặt hết quần áo rơi trên sàn sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn về mặt thị giác dù chỉ vài phút. Tuy nhiên, nếu con dành hàng giờ gấp từng cái áo, cái quần thật phẳng phiu thì vừa tốn thời gian mà lại không đem lại thêm lợi ích to lớn nào.

Người cầu toàn đôi khi rất khó hoàn thành công việc vì họ luôn luôn nghĩ còn nhiều điều phải làm để đạt kết quả tốt hơn. Nhưng thông thường, những nỗ lực đó chẳng tạo ra nhiều giá trị.

Với nhiều công việc, hoàn thành quan trọng hơn hoàn hảo. Đây cũng là điều mà trẻ em cần học bởi con người sẽ ít stress hơn nếu làm xong một việc thay vì vẫn còn hai nhiệm vụ dang dở.

Bố mẹ nên giảng giải cho con điều gì quan trọng và điều gì “có thì tốt, không cũng chẳng sao”. Phụ huynh cũng có thể đề cập đến những áp lực mà cả con lẫn người khác phải chịu nếu trẻ làm một việc quá lâu. “Đứa trẻ nhiều khả năng sẽ không yên tâm khi kết thúc một công việc ở mức độ vừa tốt chứ chưa hoàn hảo nhưng cuối cùng, nó sẽ nhận ra mọi thứ vẫn ổn và Trái Đất vẫn quay”, tiến sĩ Kennedy nói.

Tiến sĩ Kennedy cũng khuyên bố mẹ thay câu “hãy cố hết sức” bằng “hãy nỗ lực hợp lý”.

“Nỗ lực hợp lý” phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ mức độ quan trọng của nhiệm vụ, thời gian trẻ có đến các công việc khác và tâm trạng của trẻ. Nỗ lực hợp lý tức là đưa ra các lựa chọn khôn ngoan dựa trên thực tế chứ không phải tiêu chuẩn trong tưởng tượng của chủ nghĩa cầu toàn. Câu nói này sẽ dạy đứa trẻ nhận biết hoàn cảnh và điều chỉnh năng lượng của mình.

“Học cách sắp xếp thứ tự ưu tiên là một kỹ năng sống quan trọng”, tiến sĩ Kennedy nói. “Cần thời gian để trẻ học cách xác định thế nào là nỗ lực hợp lý, nhưng đó là con đường dẫn trẻ đến cuộc sống hạnh phúc và hiệu quả hơn”.

Thu Nguyệt (Theo Psychology Today)

HongLien

Related post