Lòng tự trọng
Hôm nay, mình kể cho các bạn nghe 3 câu chuyện về lòng tự trọng. Lòng tự trọng là một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người. Người có lòng tự trọng luôn giữ nhân cách và phẩm giá trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Mình xin bắt đầu từ câu chuyện trong gia đình (hai bát mì), kế đến là quốc gia (câu chuyện lịch sử) và cuối cùng là xã hội (bà cụ bán rau muống).
(1) Câu chuyện về lòng tự trọng về hai bát mì
Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách lạ, có thể đoán là một người cha và một người con. Người cha bị mù, người con trai đi bên cạnh ân cần dìu cha. Cậu con trai trạc mười tám, mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là một học sinh.
Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi. Cậu nói to: “Cho hai bát mì bò!”. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, khẽ bảo với tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi thắc mắc, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, tôi đoán cậu không đủ tiền, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười thông cảm với cậu.
Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, thương yêu chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội”. Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo lại sáng lên nụ cười ấm áp và mãn nguyện. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là người con trai không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, anh điềm nhiên nhận miếng thịt, rồi anh lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về bát mì của cha.
Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt”. Ông lão cảm động nói. Đứng bên cạnh họ, tôi chợt thấy tim mình thắt lại, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”. “Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò là bổ dưỡng lắm đấy con ạ”.
Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai thực khách đặc biệt. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò thơm phức, bà chủ đưa mắt ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thêm thịt bò.” Bà chủ dịu dàng bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai mỉm cười, không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa.
Chúng tôi âm thầm quan sát hai cha con ăn xong, tính tiền, rồi dõi mắt tiễn họ ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu dọn bát đĩa, chúng tôi bỗng nghe cậu kêu lên khe khẽ. Hoá ra, bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy xếp gọn, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò được viết trên bảng giá của cửa hàng.
(2) Câu chuyện lịch sử Việt Nam về tự trọng
Những câu chuyện lịch sử từ xa xưa đã nhắc đến nhiều vị vua quan có lòng tự trọng cao cả. Dám hy sinh cả thân mình để giữ danh dự cho đất nước. Điển hình phải kể đến Đình Nguyên Thám Hoa Giang Văn Minh (1573-1638). Ông được vua Lê Thần Tông (1608-1662) cử làm chánh sứ sang Trung Hoa cầu phong và tuế cống nhà Minh vào năm 1637 niên hiệu Dương Hòa thứ 3.
Vua Minh Tư Tông (明思宗) ngạo mạn ra một vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến giờ đã xanh rêu). Minh Tư Tông muốn nhắc đến tích xưa có chuyện Mã Viện chôn một chiếc cột đồng ở đâu đó từ thời Hán với chữ khắc trên cột “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy, Giao Chỉ mất). Ý nói Giao Chỉ vẫn luôn là thuộc quốc của Trung Hoa khi chiếc cột đồng Mã Viện trong tưởng tượng ấy vẫn còn. Thám Hoa Giang Văn Minh không hề nao núng đối đáp thẳng thừng: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Bạch Đằng từ xưa vẫn đỏ máu). Câu đối của Giang Văn Minh nhắc đến nỗi nhục của Trung Hoa đã ba lần đại bại trên sông Bạch Đằng khiến nước sông nhuộm đỏ máu giặc.
Tất nhiên, hoàng đế nhà Minh nuốt không trôi nỗi nhục này. Quân lính của Minh Tư Tông đã hành hình mổ bụng Giang Văn Minh. Vua Lê Thần Tông và Chúa Trịnh Tráng (1577-1657) đón linh cữu ông đã ban tặng bức trướng ghi dòng chữ “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
Lịch sử nhà Nguyễn rất gần với chúng ta còn có câu chuyện vua Tự Đức (1829-1883) xây cung Vạn Niên Cơ. Ông vua thi sĩ này đã tỉnh ngộ khi có loạn Chày Vôi chống lại triều đình hà khắc, phu phen khốn khổ, đói rét chết chóc rất nhiều. Dù đã dẹp được loạn Chày Vôi, vua Tự Đức vẫn làm một bài biểu để trần tình và tạ tội với dân chúng. Cuối cùng ông tự đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung. Và khi ông chết được chôn tại đây với tên gọi là Khiêm Lăng. Thân làm một vị vua của cả nước khi biết mình có sai lầm ông đã không ngần ngại công khai nhận lỗi. Đó chính là lòng tự trọng của các bậc đế vương.
(3) Câu chuyện “Bà cụ bán rau muống chết trong một chiều mưa gió”
Ăn rau không chú ơi ?
Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một bà cụ già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.
– Ăn hộ tôi mớ rau…!
Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa mới buổi sáng sớm.
Bần thần một lát rồi gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không bà ạ! Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm giác ấy gã quên rất nhanh. “Mình thương người thì ai thương mình” cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.
– Ăn hộ tôi mớ rau cô ơ i! Tiếng bà cụ yếu ớt.
– Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!
Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ.
Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:
– Rau này bà bán bao nhiêu?
– Hai nghìn một mớ. Bà cụ mừng rỡ.
Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.
– Sao chú mua nhiều thế?
– Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!
Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã.
Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.
Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ…
– Nghỉ thế đủ rồi đấy!
Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ. Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ. Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế. Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện. Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:
– Bà bán rau chết rồi.
– Bà cụ hay đi qua đây hả chị? Chị bán nước khẽ hỏi.
– Tội nghiệp bà cụ ! một giọng người đàn bà khác.
– Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh.
Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi. Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia… Gã không ngờ………!
Câu chuyện trên đây có thể thật, có thể không, nhưng bức ảnh rất thực. Một bức hình không thể nào tạo dựng được. Nhìn vào bức hình chúng ta thấy ngay một bà cụ già lụm khụm, lưng còng, tuổi đã quá lớn, ngồi ủ rủ bên lề đường với vốn liếng buôn bán chỉ là một nhúm rau.
Đọc qua, chúng ta thấy ngay câu chuyện xảy ra ở trong nước, người viết là người trong nước, và hẳn nhiên được phát đi từ trong nước. Câu chuyện này nói lên được điều gì?
Thứ nhất, bức hình nói lên được hiện thực một góc cạnh cuộc sống của xã hội VN ngày nay. Trong một xã hội nhiễu nhương và giàu nghèo quá cách biệt hiện nay, một bà lão tuổi đã quá cao, sức khoẻ không còn, cũng phải bươn chải buôn bán để mưu sinh thay vì được ở nhà hưởng tuổi già vui vầy cùng con cháu.
Thứ hai, câu chuyện nêu lên được cái vô tình, đưa ra được căn bệnh “vô cảm” đang hoành hành mãnh liệt trong xã hội VN ngày nay. Thấy một bà cụ tuổi đã quá lớn, đáng là bà ngoại bà nội của mình, còn phải tảo tần mua bán kiếm sống, vậy mà một cô gái qua đường đã không rung động được lòng nhân mà còn ong ỏng mắng “Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!”.
Thứ ba, bà cụ già tuy rất nghèo về vật chất nhưng giàu về chữ tín, lòng tự trọng, tính nhẫn nại và đức hy sinh. Rau đã bán và người thanh niên hứa cuối ngày sẽ trở lại lấy nên bà cụ già nhất mực ngồi chờ đợi dưới cơn mưa, không bỏ về và ai mua giúp cũng không bán. Có lẽ do vậy mà bà cụ bị cảm lạnh và qua đời.