Đám cưới không chú rể
Đám cưới không chú rể
Tác giả: Yang Zhensheng
Truyện ngắn “Ðám cưới không chú rể” phỏng theo một truyện Trung Hoa viết trong thập niên 1930, trong đó một thiếu nữ đã thành goá phụ trước khi về nhà chồng để được làm vợ. Theo tập tục tại một vài vùng của Trung Hoa, nếu một người con gái hứa hôn với một người đàn ông, và người đàn ông chết trước ngày cưới thì người con gái vẫn phải đi qua thủ tục hôn lễ, và vào sống trong nhà người đàn ông suốt đời như một goá phụ.
Cuộc đời của người trinh nữ góa phụ, tuy còn quá trẻ, nhưng rất cô đơn và lặng lẽ, có đáng tiếp tục đến tuổi bạc đầu không?
Ngay sau buổi trưa một ngày cuối thu, một vài đám mây lướt trôi ngang bầu trời, và ánh nắng mặt trời hắt sáng trên những đường phố đã được gió quét sạch sẽ rồi. Ðàn bà và trẻ con đứng trước cửa nhà, chuyện trò náo nhiệt. Cơn gió đưa lại tiếng kèn trống, rõ ràng và thê lương.
Một người đàn bà vươn cổ ra nhìn và nói, “Kìa, họ tới rồi.”
Một đám người lô nhô tiến lại gần, vác cờ quạt, đi theo một chiếc kiệu phủ dạ màu xanh. Một bài vị bằng gỗ đặt bên trong chiếc kiệu. Ðằng sau chiếc kiệu này còn một chiếc kiệu nữa, cũng phủ dạ xanh, có một người con gái khoảng 18 hoặc 19 tuổi. Nàng mặc một bộ tang phục. Hai đầu của một giải lụa đen quấn ngang đầu nàng lủng lẳng trên vai. Mặt người con gái xanh tái. Chỉ có đôi môi màu hồng là còn chút huyết sắc. Nàng ngồi im lặng, nhìn thẳng về phía trước, giống như một pho tượng bằng thạch cao.
Một người đàn bà chỉ vào chiếc kiệu thứ hai, và nói với một bà già:
– Ðó là con gái nhà họ Trương. Người ta nói chú rể chết vài tháng. Cô ta chưa bao giờ trông thấy chú rể.
– Ái dà! thật là một cô gái xinh đẹp. Không biết tại sao cha mẹ cô ta lại để cô ta như vậy?
Lời bình phẩm của bà già bị cắt ngang vì một cơn ho.
Một thằng bé ngẩng đầu hỏi mẹ: “Ðám ma phải không má?”
Bà mẹ vội mắng con: “Câm cái miệng. Người ta rước cô dâu về nhà đấy.”
Thằng bé hỏi tiếp: “Thế chú rể đâu?”
Bà mẹ bực mình rầy con: “Kia kìa, trong cái kiệu thứ nhất đấy.”
Thằng bé ngó nhìn và kinh ngạc. Nó đang định hỏi tiếp thì mẹ nó đã quay sang nói chuyện với người hàng xóm. Nó cúi xuống, trề môi, và lẩm bẩm:
– Chỉ có cái bài vị bằng gỗ thôi.
Khi đám rước dâu tới cổng của một dinh cơ lớn, hai người đàn ông mặc áo choàng dài trên mặc áo chẽn, bước ra và bưng cái bài vị trong chiếc kiệu thứ nhất vào nhà. Hai người đàn bà, mặc tang phục trắng, giúp cô dâu bước xuống. Tất cả thong thả tiến lên, cái bài vị bằng gỗ dẫn đầu, cô dâu đi sau cùng, một giải lụa đen buộc nối bài vị và cô dâu với nhau, cách xa khoảng ba thước. Trong khi ban nhạc thổi điệu nhạc thê lương buồn thảm, cô dâu và chiếc bài vị đứng song song với nhau trên một tấm thảm màu xanh. Chiếc bài vị bên trái và cô dâu bên phải và cùng vái thiên địa, rồi vái lậy trong nhà từ đường; sau đó vào phòng khách vái chào cha mẹ chú rể. Rồi cùng với bài vị dẫn đường, cô dâu đi theo, vẫn còn nối liền với nhau bằng sợi giây lụa đen, cả hai được dẫn vào phòng tân hôn.
Ngay khi bước vào phòng tân hôn, họ đụng ngay cái bàn thờ. Tấm bài vị của chú rể được đặt thật ngay ngắn trên bàn thờ. Một ngọn đèn dầu lắt lay, tỏa ra một thứ ánh sáng le lói màu xanh, đặt ngay trước bài vị. Một tấm vải trắng phủ cái khung giường bằng đồng bên cạnh cửa sổ. Hai chiếc áo gối thêu hình một con vịt đực và một con vịt cái màu nâu nhạt, theo đúng truyền thống.
Khuya đêm đó khi tất cả đã im lặng, cô dâu ngồi trên một cái ghế bên cạnh tấm bài vị và ngó nhìn chiếc giường. Một cơn gió tây thổi xuyên qua cửa sổ, khiến cho ngọn đèn ngả nghiêng và bốc ra một làn khói đen, bay lên như một cái bóng đen. Bên ngoài, khóm tre xào xạc rên rỉ.
Một buổi chiều vào cuối mùa xuân năm sau, cô dâu bừng tỉnh sau một giấc ngủ trưa, và đi dạo trong hoa viên. Không khí tràn đầy hương thơm của hoa cỏ. Hai đùi nàng cảm thấy êm ái dễ chịu và thoải mái. Những đám lông tơ của cây liễu lăn cuộn lại trên mặt đất thành những trái banh. Những con bướm giật mình bay bổng lên từng đôi từ những bông hoa, và nhởn nhơ trước mặt nàng.
Nàng lơ đãng nhặt vài sợi giây leo của cây liễu, ngồi xuống bên cạnh một tảng đá trong khu vườn để đan kết một cái gì. Nhưng nàng cũng chưa nghĩ là nên đan kết cái gì.
Nàng nhìn những bông hoa mẫu đơn. Những bông hoa này đã rụng phân nửa những cánh hoa rồi. Những cánh hoa còn lại dính hờ hững vào đài hoa, sẵn sàng làm mồi cho bất cứ một làn gió nào. Một đôi chim sẻ gục vào nhau trên những cánh hoa rụng, mổ lông, rồi vừa rỉa lông cho nhau vừa kêu gù gù trong ánh sáng của mặt trời hoàng hôn. Hai con sóc nhảy từ cành xuống, khiến hai con chim bay vùng lên, cánh vẫy tung lên những cánh hoa tàn. Hai con sóc cũng kêu ríu rít nhảy đi nơi khác.
Trở về với thực tại, người con gái thấy nàng đã bẻ vụn mấy giây tơ của cây liễu thành từng mẩu vụn. Những mẩu vụn ấy rơi rải rác trên mặt đất. Nàng đứng dậy, kéo thẳng quần áo, và lơ đãng đi trở về phòng ngủ. Mặt nàng cảm thấy nóng ran. Nàng nhìn vào gương. Mặt nàng hiện lên những chấm trắng và hồng. Hai gò má nàng là hai bông hoa, màu đỏ ửng. Nàng bước lùi lại vài bước, và ngồi xuống một chiếc ghế. Nàng bâng khuâng nhìn lên chiếc bài vị bằng gỗ.
Sáng hôm sau, người góa phụ trẻ không bước ra khỏi phòng, ngay cả lúc ánh sáng mặt trời đã rọi lên cửa sổ. Người đầy tớ gái mấy lần bưng nước cho nàng tắm rửa buổi sáng, nhưng phòng nàng vẫn còn khóa kín. Bên trong không một tiếng động. Người tớ gái sinh nghi và nhòm vào qua cửa sổ. Cảnh bên trong khiến người tớ gái hoảng sợ không nói nên lời. Hai mắt trợn trừng, người tớ gái chạy về phòng của Lý phu nhân, mẹ của chú rể đã chết.
Phải mất một lúc người tớ gái mới thốt ra được, “Thiếu nương đã treo cổ tự tử rồi.”