Với Facebook, bạn là sản phẩm chứ không phải khách hàng.
Nhà lý luận truyền thông, tác giả Douglas Rushkoff là một trong những người đầu tiên chỉ ra điều này vào năm 2011. Ông chứng minh rằng mục tiêu của bất kỳ nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội nào là càng có nhiều nội dung do người dùng tạo ra càng tốt. Bởi càng nhiều post, ảnh, video, càng nhiều người like, share, bình luận, càng nhiều sự chú ý của bạn, càng nhiều quảng cáo. Và giá quảng cáo càng cao.
Facebook và Google chiếm tới hơn 60% thị phần quảng cáo trên thế giới. Những tỷ đô la họ có được là nhờ hàng tiếng lướt mạng mỗi ngày của chúng ta. Không có bữa ăn nào miễn phí.
Khách quan mà nói, mạng xã hội đem đến nhiều lợi ích cho ta trong việc kết nối, kinh doanh, làm việc, học tập. Nhưng ở chiều ngược lại, nó có thể gây thù ghét, kỳ thị, tổn thương, bất đồng và bất công.
Vào nửa đêm hồi tháng ba năm ngoái, tôi đã lo lắng lần mò xem mình thuộc thế hệ F mấy liên quan đến một bệnh nhân Covid-19.
Tôi đã tham gia một khoá học. Trong trường, nơi khóa học diễn ra, có người tiếp xúc với bệnh nhân 21. Những người tiếp xúc gần vị này đã được cách ly và xét nghiệm.
Với xác suất nào đó, nếu người tiếp xúc gần bệnh nhân 21 bị dương tính với virus (tạm gọi là F1), F1 tiếp xúc với F2 trong trường. Và như một vòng quanh khuôn viên trường, tôi có thể “bị”. Với lo lắng như vậy, tôi lên mạng tìm kiếm thông tin về ca bệnh.
Mặc dù sau đó tôi có thể đi ngủ bởi theo danh sách những người từng tiếp xúc bệnh nhân 21, còn rất xa mới tới tôi. Nhưng tôi không khỏi lăn tăn. Danh tính, chi tiết nhân thân, địa chỉ nhà riêng của hàng trăm người liên quan tới bệnh nhân 21 được phát tán rộng rãi trên Facebook với sự phẫn nộ của cộng đồng, trong khi thiếu vắng thông tin cần thiết để giúp người có nguy cơ nhiễm bệnh an tâm hơn.
Trong khủng hoảng, dịch bệnh và các hoàn cảnh khẩn cấp hay cực đoan, thông tin trên mạng xã hội và cách nó vận hành có thể tạo ra các khủng hoảng tâm lý, chia rẽ và bất bình đẳng với những nhóm người khác nhau.
Nhìn rộng ra, thời đại Internet chúng ta đang sống có tính kết nối cao. Nó giúp những người cùng quan điểm tìm thấy nhau. Nhưng ngược lại, bạn có thông tin, hình ảnh về cá nhân tôi, bạn có thể đưa nó lên mạng xã hội, khiến tôi bị bôi nhọ và hiểu lầm, tẩy chay và thù ghét ngay lập tức.
Hay dù bạn không biết tôi ở ngoài đời, chỉ cần bạn không thích một post của tôi trên Facebook, bạn có thể “báo cáo” tôi. Chưa cần bạn điều tra xem tôi là ai để đi báo cáo chính quyền về việc tôi làm, nếu nhà cung cấp nền tảng – tức Facebook – thấy nội dung của tôi vi phạm quy chuẩn cộng đồng như phát ngôn gây thù ghét hay tin giả, trang của tôi có thể bị khoá, thậm chí tôi có thể bị loại khỏi sân chơi.
Những gã khổng lồ công nghệ Twitter, Facebook, Google, Youtube đã thực hiện một loạt động thái để loại bỏ nội dung xấu bởi bất kỳ người dùng nào, bao gồm cả tổng thống Mỹ Donald Trump sau vụ bạo động ở Điện Capitol tuần trước. Luật chơi hôm nay ngày càng phụ thuộc vào người nắm giữ công tắc và vận hành sân chơi dù bạn giữ vị trí xã hội gì ngoài đời thật.
Vai trò của các công ty công nghệ trong thế giới ta đang sống đã không thể đảo ngược. Họ tạo ra sân chơi, can thiệp vào luật chơi, có thể làm thay đổi cách chúng ta tiếp nhận thông tin và suy nghĩ, hành động. Mạng xã hội thậm chí thay đổi cách điều hành của các chính phủ. Chính vì vậy mà mối quan hệ chéo giữa ba bên: công dân số, các nhà cung cấp nền tảng và các chính phủ ngày càng trở nên phức tạp.
Đầu năm 2020, cơ quan chức năng thống kê có khoảng 800 tài khoản mạng xã hội tung tin giả về Covid-19 tại Việt Nam, và nó tác động nhất định tới tâm lý cộng đồng. Và nhiều tháng qua, ta đã chứng kiến sự lan truyền của phát ngôn gây thù ghét, thông tin sai lệch và thuyết âm mưu về hai chủ đề lớn nhất: đại dịch và chính trị.
Tương lai của sức khỏe cộng đồng, quyền riêng tư, sức cạnh tranh trong kinh doanh và cả sự ổn định chính trị của chúng ta phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có trách nhiệm quan trọng của các nhà cung cấp nền tảng. Đầu tiên, nếu không nghĩ tới việc tạo ra môi trường số lành mạnh, họ sẽ phải trả giá về uy tín và lợi nhuận. Nhưng nếu các chính phủ không kêu gọi và đưa ra quy tắc đầy đủ, phù hợp về trách nhiệm của các nhà cung cấp nền tảng, thông tin trên mạng có thể tiếp tục bị vũ khí hoá.
Làm sao tạo ra được môi trường thông tin trực tuyến lành mạnh phục vụ lợi ích công? Ở đó, mọi công dân số được bảo vệ quyền lợi, an toàn và đối xử công bằng?
Thứ nhất, về mặt lý thuyết, chính phủ không có lựa chọn nào khác là phải hiểu người dân của mình và tương tác tích cực với họ trên nền tảng này. “Tích cực” tức là không có hành vi gây bất nhất và nghi ngờ lẫn nhau giữa mọi người. Sử dụng mạng xã hội thận trọng sẽ giúp chính phủ đưa được thông tin chính xác đến người dân.
Thứ hai, như Philip Strong, giáo sư Y tế công cộng và chính sách, trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London kết luận, tâm lý lo sợ của con người không nằm trong bản thân mối đe doạ mà ở sự mong manh của các tương tác xã hội. Trước nội dung xấu, thông tin tốt và kịp thời luôn hiệu quả nhất.
Tôi tin thông tin đầy đủ và đáng tin cậy từ chính phủ rất quan trọng trong việc đẩy lùi tin giả, tin xấu, trấn an xã hội. Và sự lấp đầy các khoảng trống về luật lệ cùng cách áp dụng luật của chính quyền với nhà cung cấp nền tảng và các công dân số có thể tạo dựng công lý trên không gian mạng.
Phạm Hải Chung