trẻ em và điện thoại

Con trẻ, bố mẹ và chiếc điện thoại!

“Nếu con không ăn, lát mẹ không cho con chơi điện thoại đâu”. Chị họ tôi khẽ cau mày, “đe dọa” đứa nhỏ đang ngúng nguẩy với bát cơm của mình. Tôi thở dài khó hiểu. Từ bao giờ điện thoại biến thành đồ vật quan trọng để người lớn đem ra trao đổi khi muốn bắt con mình làm việc gì đó?

Ưu điểm của việc cho trẻ dùng điện thoại từ sớm

Những chiếc smartphone đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại. Chúng là một “người bạn đồng hành” không thể thiếu của người lớn, dư sức cân vai “bảo mẫu bất đắc dĩ”, giúp bố mẹ trông coi những đứa trẻ.

Thậm chí, so với bảo mẫu, điện thoại còn có vài phần trội hơn. Bảo mẫu phải vất vả lắm mới khiến trẻ ngồi im. Cũng không đủ sức nặng để được đem ra làm điều kiện trao đổi với trẻ. Trong khi một chiếc điện thoại hoàn toàn đủ khả năng làm việc này. Mỗi khi bố mẹ muốn nghỉ ngơi, chỉ cần quăng cho con trẻ một chiếc điện thoại là xong!

Làm quen với smartphone giúp trẻ dễ dàng làm quen với sự phát triển của công nghệ. Các thông tin, tài liệu quý giá cũng có thể tìm thấy qua google, youtube,… Điện thoại còn là cầu nối giúp bố mẹ định vị, liên lạc được với con ngay khi cần.

Thế nhưng, tác hại cũng thật khôn lường…

Dường như vì quá nhiều điểm lợi, đặc biệt là tiện cho bố mẹ mà các bậc phụ huynh đã quên đi mất những tác hại đi kèm.

Đầu tiên là phải kể đến sóng bức xạ từ điện thoại có thể gây ung thư cho con người. Theo WHO thì trẻ em có thể hấp thụ loại sóng này nhiều hơn người lớn đến 60%. Sử dụng điện thoại lâu ngày cũng khiến suy giảm khả năng tập trung ở trẻ, khiến trẻ mắc các bệnh về mắt như nhức mắt, khô giác mạc, cận thị,…

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, những đứa trẻ dành quá nhiều thời gian cho điện thoại thường sẽ trầm tính, không thích, thậm chí là ngại giao tiếp với mọi người.

Nhưng đó chưa phải là những tác hại lớn nhất. Thứ nguy hiểm hơn nữa chính là thông tin mà bọn trẻ nhận được. “Thượng vàng hạ cám” đủ thể loại đều có mặt trên mạng internet. Trẻ nhỏ lại có khả năng học hỏi cực nhanh mà vẫn chưa thể phân biệt đâu là đúng sai. Những thông tin sai lệch, những video bạo lực, những hành động tiêu cực,… tất cả đều có thể khiến con trẻ học theo.

Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện thương tâm tại TP HCM cách đây vài tháng, khi một cô bé 5 tuổi vì học theo video hướng dẫn treo cổ trên Youtube mà đã vĩnh viễn ra đi. Đến lúc người thân hối hận vì sự lơ là của mình thì đã quá muộn. Đây chỉ là một trong vô số câu chuyện, là minh chứng, là hậu quả của việc cho trẻ dùng điện thoại quá sớm. Ngay đến người lớn đôi khi còn ngây ngốc, tiếp nhận các thông tin sai lệch. Vậy thì những đứa trẻ, tự hỏi làm sao đủ khả năng phân biệt đúng sai?

Vậy có nên cho trẻ sử dụng điện thoại?

Câu trả lời vẫn là có. Tuy nhiên, phụ huynh cần phải cân nhắc độ tuổi khi cho trẻ cầm điện thoại. Theo tiến sĩ Mark L. Goldstein – nhà tâm lý học ở Chicago, bố mẹ có thể cho trẻ làm quen với điện thoại từ lúc 8 – 10 tuổi. Nhưng độ tuổi phù hợp nhất vẫn là từ 13 đến 17 tuổi.

Khi trẻ dưới 2 tuổi, tuyệt đối không nên để trẻ dùng điện thoại hay những thiết bị công nghệ khác. Trẻ từ 3 đến 12 tuổi có thể dùng điện thoại từ 1 – 2 giờ/ ngày và chỉ xem các chương trình dưới sự giám sát của phụ huynh. Hãy tích cực khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa thay vì sống phụ thuộc vào smartphone.

Tuy nói vậy, nhưng liệu có mấy người có thể làm được? Liệu căn nhà của bạn có đang rơi vào tình trạng dù bố mẹ ở bên nhưng con một chiếc điện thoại, bố mẹ một chiếc điện thoại khác?

Nuôi con không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu thương. Vì vậy, đừng đem sự tiện lợi, không có thời gian làm cái cớ để buông lỏng sự giáo dục cho trẻ.

 

Exit mobile version