Băng tan vỡ ở Nam cực
Các nghiên cứu khoa học đã ghi nhận rằng, các sông băng ở khu vực phía Tây của Nam Cực đang tan chảy từ bên dưới do chịu sự tác động của các dòng biển ấm chảy qua.
Các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý tới khu vực Tây Nam Cực và nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Geoscience (Mỹ) của họ cho thấy, băng tan chảy chính là hệ quả của sự xâm nhập của dòng nước ấm.
Trong nghiên cứu của mình, nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Colorado (Mỹ) ghi nhận rằng, nước biển ấm đang phá hoại vùng băng Tây Nam Cực từ bên dưới và làm suy yếu những thềm băng ở đó, làm cho băng vỡ dần ra. Các thềm băng thường dày tới hàng trăm mét, nhưng chúng nổi trên mặt nước. Do đó, nước biển ấm đang gặm nhấm từ từ phía dưới các thềm băng, tạo ra những khe và hang sâu từ 50 đến 250m theo chiều thẳng đứng. Nguyên nhân là dòng nước ấm chảy như dòng sông lộn ngược, thay vì chảy xuống dưới thấp, dòng nước ấm chảy ngược lên trên, do nước ấm nhẹ hơn nước lạnh.
Những khe nước ấm này rất lớn, mặc dù ẩn bên dưới khối băng rất dày nhưng chúng vẫn có thể được vệ tinh phát hiện từ trên cao, do chúng gây áp lực lên tận bề mặt khối băng. Các khe này được phát hiện ở nhiều nơi ở Nam Cực, nhưng nhóm nghiên cứu cho biết khu vực Tây Nam Cực có mật độ khe nứt dày nhất.
Hiện nay, khu vực Nam Cực đang ngày càng ấm lên và các nhà khoa học sẽ phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ hiện tượng này trong những năm tới.