Đôi điều về tác giả
-Các tác phẩm của ông mang sự mỉa mai châm biếm, kết cấu “ngoại lai”, đầy tính triết lý, sự tưởng tượng vô cùng sinh động và phong cách cổ điển tinh tế.
-Chủ đề thường thấy nhất trong các tác phẩm của Atsushi là mối ngờ vực bản thân, nghiên cứu triết học về ý nghĩa của cuộc sống, sự chia ly, thuyết sinh tồn, sự tàn nhẫn và không thể tránh thoát của số phận, bên cạnh những chủ đề khác nữa.
————————————
Ở thành phố Hàm Đan, thủ phủ nước Triệu thuộc Trung Hoa cổ đại, có một người tên là Ngật Trường mang hoài bão trở thành tay cung cừ nhất thế giới. Sau bao lần thăm hỏi, anh ta biết chắc rằng người thầy giỏi nhất nước là Ủy Phi. Nghe đồn tài bắn cung của bậc thầy này siêu đẳng đến mức cách trăm bước, ông có thể phóng cả bó tên trúng một cái lá liễu. Ngật Trường lặn lội đến tận cái tỉnh xa xôi nơi Ủy Phi sống và trở thành học trò ông.
Đầu tiên, Ủy Phi bảo anh ta phải học làm sao không chớp mắt. Ngật Trường trở về và bước vào nhà là chui liền xuống dưới khung cửi của vợ, nằm ngửa ra đó. Kế hoạch của anh ta là nhìn chằm chằm không chớp mắt vào cái bàn đạp lên lên, xuống xuống thoăn thoắt ngay trước mặt anh. Người vợ kinh ngạc thấy anh trong tư thế ấy, nói nàng không thể dệt được khi có một người đàn ông, dù là chồng mình, nhìn ngó từ một góc độ kỳ lạ như thế. Tuy nhiên, nàng vẫn buộc phải đạp bàn đạp mặc dầu rất bối rối.
Ngày lại ngày, Ngật Trường chiếm lĩnh cái vị trí kỳ thú của anh ta với khung dệt và tập nhìn. Sau hai năm, anh đạt tới trình độ không chớp mắt ngay cả khi bàn đạp vướng vào lông mi. Cuối cùng khi Ngật Trường từ khung cửi bò ra lần cuối cùng, anh ta nhận ra rằng công phu kỷ luật trường kỳ của mình đã có hiệu quả. Không có gì có thể làm anh ta nháy mắt được, một đòn đánh vào mi mắt, hoặc một tia lửa, hoặc một đám bụi thình lình bốc lên ngay trước mặt đều vô hiệu. Anh ta đã luyện cho cơ mắt bất động triệt để đến nỗi ngay cả khi ngủ, mắt anh vẫn mở trừng trừng. Một hôm, anh đang ngồi nhìn về phía trước, một con nhện nhỏ đã giăng tơ giữa hàng lông mi anh. Rút cục, bây giờ anh cảm thấy đủ tự tin để đến trình diện thầy.
“Biết làm sao cho khỏi chớp mắt chỉ là bước đầu”, Ủy Phi nói khi Ngật Trường sôi nổi kể lại sự tiến bộ của mình. “Tiếp đây, con phải học nhìn. Con hãy tập nhìn vào các vật và đến khi nào cái gì li ti trở nên rõ mồn một và cái gì bé nhỏ dường như trở thành đồ sộ thì hãy đến thăm ta một lần nữa”.
Ngật Trường lại trở về nhà. Lần này, anh ra vườn, tìm một con sâu bé tí tẹo. Khi tìm thấy một con hầu như không nhìn thấy bằng mắt trần, anh đặt nó lên một lá cỏ, treo lên cạnh cửa sổ thư phòng. Rồi, cắm vị trí ở cuối phòng, anh ngồi đó hết ngày này sang ngày khác, nhìn trân trân vào con bọ. Mới đầu, anh hầu như không thấy nó, nhưng sau mười hôm anh bắt đầu mường tượng là nó to ra chút xíu. Đến cuối tháng thứ ba, nó như đã phình ra bằng con tằm và anh có thể nhận ra những chi tiết trên mình nó.
Trong khi ngồi nhìn chăm chú vào con sâu, Ngật Trường hầu như chẳng để ý gì đến những lúc chuyển mùa, nắng xuân long lanh chuyển thành ánh hè chói chang; chẳng bao lâu ngỗng trời bay ngang bầu trời thu trong vắt, rồi đến lượt mùa thu lại nhường chỗ cho mùa đông xám xịt đầy mưa tuyết. Dường như không có gì tồn tại ngoài con vật nhỏ trên lá cỏ. Cứ mỗi con sâu chết hoặc biến mất, anh ta lại sai tiểu đồng thay bằng con sâu khác cũng nhỏ li ti như thế. Nhưng dưới mắt anh, chúng đều không ngừng to ra.
Trong ba năm, anh hầu như không rời khỏi thư phòng. Rồi một ngày kia, anh thấy con sâu bên cửa sổ to bằng con ngựa. “Ta đã thành công!”, anh vỗ đầu gối kêu lên, và vừa nói vậy anh vừa hối hả ra khỏi nhà. Anh gần như không thể tin ở mắt mình nữa. Ngựa lớn tày núi, lợn to như đồi và gà thì bằng chòi canh lâu đài. Nhảy cẫng lên mừng rỡ, anh chạy về nhà lập tức lắp một mũi tên Shuo Piêng rất mảnh vào một cây cung. Anh ngắm và bắn xuyên tim con bọ mà không đụng vào nhánh cỏ. Anh vội đến trình diện Ủy Phi không chậm trễ. Lần này, ông thầy khen: “Tốt!”.
Từ khi Ngật Trường lao vào tìm hiểu những bí ẩn của nghề cung đến nay đã được 5 năm và anh cảm thấy sự rèn luyện nghiêm ngặt của mình đã đơm hoa kết quả. Giờ đây, không một thành tích xạ điêu nào là quá sức anh. Để khẳng định điều đó, anh tự đề ra một loạt khảo nghiệm gay go trước khi trở về nhà.
Thoạt tiên, anh ta quyết định thi đua với thành tích của chính Ủy Phi và cách một trăm thước, anh bắn đạt hoàn toàn, mũi tên nào cũng xuyên qua chiếc lá liễu. Mấy ngày sau, anh dùng cây cung nặng nhất và đặt một cốc nước đầy tới miệng trên khuỷu tay phải cho cân; không một giọt nước nào trào ra và một lần nữa, mọi phát tên đều trúng đích.
Tuần sau, anh lấy một trăm mũi tên nhẹ và bắn liên tiếp thật nhanh vào một mục tiêu ở xa. Phát đầu trúng giữa hồng tâm, phát thứ hai xuyên trúng vào cuống mũi tên đầu; phát thứ ba vào cuống mũi tên thứ hai; và cứ thế tiếp tục cho đến khi, nháy mắt, cả trăm mũi tên nối thành một đường thẳng tắp duy nhất từ mục tiêu đến chính cây cung. Anh ngắm trúng đến nỗi, bắn xong rồi, chuỗi tên dài dặc chưa kịp rơi xuống đất, mà vẫn còn rung rung trong không trung. Bấy giờ, ngay cả sư phụ Ủy Phi đứng bên theo dõi cũng không dưng được vỗ tay reo lên: “Hoan hô!”.
Cuối cùng, sau hai tháng, khi Ngật Trường về nhà, người vợ bực về nỗi bao lâu bị bỏ mặc, bắt đầu rầy la chồng. Với ý đồ sửa cái thói lăng loàn của nàng, Ngật Trường nhanh nhẹn lắp một mũi tên Chi Wei vào một cây ô cung, kéo dây căng đến hết mức và bắn sát sạt vào phía trên mắt nàng. Mũi tên rứt đi ba sợi lông mi, nhưng tốc độ nó bay quá nhanh và độ ngắm đảm bảo đến nỗi nàng không hề biết có chuyện gì xảy ra và, thậm chí không chớp mắt, vẫn tiếp tục cự nự chồng.
Ngật Trường không còn gì phải học ở ông thầy Ủy Phi nữa. Xem ra anh đã gần đạt đến chỗ thực hiện tham vọng của mình.
Tuy nhiên, vẫn còn một trở ngại là anh nhận ra với một cái giật thót khó chịu: trở ngại ấy chính là bản thân Ủy Phi. Chừng nào sư phụ còn sống thì Ngật Trường chưa thể tự xưng là tay cung lỗi lạc nhất thế giới. Tuy hiện nay anh đã bằng Ủy Phi trong nghề cung, song anh cảm thấy chắc chắn là không bao giờ anh có thể trội hơn ông. Cuộc sống của con người ấy thường xuyên ngăn anh đạt tới cái đích lớn của anh.
Một hôm, đi dạo qua cánh đồng, Ngật Trường chợt thấy Ủy Phi đằng xa. Không lưỡng lự một giây, anh giơ cung lên, lắp tên và ngắm bắn. Tuy nhiên, ông thầy già đã cảm thấy điều đang xảy ra và nhanh như chớp, cũng lắp một mũi tên vào cung của mình. Hai người bắn cùng một lúc. Hai mũi tên đụng vào nhau giữa đường và cùng rơi xuống đất. Ngật Trường lập tức bắn một mũi tên khác, nhưng nó lại bị chặn ở lưng chừng bởi một mũi tên cực kỳ chính xác từ cánh cung của Ủy Phi. Cứ thế, cuộc song đấu kỳ lạ ấy tiếp diễn cho đến lúc bao đựng tên của vị sư phụ hết nhẵn, trong khi tên đồ đệ hãy còn một mũi. “Dịp may của ta đây rồi!” Ngật Trường lẩm bẩm và không chậm trễ, ngắm phát cuối cùng. Thấy vậy, Ủy Phi liền bẻ một nhánh ở bụi gai cạnh ông. Trong khi mũi tên veo véo nhằm thẳng tim ông lao tới, ông búng một mũi gai khiến mũi tên rơi xuống chân mình.
Nhận thấy âm mưu xấu xa của mình đã thất bại, Ngật Trường thấy lòng tràn đầy hối hận, điều mà, nói thật ra hẳn anh sẽ không hề cảm thấy nếu như một trong những mũi tên của anh bắn trúng vào chỗ đã định. Về phía mình, Ủy Phi cũng nhẹ hẳn người vì thoát chết và hết sức hài lòng với bằng chứng mới nhất về tài nghệ tuyệt kỹ của chính mình đến nỗi ông không còn bụng nào mà giận dữ kẻ suýt nữa đã sát hại ông. Hai thầy trò chạy lại ôm lấy nhau với những giọt nước mắt thành tâm.
[Cung cách thời xưa quả là kỳ dị làm sao! Ngày nay, liệu ai có thể quan niệm lối xử sự như thế được? Trái tim người xưa chắc hẳn phải khác trái tim chúng ta hoàn toàn. Nếu không thì làm sao có thể cắt nghĩa được rằng, một buổi tối, khi Tề Hoàn Công đòi ăn một thứ mỹ vị mới, viên Thái tể trông nom bếp của hoàng gia đã nướng luôn con trai mình, mời Tề Hoàng Công nếm thử; hoặc rằng gã thiếu niên 15 tuổi, sau này là Hoàng đế thứ nhất của nhà Tần, đã chẳng chút áy náy, ngay đêm vua cha chết đã làm tình ba lần với cung phi sủng ái nhất của ông già?]
Trong khi ôm hôn tha thứ cho tên học trò cứng đầu cứng cổ, Ủy Phi biết rằng cuộc sống của mình có thể lại bị đe dọa bất cứ ngày nào. Cách duy nhất để trừ bỏ mối đe dọa thường xuyên ấy là hướng tâm trí Ngật Trường về một mục tiêu nào đó.
“Con ạ”, ông đứng sang bên nói, “như con thấy đó, nay thầy đã truyền cho con tất cả những gì thầy biết về nghề cung. Nếu con muốn đi sâu hơn nữa vào những bí ẩn đó, thì hãy qua cái đèo cao Đại Hành ở Tây ban và leo lên đỉnh núi Hồ. Tại đó, con có thể tìm thấy lão sư phụ Khán Ảnh; trong nghệ thuật bắn cung, thầy cũng như bất cứ thầy nào khác, không ai bằng được người. So với người, tài của chúng ta chỉ là trò trẻ vụng dại. Ngoài sư phụ Khán Ảnh ra, trên đời này chẳng còn có ai đáng để con học. Hãy tìm bằng được người nếu quả người còn sống, và xin làm học trò người.” Ngật Trường lập tức lên đường đi về phía Tây thấy thành tích của mình bị gọi là trò trẻ, anh ta vừa chạm tự ái, vừa sợ là mình còn xa mới thực hiện được tham vọng. Anh phải cấp tốc leo núi Hồ, không để mất chút thời gian nào và đọ tài với vị sư phụ già nọ.
Anh qua đèo Đại Hành và rẽ lên ngọn núi lởm chởm. Giày anh chẳng mấy chốc đã mòn xơ, chân cẳng bị xước, rớm máu. Không mảy may sờn lòng, anh hì hục leo ngược những vực nguy hiểm và đi qua những mảnh ván hẹp chênh vênh bắc qua những khe nứt rộng. Sau một tháng, anh tới đỉnh núi Hồ và hăm hở lao vào hang đá nơi Khán Ảnh ở. Đó là một ông già có cặp mắt hiền như mắt cừu. Quả thật, Khán Ảnh già đến phát sợ, già gấp bội hơn bất kỳ ai Ngật Trường đã từng thấy. Lưng cụ còng và khi bước đi, mái tóc bạc kéo lê sát đất.
Tưởng ai vào cái tuổi ấy tất cũng điếc. Ngật Trường lớn tiếng báo: “Cháu tới đây để xem thử cháu có phải là cao thủ xạ điêu như cháu tưởng không”. Không chờ Khán Ảnh trả lời, anh lấy cây cung lớn bằng gỗ dương anh mang theo trên lưng, lắp một mũi tên và nhắm vào một đàn chim di trú lúc đó vừa bay qua trên đầu. Lập tức năm con rớt xuống qua bầu trời trong xanh. Cụ già mỉm cười độ lượng và nói: “Nhưng thưa các hạ, đó chỉ là bắn bằng cung tên. Các hạ đã học bắn mà không phải bắn chưa? Xin cùng đi với tôi”.
Hoang mang vì không khiến được lão ẩn sĩ phục tài, Ngật Trường lặng lẽ theo ông cụ đến một bờ vực lớn cách hang đá chừng hai trăm bước. Khi ngó xuống, anh ngỡ mình đang thực sự đứng trước “bức đại bình phong cao ba nghìn thước” mà Changsai đời xưa đã mô tả. Tít bên dưới, anh thấy một dòng suối ngoằn ngoèo như một sợi chỉ lấp lánh trên những phiến đá. Mắt anh trở nên nhòe đi và đầu anh bắt đầu đảo. Trong khi đó sư phụ Khán Ảnh chạy nhẹ nhàng tới một gò đá hẹp chồi thẳng ra trên miệng vực và quay lại nói: “Bây giờ các hạ hãy phô diễn tài thật của mình đi. Hãy đến chỗ lão đang đứng và cho lão thấy tài cung của các hạ nào”.
Ngật Trường vốn rất tự ái nên không thể từ chối lời thách thức và không ngần ngừ, đổi chỗ với ông lão. Tuy nhiên, anh vừa bước lên gờ đá, nó liền khẽ đu đưa qua lại. Làm ra vẻ mạnh bạo, điều mà anh không hề cảm thấy thực sự. Ngật Trường lấy cung và bằng những ngón tay run rẩy, cố lắp một mũi tên vào, nhưng vừa lúc ấy, một hòn sỏi lăn khỏi gờ đá và bắt đầu rơi hàng nghìn thước qua không gian. Đưa mắt nhìn theo, Ngật Trường cảm thấy khéo mình sắp mất thăng bằng. Anh nằm xoài lên gờ đá, các ngón tay bíu chặt lấy hai mép. Chân anh run bần bật và mồ hôi vã ra toàn thân.
Cụ già cả cười, giơ tay ra đỡ Ngật Trường lên khỏi gờ đá. Tự mình nhảy phắt ra đó, cụ nói: “Xin các hạ cho phép lão bày tỏ để các hạ thấy nghề cung thật sự là thế nào”. Mặc dầu tim Ngật Trường đập như trống làng và mặt anh nhợt ra như người chết rồi, anh vẫn còn đủ tỉnh táo để nhận thấy trong tay vị sự phụ không có gì. “Thế còn cung của lão trượng?” – Anh hỏi bằng giọng như cất lên từ dưới mồ. “Cung của lão ư?” Cụ vừa cười vừa nhắc lại, “Chừng nào còn cần đến cung tên thì mới chỉ mon men bên rìa nghệ thuật thôi. Xạ thuật thực sự miễn cần cả cung lẫn tên”.
Ngay trên đầu họ, một con diều hâu lẻ loi đang bay trong bầu trời. Bậc ẩn sĩ ngước nhìn nó và Ngật Trường cũng nhìn theo. Con chim bay cao đến nỗi ngay cả với cặp mắt sắc sảo của anh, nó chỉ tựa như một hạt vừng bé tẹo. Khán Ảnh lắp một mũi tên vô hình và một cây cung tưởng tượng, kéo dây cung hết cỡ rồi buông ra. Ngật Trường như nghe đánh xoẹt một cái, lúc sau, con diều hâu ngừng đập cánh và rơi như một hòn đá xuống đất. Ngật Trường thất kinh. Anh cảm thấy giờ đây lần đầu tiên anh thấy được giới hạn của các nghệ thuật mà anh đã bắt tay vào luyện rèn để làm chủ một cách trôi chảy biết bao.
Chín năm liền, anh ở lại trên núi với vị lão ẩn sĩ. Trong thời gian ấy, anh đã trải qua những phép tắc kỷ luật gì, chẳng ai biết được. Đến năm thứ mười, khi anh xuống núi trở về nhà, tất cả đều ngạc nhiên thấy anh thay đổi hẳn. Cái vẻ quả quyết và ngạo mạn trước kia của anh đã biến mất, thay vào đó là cái bộ dạng vô cảm, đờ đẫn của một gã ngây độn. Ông thầy cũ của anh đến thăm anh, thoáng nhìn một cái đã nói: “Bây giờ ta có thể thấy con đã thật sự trở thành cao thủ! Đến mức thậm chí ta không đáng chạm vào chân con nữa”.
Dân thành Hàm Đan đón chào Ngật Trường như tay cung cự phách nhất đời và nôn nóng chờ những kỳ tích mà chắc hẳn ông sẽ sớm phô diễn. Nhưng Ngật Trường không làm gì thỏa mãn lòng mong đợi của họ. Không một lần nào ông đặt tay lên một cây cung hay một mũi tên. Cây cung lớn bằng dương ông mang theo trong cuộc hành trình, hiển nhiên là ông đã bỏ lại. Khi có người đề nghị ông giải thích ông trả lời giọng uể oải: “Giai đoạn tột cùng của hoạt động là không hoạt đông; giai đoạn tột cùng của nói năng là nín lặng; tột cùng trong xạ kỷ là thôi không bắn”. Những người dân sáng dạ của thành Hàm Đan hiểu ngay ý nghĩa lời ông và đứng sững kính nể trước nhà đại cao thủ xạ kích từ chối không đụng đến một cây cung này. Chính việc từ chối không chịu bắn đã khiến danh tiếng của ông càng lớn.
Đủ các thứ tin đồn và giai thoại được lan truyền rộng xung quanh Ngật Trường. Nghe nói là cứ sau nửa đêm, người ta có thể nghe thấy ai đó kéo một dây cung vô hình trên mái nhà mình. Có người bảo đó là vị thần xạ thủ hằng ngày ở trong linh hồn bậc thầy này và đến đêm, thoát ra để bảo vệ ông chống lại mọi ác quỷ. Một thương gia ở gần đó truyền đi cái tin là một đêm, lão ta thấy rõ ràng Ngật Trường cưỡi một đám mây ngay bên trên nhà lão; duy có lần ấy, ông mang cung và thi tài với Hậu Nghệ và Dưỡng Do Cơ, hai xạ thủ trứ danh của những thời huyền thoại. Lại có một tên trộm thú thật rằng hắn sắp sửa trèo vào nhà Ngật Trường thì chợt có một luồng không khí ào qua cửa sổ, quất vào trán hắn mạnh đến nỗi hắn ngã nhào xuống chân tường. Từ đó, tất cả những kẻ nuôi những ý đồ xấu xa đều tránh vùng xung quanh nhà Ngật Trường và người ta còn nói là cả những bầy chim di trú cũng tránh không bay trên mái nhà ông.
Danh tiếng ông truyền khắp nước, thấu tận mây xanh và Ngật Trường ngày một già. Hình như càng ngày ông càng nhập vào trạng thái trong đó cả tâm trí và thể xác đều không chú ý đến những sự vật bên ngoài mà đơn độc tồn tại trong sự thanh thản, đơn sơ và tao nhã. Bộ mặt thản nhiên của ông trút bỏ mọi vết tích của biểu cảm; không một ngoại lực nào có thể quấy rối sự trầm tĩnh hoàn toàn của ông. Bây giờ rất hiếm khi ông nói và người ta cũng không thể khẳng định rằng ông có còn thở hay không. Nhiều khi chân tay ông dường như trần trụi và vô sinh khí như một cây héo. Ông trở nên hòa đồng với những quy luật cơ bản của vũ trụ, xa biệt khỏi những bấp bênh và mâu thuẫn của sự vật ngoại hiện, đến nỗi trong buổi xế chiều của cuộc đời, ông không còn biết đến sự khác nhau giữa “tôi” với “nó”, giữa “cái này” với “cái kia” nữa. Tình muôn hình nghìn vẻ của những ấn tượng giác quan không còn liên quan đến ông nữa; mắt ông có thể là tai, tai có thể là mũi, mũi có thể là mồm, ông cũng bất cần.
Bốn mươi năm sau khi xuống núi, Ngật Trường bình yên từ giã cõi đời như làn khói biến vào bầu trời. Trong bốn mươi năm ấy, ông không một lần nhắc đến chuyện xạ thuật, nói chi đến cung tên.
Về năm cuối cùng của đời ông, có chuyện rằng: một hôm ông đến thăm nhà một người bạn và thấy trên bàn một vật trông quen quen mà ông không sao nhớ nổi tên và công dụng của nó. Sau khi lục soát trí nhớ một cách vô hiệu, ông quay sang người bạn và nói: “Xin thân hữu cho biết: cái vật trên bàn kia tên nó là gì và nó dùng để làm gì?’. Chủ nhân bèn cười lớn như thể Ngật Trường nói đùa. Ông già hỏi gặng thêm, nhưng người bạn lại cười, tuy lần này thì có phần phân vân. Khi được hỏi lại nghiêm túc đến lần thứ ba, một vẻ sững sờ hiện lên trên mặt người bạn. Ông ta nhìn chăm chăm vào Ngật Trường và sau khi chắc chắn rằng mình đã nghe đúng cũng như ông già không điên cũng chẳng nói rỡn, ông ta lắp bắp bằng một giọng kinh dị: “Ôi, tôn sư, ngài quả là bậc thầy lớn nhất của mọi thời đại. Chỉ có như vậy ngài mới có thể quên được cái cung, quên cả tên lẫn công dụng của nó!”.
Nghe nói là sau đó ít lâu, ở thành Hàm Đan, họa sĩ bỏ bút vẽ, nhạc công dứt đứt dây đàn và thợ mộc thì xấu hổ mỗi khi bị trông thấy tay cầm thước.