Ở tuổi mà cả xã hội đã nghỉ hưu thì có người vẫn đang lặng lẽ tiến bộ mỗi ngày, cho tới tận khi chạm đích cuối cùng. Trái ngọt luôn dành cho những ai đủ kiên nhẫn, cho nên, muốn thành công thì đừng sợ muộn.
Trong suy nghĩ của người bình thường, họ luôn cho rằng, người ở tuổi nào thì nên làm những việc phù hợp với độ tuổi đó. Ví dụ, kết hôn và sinh con trong độ tuổi 20 – 30, còn tới tuổi 50 – 60 thì nghỉ hưu ở nhà, sau tuổi 70 thì vui vẻ, tận hưởng tuổi già bên con cháu…
Thế nhưng, một cụ bà tên Tsuneko Sasamoto ở Nhật Bản lại không nghĩ như vậy.
Bà sinh ngày 1 tháng 9, 1914 tại Shinagawa, Tokyo, Nhật Bản, tính đến nay đã 106 tuổi. Bức ảnh sau đây được chụp khi bà qua tuổi 100, nhưng với mái tóc ngắn thời thượng, chiếc kính gọng đỏ, đôi mắt cười lên cong như lưỡi liềm, làn da vẫn hồng hào và nụ cười tươi tắn, người ta vẫn thấy choáng ngợp trước sự trẻ trung của bà.
Nếu không biết từ trước, ai có thể tin rằng đây là một cụ bà hơn trăm tuổi?
Một nhà văn đã từng nói: Khi năng lượng của một người chỉ dành để duy trì sự sống, thì sự sống của người đó đã thực sự khô héo.
Sở dĩ bà Tsuneko Sasamoto có thể duy trì trạng thái tươi trẻ như vậy, có lẽ là do bà luôn duy trì được sự tò mò và nhiệt huyết với cuộc sống, thay vì ngồi chờ tuổi già ập tới.
Được biết, ngay từ khi còn đi học, bà đã có hứng thú về nhiếp ảnh và mỹ thuật nên từng quyết định bỏ học để theo đuổi chúng, trở thành người phụ nữ đầu tiên làm phóng viên ảnh của Nhật Bản.
Đến tuổi 52, bà lại có hứng thú với việc thiết kế hoa, sau một năm học hỏi, bà đủ khả năng để tự xuất bản cuốn sách “Cách thiết kế hoa tươi trang trí phòng học.”
Ở tuổi 71, người chồng của bà Tsuneko qua đời, bà chọn quay trở lại với công việc nhiếp ảnh, thay vì nhàm chán chờ đợi thời gian trôi qua. Đích thân bà đã đến thăm gần một trăm phụ nữ thời Minh trị ở Nhật Bản, sau đó mở triển lãm nhiếp ảnh của riêng mình, mang tên “Những người phụ nữ Minh trị lộng lẫy”.
Sau đó, ở tuổi 86, bà một lần nữa nảy sinh tình cảm, tiến tới mối quan hệ yêu đương với một nhà điêu khắc người Pháp, tên là Charles.
Chỉ là ngày vui ngắn chẳng tày gang, 10 năm sau, Charles qua đời vì một cơn đau tim.
Ở tuổi 100, Tsuneko đã giành được “Giải thưởng Người mặc đẹp nhất” và trở thành người nhận giải thưởng có độ tuổi cao nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Mặc dù sống một mình trong những năm cuối đời, Tsuneko Sasamoto vẫn kiểm soát cuộc sống của mình một cách nghiêm túc và không ngừng làm việc chăm chỉ. Cho dù từng có lần bị gãy tay trái và cả hai chân vào năm 2015 nhưng điều đó không thể cản bà tiếp tục chụp ảnh.
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả, ở tuổi 102, bà đã giành được một trong những giải thưởng quốc tế cao nhất trong giới nhiếp ảnh – Giải thưởng Lucie cho Thành tựu trọn đời về nhiếp ảnh. Điều này đã khiến thế giới phải trầm trồ không ít lần, nhưng ai cũng phải gật đầu, công nhận sự xứng đáng của nó.
Từ câu chuyện về huyền thoại Tsuneko Sasamoto, người ta học được điều gì?
Thứ nhất, một người luôn tò mò sẽ là người luôn có khả năng học hỏi và sáng tạo.
Tsuneko Sasamoto là người có nhiều niềm đam mê khác nhau. Bà từng tham gia vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, có thể kể đến như văn học, nhiếp ảnh, nghệ thuật, thời trang… Và trong hầu hết các lĩnh vực này, bà đều đạt được kết quả xuất sắc.
Điều này đã cho thấy, sự tò mò luôn kích thích người ta phải suy nghĩ theo hệ thống, kích thích tiềm năng sáng tạo. Khi công việc được thực hiện không chỉ với thái độ “Tôi có thể” mà còn có cảm xúc “Tôi thích nó”, thì tư duy luôn tự vận hành và phát triển theo hướng tích cực hơn.
Đối với người không có thói quen tò mò, đối mặt với những điều mình không hiểu, họ sẽ thực hiện hành vi trốn tránh một cách vô thức. Ngược lại, với những người luôn tự mày mò và trải nghiệm, họ sẽ chủ động đi tìm câu trả lời cho riêng mình, mà không cần chờ người khác đòi hỏi hay yêu cầu.
Với người sáng tạo, họ không coi những vấn đề không lường trước được là rắc rối, mà là niềm vui.
Thứ hai, phải học cách từ bỏ sự ổn định.
Đã ổn định thì rất khó có thể đột phá. Lý do rất quan trọng khiến Tsuneko Sasamoto trở thành người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn trong thời đại ấy là vì bà ấy không chấp nhận trở thành một bà nội trợ của gia đình, giống như số phận của hàng triệu phụ nữ khác như lúc bấy giờ.
Vì vậy, bà quyết định ly hôn với người chồng đầu tiên của mình để tiếp tục duy trì niềm đam mê nhiếp ảnh.
Ổn định không hề sai, nhưng nó rất dễ trở thành nhàm chán. Một người tích cực phải luôn học được cách làm mới mình, mở rộng sở thích, tìm kiếm những nghề phụ… để lại nhiều khả năng phát triển bản thân hơn. Họ phải kiên nhẫn, từng chút từng chút, làm dày năng lực và kỹ năng của bản thân qua thời gian.
Trên thực tế, nhiều công ty trong danh sách Fortune 500 luôn tạo điều kiện cho nhân viên có không gian và thời gian tự do để phát triển chính mình.
Ví dụ, công ty 3M của Mỹ có một chế độ kích thích sáng tạo như sau: Nhân viên R&D có riêng 15% thời gian rảnh rỗi. Trong khoảng thời gian này, họ có thể làm gì tùy sở thích của mình.
Lại ví dụ như, một tiến sĩ hóa học đột nhiên tò mò vì sao “Hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Vì vậy, anh bắt đầu nghiên cứu từ góc độ chuyên môn của mình, tại sao hoa sen dính bùn mà không bị ố vàng, thậm chí còn xin tài trợ nghiên cứu.
Cuối cùng, người này đã tạo ra một loại sơn rất hữu ích. Nếu làm việc trong hầm mỏ vào mùa đông, mắt kính rất dễ bị mờ, khi quét một lớp sơn này lên tròng kính thì hiện tượng mờ sương sẽ không xảy ra.
Loại sơn này cũng có thể phủ lên các biển báo hiệu trên đường cao tốc để nó dù dính bùn cũng không ố.
Có thể thấy rằng, nếu 3M chỉ tập trung vào doanh thu và lợi nhuận từ đầu thì họ sẽ không cho phép nghiên cứu này xảy ra, loại sơn phủ này càng không thể ra đời.
Còn với bản thân con người, nếu quá chú trọng vào giá trị thực dụng ngắn hạn, bạn thường sẽ đánh mất những cơ hội phát triển lâu dài .
Thứ quý hơn tiền là kiến thức, và thứ quý hơn kiến thức là trí tò mò vô tận. Chỉ cần bạn đủ kiên nhẫn, không sớm thì muộn, những tri thức mà bạn đã tích lũy đều có thể trở thành tiền đề thành công.
Phương Thúy
Theo Trí thức trẻ