Vô ưu (No worries)
(1) Vô ưu là gì?
Vô ưu là không phải suy nghĩ, không phải lo lắng hay bận tâm gì cả.
Cuộc sống của chúng ta là một quá trình đầy mâu thuẫn giữa thuận lợi và khó khăn, giữa cơ hội và thách thức, giữa sức khỏe và bệnh tật, giữa vui sướng và đau khổ, giữa bất hạnh và hạnh phúc. Tuy cuộc sống có nhiều mâu thuẫn và nghịch cảnh, nhưng nếu chúng ta lo lắng quá mức, nó mang lại bất lợi.
Ta không thể cứ ôm cái âu lo, bực dọc thêm cho hại người. Lo lắng cũng không giải quyết được mọi việc, vậy hãy đón nhận tất cả mọi điều từ tương lai với tâm trạng thoải mái nhất, với tinh thần lạc quan nhất, có phải tốt hơn chăng?
(2) Làm thế nào để sống vô ưu?
(a) Hiểu được quy luật cuộc sống. Hiểu được vô thường. Không còn sợ hãi. Nếu có sợ, thì hãy sợ rằng ta sống trên đời mà chỉ như tồn tại, chẳng làm được việc gì có ích, chẳng giúp gì được cho ai;
(b) Không suy nghĩ về khiếm khuyết và tự ti về bản thân;
(c) Buông bỏ vật ngoài thân. Suy cho cùng, chúng ta chẳng giữ lại gì trên cuộc đời mà nuối tiếc;
(d) Luôn tươi cười vui vẻ mỗi sáng;
(e) Nhìn thẳng vào ưu điểm của những người xung quanh.
(3) Các câu chuyện về sống vô ưu
Câu chuyện số một: “Cao Chẩm Vô Ưu” (高枕無憂) theo nghĩa đen có nghĩa là “kê cao gối ngủ”
Thời Chiến Quốc (475-221 TCN), Mạnh Thường Quân là người được trọng vọng nhất trong giới quan chức nước Tề. Ông là một người thân thiện gần gũi lại thành tâm đãi ngộ người tài đức, nên đã có rất nhiều hầu gia cùng thân tín lui tới nhà ông trong một thời gian rất dài. Một trong số đó là Phùng Huyên.
Không giống đa số người khác, Phùng Huyên là một người trầm tĩnh, và ít nói ra kiến giải của mình mỗi khi được Mạnh Thường Quân hỏi.
Một lần nọ, Mạnh Thường Quân nhờ Phùng Huyên đến xứ Tiết để thu tô thuế của vùng đó.
Phùng Huyên nhận lệnh và đến nơi ngay, nhưng thay vì thu tô, ông thản nhiên cầm phiếu thu tô đốt ngay trước mặt nhân dân, đồng thời mở tiệc chiêu đãi chúng dân.
Ông nói: “Mạnh Thường Quân đúng là một chủ nhân tốt, ngài không tiếc gì chút tiền của nhỏ này, cho nên cấp cho mọi nhà. Chủ yếu ngài mong mỏi cải thiện hơn đời sống của nhân dân, số tiền này cấp cho mọi người, không cần trả lại cho ngài nữa”.
Nhân dân nghe xong vô cùng cao hứng, trong tâm đối với Mạnh Thường Quân thập phần cảm kích.
Vài năm sau, Mạnh Thường Quân bị giáng chức và được đưa đến vùng Tiết xa xôi đó. Khi đưa gia đình đến nơi, Ông không khỏi chấn động trước sự chào đón nhiệt tình của người dân, họ nói rằng họ muốn được trả ơn cho sự hào phóng của Ông đã giúp đỡ người dân lần trước.
Đến tận thời điểm đó, Mạnh Thường Quân mới sáng tỏ điều tuyệt vời mà Phùng Huyên đã làm cho mình. Tuy nhiên, Phùng Huyên đã nói với Mạnh Thường Quân là sẽ không chỉ có thế, mà còn làm cho Mạnh Thường Quân quay về làm tướng quốc của nước Tề.
Sau đó, Phùng Huyên đã đi yết kiến vua nước Ngụy và thuyết rằng: “Mạnh Thường Quân là người rất có tài năng, nếu quý quốc có thể thâu nhận nhất định sẽ hữu ích”. Ngay sau đó Mạnh Thường Quân đã được vua Ngụy trọng vọng, mời đảm trách một vị trí quan trọng trong triều Ngụy.
Hay tin Mạnh Thường Quân được phong hầu tại triều Ngụy, vua Tề mới biết mất nhân tài, bèn sốt sắng cho người tìm đến Mạnh Thường Quân. Ông hứa sẽ phục chức Tướng Quốc cho Mạnh Thường Quân.
Đến lúc này, Phùng Huyên khuyên Mạnh Thường Quân nên lịch sự từ chối vị trí mà vua Ngụy cấp, cùng với đó cầu vua Tề xây dựng một Điện Triều tại xứ Tiết.
Sau khi ngôi điện được xây dựng, Phùng Huyên nói với Mạnh Thường Quân: “Bây giờ ngài có 3 nơi để sống. Ngài có thể kê cao gối ngủ mà không cần lo nghĩ nữa rồi”.
Thành ngữ Trung Quốc “Cao Chẩm Vô Ưu” (高枕無憂) theo nghĩa đen có nghĩa là kê cao gối ngủ, mà không phải lo lắng. Nó thể hiện hình ảnh một người có thể ngủ trong hòa bình mà không có bất kỳ lo lắng cuộc sống nào hết, được sử dụng để mô tả sống một cuộc sống yên bình và không có ưu phiền.
Câu nói này bắt nguồn từ câu chuyện về Mạnh Thường Quân và Phùng Huyên được đưa ra trong “Sách Chiến Quốc” (戰國策) – Một công trình lịch sử Trung Quốc cổ đại nổi tiếng ghi chép những biên niên đặc điểm lịch sử và xã hội của thời kỳ Chiến Quốc.
Câu chuyện thứ hai: “Hãy đặt cốc nước xuống!”
Một giáo sư bắt đầu giờ giảng của mình với một cốc nước. Ông giơ nó lên và hỏi các sinh viên, “Các bạn nghĩ cốc nước này nặng bao nhiêu?”
‘50 gam!’…‘100 gam!’… ‘125 gam!’… các sinh viên trả lời.
“Tôi không thể biết chính xác nếu không cân,” giáo sư nói, “nhưng câu hỏi của tôi là: Điều gì sẽ xảy ra khi tôi cứ giơ cái cốc thế này trong vài phút?”
“Chẳng có gì cả” các sinh viên nói.
“OK, vậy điều gì xảy ra nếu tôi giơ trong một giờ?” giáo sư hỏi.
“Tay thầy sẽ bắt đầu đau ạ”, một sinh viên trả lời.
“Đúng vậy, và nếu trong một ngày thì sao?”
“Tay thầy có thể tê cứng, và thầy có thể bị đau cơ, tê liệt, chắc chắn phải đến bệnh viện,” một sinh viên khác cả gan nói. Và tất cả lớp cười ồ.
“Rất tốt. Nhưng trong tất cả các trường hợp đó, cân nặng của cái cốc có thay đổi không?”, giáo sư lại hỏi.
“Không ạ,” các sinh viên trả lời.
“Vậy, cái gì khiến cho tay bị đau, cơ bị tê liệt? Và thay vì việc cứ cầm mãi, tôi nên làm gì?”
Các sinh viên lúng túng. Rồi một người trả lời, “Đặt cốc xuống!”
“Chính xác!” giáo sư nói, “Các vấn đề trong cuộc sống cũng giống như thế này. Khi bạn giữ nó trong đầu vài phút thì không sao. Nghĩ nhiều hơn, chúng làm bạn đau. Và nếu cố giữ thêm nữa, chúng bắt đầu làm bạn tê liệt. Và bạn sẽ không thể làm gì được nữa.”
Lời bình: Nghĩ đến những vấn đề trong cuộc sống là điều quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là hãy nhớ ‘đặt chúng xuống’ vào cuối mỗi ngày khi bạn đi ngủ. Nhờ vậy, bạn tránh được stress để khởi đầu một ngày mới thật tỉnh táo, khoẻ mạnh. Và đó là thứ giúp bạn có thể giải quyết mọi vấn đề.
Câu chuyện thứ ba:
Sau ba ngày nắng nóng, cỏ trong chùa bị khô héo và biến thành màu vàng. Tiểu hòa thượng vô cùng sốt sắng: “Nhanh cắt hết đám cỏ này đi, trông thật khó coi”. Lão hòa thượng liền xua tay nói: “Đợi khi trời mát hẵng làm, cứ tùy thời”.
Trung thu, lão hòa thượng mua một bao hạt cỏ lớn rồi gọi những người học việc ra trồng cỏ.
Gió mùa thu thổi mạnh, những hạt cỏ đã gieo trên mặt đất cũng bị thổi bay, tiểu hòa thượng liền hét lên: “Không xong rồi, nhiều hạt cỏ bị gió thổi bay xa quá”.
Lão hòa thượng liền an ủi tiểu hòa thượng: “Gió thổi trong không trung, rơi xuống vẫn có thể nảy mầm phát triển, cứ tùy tính”.
Khi những hạt cỏ được gieo xuống đất, đàn chim liền sà xuống ăn khiến tiểu hòa thượng vô cùng lo lắng. Lúc này lão hòa thượng vẫn tiếp tục đọc sách, nói: “Không sao, hạt cỏ còn nhiều lắm, chúng ăn không hết đâu”.
Nửa đêm trời đổ cơn mưa lớn, tiểu hòa thường đứng trong phòng nhìn ra ngoài trời thở dài nói: “Sau cơn mưa này hạt cỏ thể nào cũng bị cuốn trôi đi”.
Lão hòa thượng vẫn đang nằm không mở mắt ra mà nói: “Trôi đi đâu thì phát triển ở đó, cứ tùy duyên”.
Nửa tháng sau, vườn chùa hoang vắng đã mọc đầy cỏ xanh, những góc khuất cũng mọc lên những bãi cỏ màu xanh. Các đệ tử vô cùng vui sướng, lão hòa thượng cũng không biến đổi sắc mặt, gật đầu nói: “Cứ tùy thích”.
Trong cuộc sống chúng ta sẽ gặp phải rất nhiều chuyện ngoài ý muốn và bắt đầu cảm thấy lo lắng, giống như tiểu hòa thượng trong câu chuyện trên, vì một vài sự cố của tự nhiên mà bản thân trở nên bồn chồn và bất an.
Còn vị sư già trong câu chuyện thì khác, ông không vui, không buồn, không sợ biến đổi, không lo lắng về những sự cố, không e sợ tương lai, chỉ tùy thời, tùy tính, tùy duyên, tùy thích mà sống.
Câu chuyện thứ tư: “kỷ nhân ưu thiên”
Bạn đã từng nghe qua câu chuyện “kỷ nhân ưu thiên” chưa?
Một người nông dân đang sống một cách vô ưu vô lo, đột nhiên nghĩ: Sẽ ra sao nếu trời sập xuống? Cuối cùng, anh mỗi ngày đều sống trong lo lắng và sợ hãi.
Tương lai là một ẩn số, ai có thể chuẩn bị hoàn hảo cho tất cả những việc sẽ xảy ra vào ngày mai?
May mắn là vô định, bất hạnh cũng là vô định, cuộc sống luôn chứa đầy những ẩn số và biến số, tốt hơn hết là cứ tập trung sống một cách thoải mái trong hiện tại.
Nếu chúng ta có thể để cho lòng mình thanh tịnh, thuận theo tự nhiên, thẳng thắn và cởi mở đối mặt với tương lai, vậy thì chúng ta đang sống trong khoảng thời gian đẹp nhất của đời người.
Câu chuyện thứ năm:
Có người từng hỏi Tăng Quốc Phiên rằng: “Ngài mỗi ngày đều bận trăm công nghìn việc, nhưng việc quân vẫn làm tốt, việc học thuật vẫn làm tốt, ngài làm sao mà chu toàn hết vậy?”.
Tăng Quốc Phiên trả lời: “Khi đọc sách chỉ lo chuyện đọc sách, không nghĩ đến những chuyện khác. Làm việc gì thì chuyên tâm việc đó, mọi thứ không thể pha trộn vào cùng một thời điểm, sẽ rất dễ hỗn loạn”.
Lúc đọc sách không nghĩ việc khác, lúc làm việc khác không nghĩ đến đọc sách. Những gì đến một cách thuận ứng, tương lai không chào đón. Cũng có thể nói rằng, trước khi sự việc xảy ra, đau khổ cũng chẳng giải quyết được gì, nếu nó đã đến thì chỉ còn cách đối mặt với nó.
Câu chuyện thứ sáu: Nếu Bhutan là xứ sở của vô tác, thì Brunei là xứ sở của vô ưu.
Đến tham quan đất nước Brunei, bạn sẽ cảm nhận một cuộc sống vô ưu và nhẹ nhàng, tất cả điều này đã tạo nên tính cách những con người Brunei phóng khoáng dễ thương, sự chân chất hiền hòa thể hiện trên gương mặt họ khiến cho các du khách khi đặt chân đến đây đã không khỏi thốt lên: “Có phải thiên đường là đây”.
Xã hội với nhiều phúc lợi: Tuy chỉ là một đất nước bé nhỏ với dân số khoảng 400.000 người nhưng Brunei lại sở hữu nhiều danh hiệu đáng tự hào:
– Nước có vị vua giàu có nhất hành tinh (với tài sản ước tính hơn 20 tỉ USD).
– Top 5 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.
– Đất nước bảo tồn môi trường thiên nhiên hoàn hảo.
– Nước có thánh đường phủ đầy vàng ròng lộng lẫy uy nghiêm hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
– Từ trong bụng mẹ, đứa trẻ Brunei đã mặc nhiên được đảm bảo một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Chính sách về y tế: Mọi người đều được chăm sóc sức khỏe, từ những bệnh thông thường cho đến những căn bệnh hiểm nghèo. Với những căn bệnh nặng vượt ngoài khả năng chữa trị của các bệnh viện tại Brunei, người bệnh sẽ được chuyển sang Malaysia hoặc Singapore để chữa trị. Mọi chi phí cho người bệnh và người thân chăm sóc kèm theo đều được chính phủ chi trả.
Chính sách về giáo dục: Mọi trẻ em đều có cơ hội học tập, nếu muốn có thể sang các quốc gia khác để học lên cao. Chính phủ sẽ tài trợ toàn bộ học phí từ cấp tiểu học cho đến đại học và sau đại học. Phụ huynh chỉ phải chịu một khoản phí nhỏ để mua dụng cụ học tập.
Chính sách về nhà ở: Mọi người dân đều có cơ hội sở hữu nhà ở, nếu ai không có đủ điều kiện mua nhà, chính phủ sẽ có những dự án nhà công cộng và bán cho người dân trả góp với số tiền 1 $B/tháng (tương đương khoảng 16.000 đồng/tháng).
Bạn sẽ hoàn toàn bất ngờ vì sinh hoạt phí tại Brunei vô cùng rẻ, giá xăng dầu rẻ hơn cả nước uống đóng chai (giá 1 lít nước đóng chai tương đương 4 lít xăng) và người dân hầu như không phải chịu thuế nên trung bình một người trưởng thành sở hữu 2 chiếc xe hơi.