Vô tác (no impingement)

 Vô tác (no impingement)
Vô tác (no impingement)
(無願)
Tôi thấy bài này cũng rất hay, thâm thúy, sâu sắc, triết lý cuộc sống, triết lý nhà phật, có thể ứng dụng và cũng là một trong cánh cửa giúp con người giải thoát, mà cũng ít người đọc.
Tôi cũng phải tìm hiểu tại sao mà ít người đọc? Tôi cảm thấy có lỗi. Cuối cùng, mới thấy được, trong bài có quá nhiều thuật ngữ phật giáo, khá là trừu tượng, khó tiếp cận, khó hình dung ra được, thì làm sao mà hiểu và ứng dụng được trong đời sống. Mà không ứng dụng được thì người ta không đọc. Đó là một lẽ đương nhiên. Mà kẹt ở cánh cửa này không qua được thì làm sao thực hành và giải thoát được.
Bây giờ, tôi xin viết lại một cách dễ hiểu hơn, chỗ nào phức tạp hay trừu tượng, tôi sẽ cho ví dụ minh họa. Còn nếu bạn đọc, mà vẫn cứ không hiểu, kiên trì với sự không hiểu, thì bạn đặt câu hỏi bên dưới. Tôi sẽ làm hết cách có thể mà tôi có được để bạn hiểu. Tôi cám ơn các bạn đã cho tôi cái duyên được gặp các bạn và các bạn đọc những dòng này của tôi.
(1) Vô tác là gì?
Chúng ta đã là cái mà ta muốn đi tìm rồi. (We are all what we want to become). Đó là vô tác.
Câu này thì rất hay, cũng khá là đơn giản. “Vô” tức là không và “tác” tức là tác động. Vô tác có nghĩa là không có tác động gì cả. “phật tính” nằm trong mọi vật, chúng ta không phải đi tìm gì cả, không mong đợi hay kỳ vọng gì cả. Mọi sự suy nghĩ, lo lắng hay toan tính về phía trước (dự tính, kế hoạch) hay những hối hận, ăn năn, tiếc nuối về phía sau (bài học kinh nghiệm), tất cả đều làm cho chúng ta chao đảo, thoát ra thế cân bằng, quân bình vốn có trong tâm.
Chúng ta tự hỏi mình tại sao quá khứ níu kéo và tương lai theo réo gọi, mà lại sống nhếch nhác ở hiện tại? Không chú ý sống một cách hoàn hảo ở hiện tại (fully present). Tôi không trách ai cả.
Lịch sử của chúng ta không một giờ phút bình yên, giặc ngoại xâm lâm le xâm chiếm, từ ngàn năm;
Thiên nhiên luôn nổi giận bất cứ lúc nào: lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh;
Rồi chúng ta phải bương chải, vật lộn với cơm, áo, gạo, tiền, mưu sinh;
Rồi chúng ta quá bận rộn với thế giới văn minh tri thức;
Tất cả điều này, làm cho chúng ta luôn suy nghĩ về tương lai, hối tiếc về quá khứ, mà bỏ rơi giây phút hiện tại.
Vô tác có nghĩa là không cần có gì phải làm, không cần theo đuổi gì cả. Chúng ta vốn có “phật tính” từ bên trong, “niết bàn” từ bên trong. Đâu cần phải thực hiện gì nữa? Đó gọi là vô tác, hay là vô nguyện (tức là không nguyện cầu gì cả). Vì chúng ta vô minh, cho nên một đời rượt đuổi như “hình với bóng” hết cái này, tới cái kia.
Chúng ta hãy tưởng tượng đợt sóng đi tìm nước thì thật là buồn cười, tại vì bản chất của sóng đã là nước rồi. Tới đây thì các bạn thấy trừu tượng chứ gì? Không sao.
Ngày xưa, hồi học tiểu học, tôi thấy cô giáo dạy hay quá, tôi mê làm thầy giáo. Lớn lên tôi mê toán học (hình học không gian, khảo sát hàm số, cực trị toàn phần, cực trị miền, đại số thì tôi mê chuỗi hội tụ hay phân kỳ), lên đại học thì tôi mê triết học và kinh tế học (chuyện như vậy mà học cũng nghĩ ra, thầm ngưỡng mộ những bậc tiền bối), đam mê giảng dạy (làm cho sinh viên hiểu một vấn đề khó, thì còn niềm vui nào bằng nữa chứ) và những đam mê và theo đuổi khác. Không bao giờ dứt đam mê trong tôi. Tôi cảm thấy thế giới to lớn dần trong tôi, để một ngày tôi phát hiện ra mình chỉ là hạt cát. Tôi nghĩ các ngành nghề khác cũng vậy. Thế giới của họ cũng to lớn. Sự đam mê và theo đuổi để cuối cùng có gì? Chẳng có gì cả đâu. Chỉ “để gió cuốn đi”. Chỉ để thỏa chí tan bồng của sự hiểu biết.
Chúng ta đi tìm bụt cũng vậy, cũng rất là buồn cười, tại vì bản chất của ta là bất sinh bất diệt (xem lại các bài trước). Bụt luôn luôn có đó, chúng ta muốn nắm tay bụt đi lúc nào cũng được. Vậy mà ta cứ đi tìm hoài, đi hết chùa này đến chùa khác. Bụt có ở trong ta, mà ta cứ đi tìm lao đao, lận đận. Đến đây thì có lẽ bạn hiểu câu nói “phật tại tâm”.
Là cửa “không tạo tác” trong tam môn giải thoát (cửa “không” đã trình bày rồi, cửa “vô tướng” đã trình bày rồi). Bản thể vốn không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt, vô vi, vô mong cầu nguyện ước, nên cũng gọi là vô nguyện, vô tác, làm như thế sẽ dứt trừ vọng tâm mê chấp.
Giáo lý vô tác chỉ cho chúng ta thấy tất cả sẵn có đầy đủ trong bản tính tự tâm của mình, ta không cần đi tìm đâu hết. Tự nhiên có an lạc ngay trong giây phút hiện tại.
(2) Luyện tập vô tác
(2.1) Khi không làm gì cả
Buổi sáng thức giấc ta nhìn thấy ánh nắng, có khi nghe trời mưa, thấy trời đầy sương. Tất cả là sự sống. Trong một hiện tướng có những hiện tướng khác. Và tất cả các hiện tướng đều mang “phật tính” và “vô nguyện”.
Nếu thức dậy mà ta cảm thấy an lạc trong thân tâm, không còn thiếu thốn gì, thì ta không cần đeo đuổi gì nữa.
Ta chỉ có thể tiếp nhận tặng phẩm này một cách trọn vẹn với tâm vô nguyện. Nếu nghĩ rằng có hăm bốn giờ là để làm cái này, hoặc để làm cái kia, thì hăm bốn giờ đó sẽ trở thành một phương tiện, mà không còn là sự sống nữa.
Trong tiếng Anh từ present, ngoài cái nghĩa hiện tại, thì còn một cái nghĩa nữa là “món quà”. Nó là món mà thượng đế ban tặng, nếu chúng ta tập trung ở hiện tại hay hiện tại một cách hoàn hảo.
Một quốc gia nghèo chiến tranh liên miên, không một giây phút bình yên. Vô tác là xa xỉ. Thân và tâm khó an lạc và đi cùng nhau, khi trở thành giàu có cũng vậy. Đã là quán tính rồi. Sống chậm lại cũng khó lắm. Đang làm việc này, nhưng lại suy nghĩ việc khác. Xoay như con chong chóng. Tự mình làm khổ mình.
Tôi thấy rất nhiều người, trong lúc nghỉ ngơi mà cũng nghĩ đến công việc. Điện thoại là cái đem ta từ thế giới này sang thế giới khác. Tôi ít thấy người ta tắt điện thoại vào cuối tuần.
(2.2) Khi đang làm việc
Mỗi việc chúng ta đang làm là sự sống, và có thể cho ta hạnh phúc ngay trong khi ta làm. Khi ta uống trà, ăn cơm, hoặc quét nhà, tất cả những giây phút kia đều có thể là những giây phút hạnh phúc. Ta không coi chúng như những phương tiện để đạt tới mục đích nào cả. Trong lúc ta bửa củi, sự sống đã mầu nhiệm rồi, ta thấy không cần phải bửa củi xong mới có hạnh phúc. Không cần nước sôi rồi mới có hạnh phúc. Không cần nấu cơm chín rồi mới có hạnh phúc. Như vậy, là ta sống trong tinh thần vô nguyện. Cái thấy ấy đạt tới thì cánh cửa vô nguyện giải thoát môn mới mở ra.
Buổi trưa, sinh viên ra nhà ăn. Tôi hỏi đứa thứ nhất: “Em đi đâu?”.
Nó đáp: “Dạ thưa thầy. Em đi ăn để trưa còn đi học”.
Tôi tiếp tục hỏi đứa thứ hai: “Em đi đâu? “.
Nó đáp: “Dạ thưa thầy. Em đi ăn trưa.”
Tôi mượn lời bạn vừa rồi: “Ăn xong rồi em đi học phải không?”.
Nó đáp: “Dạ đi ăn để cảm lấy tất cả các món ăn là ngon”.
Tôi vui mình vì đứa thứ hai đã hạnh phúc từng giây phúc mà nó trải qua. Nó không xem ăn uống là phương tiện để đi học buổi trưa. Tôi biết đứa học trò thứ hai này đã hạnh phúc trên những giờ khắc mà nó trải qua.
Có những lúc ta rửa bát thật nhanh, rồi để xem phim. Chúng ta không vô tác. Chúng ta phải hạnh phúc từng giây trong lúc rửa bát. Làm sạch từng chiếc bát, lau chùi khô ráo, sắp xếp lại. Không vội vã, không bồn chồn.
Một người phụ nữ Anh gặp sư thầy. Bà ta hỏi: ‘‘Thầy có lo về tình trạng thế giới không?’’.
Tôi trả lời: ‘‘Tôi có lưu tâm, nhưng mối quan tâm của tôi không làm hại tới sự an vui của tôi.’’
Bà này đang đau khổ, chồng của bà bị bệnh tâm thần. Trong câu hỏi về tình trạng ở trên thế giới, bà muốn nói tới dịch bệnh ở Anh, hay ở các nơi khác. Nếu ta để cho những lo lắng đó tràn ngập tâm mình thì chẳng bao lâu ta sẽ bị bệnh như chồng của bà.
Tôi im lặng, thở năm bảy lần rồi mới nói: ‘‘Cái quan trọng nhất, bà ơi, là dù rất quan tâm đến tình trạng thế giới, bà cũng đừng để cho những nỗi lo lắng đó tràn ngập tâm của mình, làm cho mình quá ưu sầu. Nếu tâm mình bị tràn ngập lo âu thì mình sẽ bệnh, và nếu bà bệnh thì ai mà chăm sóc, và nâng đỡ cho ông nhà bây giờ? Thành ra bà phải luyện tập. Tôi biết rõ những gì đang xảy ra ở Anh, tôi thấy cảnh khổ đau rất tội nghiệp, nhưng tôi không để cho những chuyện đó trở thành những yếu tố đe dọa tôi.’’
Sư thầy nói: “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là ta làm được tới mức tối đa những gì ta có thể làm, mà vẫn phải giữ được sự an lạc, và bình tâm của mình. Tâm trạng lo lắng không đưa tới đâu. Dầu ta có lo âu gấp mười lần, hoặc gấp trăm lần, thì tình trạng cũng như vậy thôi. Nếu ta bị bệnh thì tình trạng sẽ xấu hơn. Cho nên điểm quan trọng không phải là ta lo, mà ta làm những gì có thể làm được trong giờ phút hiện tại.”
“Nếu bà không giữ được sự an lạc của bà thì bà không thể nào giúp được ông nhà. Bà cũng không thể nào giúp được cho bất cứ ai và bất cứ nước nào trên thế giới.”
Ta có thể có hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, dầu trong thân và trong tâm ta có điều chưa được như ý. Nhà phật nói: dầu còn khổ đau, dầu còn nghiệp chướng, ta vẫn có thể vãng sanh được tới thế giới cực lạc. Nhà phật sẽ không đóng cửa, sẽ không cấm ta vào cõi cực lạc với một ít nghiệp chướng, một ít tham, giận, và si mê. Cho nên, buổi sáng thức dậy mỉm cười, ta thấy ta có thể có hạnh phúc.
Quan trọng là thái độ vô nguyện của ta. Vô nguyện là được như nguyện. Không chờ đợi, không đòi hỏi, ta có thể hạnh phúc trong bất cứ giây phút nào.
(2.3) Bhutan: quốc gia thực hành vô tác
Đất nước Bhutan nằm trên triền và chân Himalaya, đường xá ngoằn nghoèo đèo dốc nối tiếp nhau. Điều ngạc nhiên là hầu như trên đường, giữa thiên nhiên hay thành phố, không hề có biển báo giao thông như: tốc độ; khu dân cư; đường nguy hiểm hay xảy ra tai nạn, mà chỉ có tấm biển duy nhất ghi: NO HURRY – NO WORRY
Thâm nhập chút ít vào đời sống người dân, dần nhận ra rằng “Không vội Không lo” là một phong thái giao tiếp xã hội, là một triết lý sống thấm nhuần, vượt lên trên và không cần đến tất cả những cảnh báo răn đe về việc phải tôn trọng pháp luật.
Một đất nước chỉ số cao nhất là “Chỉ số hạnh phúc”, có khi khởi đầu từ một điều rất đơn giản, mà thực ra có gì cần phải phức tạp đâu.
Nhiều người Việt mới lấy bằng lái, thấy đường vắng cứ rà rà rồi vọt luôn, lần một lần hai không ai thấy, rồi quen thế cho đến khi chú cảnh sát chặn dừng xe và thế là mất toi tiền phạt. Buồn quá thốt lên: Hôm nay thiệt là xui! Xui thiệt, rút kinh nghiệm lần sau phải nhòm kỹ xem có tên cảnh sát nào lẫn khuất đâu đây không và cứ láo liêng như thế, để rồi chưa nhận ra rằng điều xui nhất nằm ở chỗ “tâm bất an”, “tâm vội vã”.
Có khi đèn bật đỏ, rào chắn đã hạ xuống còn cố sống cố chết vượt qua, còn 5-7 giây nữa mới hết đèn đỏ, đàng sau đã bấm còi thúc giục in ỏi, rồi thì chen lấn, leo lề. Vội vã, vội vã đến cuồng loạn với cái tâm thức bầy đàn “chậm chân uống nước đục” hay “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”
Cái phản xạ sợ mất phần trong cơn chen chúc đi bão như lên đồng. Không may mắn, khi càng vội vã chen lấn giẫm đạp nhau, chỉ làm nước thêm đục và thân xác thêm rã rời.
Vội đến, vội đi, vội nhạt nhòa
Vội vàng sum họp vội chia xa
Vội ăn, vội nói rồi vội thở
Vội hưởng thụ mau để vội già.
Thiền sư hỏi nhà tu: “Ông ngồi thiền để làm gì?“
Nhà tu đáp: “Con ngồi thiền để thành phật”
Thiền sư nhặt một viên ngói và bắt đầu mài trên hòn đá.
Nhà tu hỏi: “Thầy mài ngói để làm gì?”
Thiền sư trả lời: “Mài để làm gương.”
Nhà tu nói: “Mài ngói sao thành gương được?”
Thiền sư nói: ” Vậy chứ làm sao ngồi thiền mà thành phật được?”.
Câu trả lời phá vỡ màng vô minh của nhà tu.
Có phải chúng ta mài, mài và hối tiếc rằng vẫn chỉ là viên ngói? Một viên ngói bóng láng có thể cho chúng ta thấy được chút ít bóng dáng mình phản chiếu trong đó, nhưng cũng chỉ là viên ngói. Còn công việc mài thì sao? Ngay từ đầu, viên-ngói-Phật (tile – Buddha), đây là vị phật tên ngói, đây là vị phật tên là đá, đây là vị phật (thiền sư) đang mài viên ngói vào hòn đá.
Chúng ta không tu tập để trở thành một vị phật, chúng ta đang thực tập làm phật. Phật thực tập phật.
Bài học: Chúng ta làm mà luôn nghĩ đến thành tựu thì không vô tác rồi. Với cách viết lại như thế này, không biết có giúp bạn dễ hiểu hơn không?
Chúng ta ở trong ngôi nhà trong ảnh. Chúng ta cảm nhận sự thanh bình, bình yên.
Nhưng ở trong ngôi nhà ấy phải có vài triệu đô la, thì chúng ta sẽ không kiếm tiền hay không nghĩ đến việc kiếm tiền nữa (một số đông người vẫn lao vào kiếm tiền, như con thiêu thân, không bao giờ dừng lại. Kiếm tiền cho 18 đời người, nhưng sống chỉ một đời người và luôn tự cho mình là thông minh).
Chúng ta còn có gia đình, lo lắng, nghĩ ngợi, khó vô tác được.
Chúng ta còn chạy theo các đam mê của một kiếp nhân sinh, khó vô tác được.
Cái thế chúng ta như con lắc, giao động liên tục, theo những nhu cầu làm việc, theo nhu cầu của “ngũ trần”, theo quán tính, dù là giao động tắt dần, khó vô tác được.
Nói đơn giản nhất, là ngày xưa mình có nghề tay trái mua bán nhà, mặc dù bỏ bao nhiêu năm rồi, mà cái “nghiệp” vẫn đi theo, đeo bám, lên facebook hay đùa quảng cáo nhà. Chỉ sợ nó đeo bám hơn một kiếp cho nên lên facebook hay ghẹo mọi người.
Vô minh chờ đợi lôi ta về phía nó. Nhất cử nhất động cũng có thể vô minh. Không làm gì thì bớt vô minh. Nghe như tiêu cực, nhưng phần nào đúng.
Bản chất của vô tác là “phật tính” trong chúng ta và trong vạn vật, giống như chúng ta ở trong ngôi nhà kia, trên một thảo nguyên bát ngát xanh tươi, không khí trong lành, và tất nhiên không nghĩ gì cả. Rất khó để không nghĩ gì cả.

Related post