Vô ngã (無我): Từ bằng chứng đến thực hành

 Vô ngã (無我): Từ bằng chứng đến thực hành
Vô ngã (無我): Từ bằng chứng đến thực hành
(Nobody: from evidence to practice)
Có rất nhiều bạn trẻ thắc mắc về vô ngã, mặc dù đã viết và sưu tầm 5 bài về chủ đề này. Lần này, mình đề cập lại vô ngã ở một góc nhìn khác. Giáo lý nhà phật thâm sâu. Mà vô ngã lại là tinh hoa của phật giáo. Mình cũng như bạn vậy đó, không giải thoát được hay không thấy được niết bàn, thì mình cố gắng, đứng ở đàng xa, để có thể ngửi lấy hương hoa hay có thể chiêm bái vẻ đẹp hoàn hảo của nó. Nội dung bài viết có 2 phần về (1) khoa học con người, vô ngã và nhân duyên; và về (2) thực hành vô ngã.
(1) Khoa học về con người, vô ngã và nhân duyên
Những khám phá khoa học gần đây cho ta thấy rằng vô ngã là một sự thật. Ví dụ như óc ta có hàng tỷ tế bào (neuron), nhưng không có tế bào óc nào làm chủ để ra lệnh, sai khiến. Những tế bào thông tin với nhau nên khi một tư tưởng phát sinh thì đó là thành quả của tất cả neuron. Các nhà khoa học thần kinh nói rằng bộ óc của con người giống như một dàn nhạc, trong đó mỗi nhạc sĩ đều đang sử dụng một nhạc khí mà không có nhạc trưởng. Cơ thể của ta được làm ra bởi biết bao nhiêu là tế bào, mà không có tế bào tự xưng là ông chủ.
Các khám phá khoa học đã chứng minh và xác nhận vô ngã là một sự thật, nhưng vấn đề là ta có áp dụng được tuệ giác vô ngã đó vào trong đời sống hằng ngày để ta bớt khổ hay không?
Thực tại là vô ngã mà ta cứ nghĩ nó là ngã thì ta khổ, ta vô minh. Vấn đề không phải là câu nói mà vấn đề là có áp dụng được câu nói đó vào đời sống của mình hay không.
Mưa đã là rơi, sự có mặt của mưa là rơi. Gió đã là thổi, sự có mặt của gió là thổi. Sự có mặt của cái bàn là công dụng của cái bàn.Triết học phương Đông nói: Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử. Chủ từ và chủ từ là một. Cha mà không làm cha thì không phải là cha. Vua phải đích thực làm vua, dân phải đích thực làm dân, cha phải đích thực làm cha, con phải đích thực làm con. Quân quân là vua làm vua, thần thần là dân làm dân, phu phụ là cha làm cha, tử tử là con làm con. Sự có mặt của ta chính là hành động của ta. Mỗi một danh từ đều là động từ, vì vậy ta không cần phải có một chủ từ nằm ngoài động từ, không cần có một tác giả nằm ngoài tác nghiệp.
Chúng ta nghĩ rằng phải có một cái ngã thì mới thoát khỏi luân hồi và đi vào niết bàn. Không có ngã thì ai thoát luân hồi, ai vào niết bàn? Không có ngã thì ai thấy, ai nghe, ai tu, ai tạo nghiệp và ai tiếp nhận quả báo? Không có ngã thì ai thấy, ai hiểu được phật pháp? Nhà phật dạy nếu một người, trong khi tiếp xúc mà không bị kẹt vào xúc, không đứng trong cái kẹt đó và thấy không cần có một cái ngã thì người đó thấy được sự thật, tức là người đó thấy pháp và hiểu pháp. Khi những điều kiện có đủ thì tự nhiên sự vật biểu hiện và khi những điều kiện không đủ nữa, thì hiện tượng đó không còn. Ta không cần vai trò của một cái ngã.
Khi những điều kiện có đủ để cái khổ phát sinh thì khổ phát sinh, khi những điều kiện có đủ để cái khổ tiêu diệt thì cái khổ tiêu diệt, không có chủ thể nào đứng ra chủ trương làm cái khổ phát sinh hay tiêu diệt.
Người đời vì bị kẹt vào trong các cảnh giới của nhận thức cho nên tâm họ bị ràng buộc. Nếu một người không tiếp nhận, không nắm bắt và không đứng trong cái kẹt ấy, chấp vào một cái ngã thì người ấy sẽ thấy khi điều kiện có đủ để cái khổ sinh thì cái khổ sinh và khi có đủ điều kiện để cái khổ diệt thì cái khổ tiêu diệt, trong đó không cần phải có một cái ngã và không cần phải có những ý niệm có và không, những ý niệm có và không không thể áp đặt vào được.
Không cần phải có một chủ thể, khi điều kiện có đủ thì sự vật biểu hiện và khi điều kiện không còn đủ thì sự vật tiêu diệt. Sự giải thoát cũng như thế. Người ta cứ nghĩ rằng có một cái ngã đi luân hồi, đi vào thân xác này rồi đi ra khỏi thân xác này để đi vào một thân xác khác và đi vòng vòng như vậy. Đó là quan niệm về luân hồi của Bà la môn giáo. Nhà phật không công nhận quan niệm đó, nhưng trong nhà phật có người chưa thấy được vô ngã nên tin vào luân hồi có màu sắc của Bà la môn giáo hơn là Phật giáo.
Tuy nhà phật có tiếp thu giáo lý về nghiệp, về luân hồi và về báo nhưng giáo lý và sự hành trì của nhà phật về nghiệp, về luân hồi và về báo rất khác với Bà la môn giáo. Chúng ta phải hiểu luân hồi, nghiệp và báo dưới ánh sáng của vô ngã: “Có sự liên tục, có nghiệp, có luân hồi, có quả báo nhưng không cần có một cái ngã”. Nước có thể luân hồi thành nước đá, nước đá có thể luân hồi thành mây, mây có thể luân hồi thành dòng sông, có một sự liên tục với nhau nhưng không cần có một cái ngã, một cái ta bất di bất dịch mới có thể luân hồi. Câu “gieo bắp thì được bắp, gieo đậu thì được đậu“ rất đúng nhưng không cần phải có một cái ngã. Nhà phật chủ trương: Khi các điều kiện đầy đủ thì hạt bắp trở thành cây bắp và trái bắp mà không cần phải có một cái ngã trong đó.
Khi điều kiện đủ thì tự nhiên có nghiệp, khi điều kiện hết thì nghiệp cũng không còn mà không cần phải có một cái ngã trong đó. Vô ngã là tinh hoa của nhà phật. Trong cộng đồng của nhà phật có biết bao nhiêu người, mà người hiểu được pháp và chứng ngộ thì rất ít. Phần lớn đều là những tín hữu và cái hiểu của họ còn vướng mắc vào ý niệm ngã rất nhiều. Nhưng chúng ta phải để cho họ đi từ từ. Muốn hiểu được phật ta phải thấy được vô ngã.
(2) Thực hành vô ngã
Đạo là con đường, nhưng đi trên con đường đạo không như đi trên đường cái. Đường cái dễ đi, dễ đến, có khoảng cách rõ rệt, bao nhiêu cây số là bấy nhiêu thời gian tương ứng, có điểm khởi hành, có điểm đến hẳn hoi. Nhưng đường đạo thì không như thế. Khi bắt đầu tu gọi là khởi điểm, mà khởi điểm ở tại tâm. Tu hành gọi là đi, mà đi để đạt đến đích giác ngộ, cũng tại tâm.
Thế mà tại sao đi mãi vẫn không đến? Đó chính là vì cái ta, cái ngã cứ ngăn chặn làm cho trễ nãi, biếng nhác, sa ngã, bước được một bước thì bị lục căn lục trần (xem lại bài cũ) xen vào kéo lui ba bước. Muốn tinh tấn tu hành nhưng cái ngã nó xen vào và bảo: Để ta ăn cái đã, để ta ngủ cái đã, để ta coi cái đã, để ta nghe cái đã. Cái ngã chấp đó càng bành trướng càng gây tai họa. Ngã chấp của ta càng to càng dễ gây đụng chạm với cái ngã của người khác. Người khác cũng bồi bổ cái ngã của họ nên lại va chạm với ta. Ví như có một ngôi nhà rộng thênh thang mười người ở không hết, thế mà một khi những người ở trong đó để cái ta nổi lên thì sẽ va chạm nhau đến nỗi rốt cuộc mỗi người đi mỗi ngã, khi còn một người mà vẫn thấy chật. Đó là vì ngã chấp. Các ví dụ bên dưới minh họa vấn đề ngã chấp này:
Ví dụ số một
Ngày xưa có một linh hồn sau nhiều kiếp tu luyện, đến thiên đàng gõ cửa thượng đế và thượng đế hỏi:
— Ai đó?
— Tôi, linh hồn đáp.
Thượng đế hỏi:
— Tôi là ai?
— Tôi là tôi.
Thượng đế bảo:
— Ở đây không đủ chỗ cho ta và ngươi cùng ở. Ngươi hãy đi nơi khác.
Linh hồn ấy trở lui về trần gian tu luyện thêm một ngàn năm nữa, sau đó lên trời gõ cửa lại.
Thượng đế hỏi:
— Ai đó?
Linh hồn đáp:
— Tôi
— Tôi là ai?
— Tôi là ngài, linh hồn đáp.
Khi ấy thượng đế liền mở cổng cho vào.
Thí dụ trên cho ta thấy, một ngàn năm trước tôi là tôi, tức là còn ngã chấp, thì không vào thiên đàng được. Một ngàn năm sau, tôi là ngài, mới vào được, vì hết ngã chấp. Vì ta với mình tuy hai mà một.
Niết bàn là cái tuyệt đối không dung ngã. Niết bàn không có hạn lượng, không có nơi chốn, vì niết bàn vô tướng, vì là vô tướng nên rất khó vào. Muốn vào niết bàn, ta cũng phải vô tướng như niết bàn. Cửa niết bàn rất hẹp, chỉ bằng tơ tóc nên ta không thể mang theo một hành lý nào mà hy vọng vào niết bàn được cả. Cái thân đã không mang theo được, mà cái ý niệm về tôi, về ta, cũng không thể mang theo vào được. Cái ta càng to thì càng xa niết bàn. Nên biết hễ hữu ngã thì luân hồi mà vô ngã thì là niết bàn chứ không phải đòi hỏi có cái ta để vào niết bàn.
Ví dụ số hai
Một hôm có người đến hỏi thiền sư:
-“Đạo ở đâu?”
Sư đáp: “Đạo ở trước mắt”
– “Sao tôi không thấy?”, người ấy hỏi.
Thiền sư đáp: “Vì ngươi đang bận nghĩ tới cái ta, cho nên không thấy”
-“Còn thiền sư có thấy không?”, người ấy hỏi.
Thiền sư đáp: “Hễ còn bận nghĩ tới cái ta và ngươi thì đều không thấy”
– “Khi không còn bận nghĩ tới cái ta và ngươi thì có thấy không?”, người ấy hỏi.
-Thiền sư đáp: “Khi không còn có tâm phân biệt hay bận nghĩ tới ta và ngươi, thì bấy giờ ai hỏi đạo ở tại đâu?”
Giả sử lúc đó người ấy hỏi thiền sư niết bàn ở tại đâu thì chắc thiền sư cũng đáp tương tự như thế, và câu đáp cuối cùng hẳn là: “Khi không còn có tâm phân biệt bận nghĩ tới cái ta và ngươi thì bây giờ ai hỏi niết bàn ở tại đâu? Sao tôi không vào được? Vì đã không còn tâm phân biệt bận nghĩ tới cái ta và ngươi thì tức lúc ấy tâm thanh tịnh không còn vọng tưởng tham ái, tức là niết bàn đó rồi, chứ có phải ở đâu xa xôi mà phải tìm phải kiếm?”
Vậy cho nên cần phải biết: Niết bàn chính là từ bỏ ba độc tham, sân, si do ngã chấp gây nên. Vô ngã là niết bàn. Giờ phút nào cởi bỏ được ba độc, giờ phút đó là niết bàn. Cho nên chúng ta thấy niết bàn vừa là cái chung, vừa là cái riêng. Cái chung là ai cũng tu được, vào được. Cái riêng là chỉ ai tu người ấy đắc.
Nhà phật không bưng niết bàn đến cho ta ngồi lên. Nhà phật chỉ dạy cho ta con đường tu chứng niết bàn mà thôi. Nhà phật dạy:
“Ai còn tham luyến (tức còn ngã ái chấp đây là cái của tôi, ngã mạn chấp đây là tôi, ngã kiến chấp đây là tự ngã của tôi), thời có dao động. Ai không tham luyến, thời không dao động. Ai không dao động, thời được khinh an. Ai được khinh an, thời không cố chấp. Ai không cố chấp, thời không có đến và đi. Ai không có đến và đi, thời không có diệt và sanh. Ai không có diệt và sanh, thời không có đời này đời sau, không có giữa hai đời. Đây là sự đoạn tận khổ đau”.
Cũng chú thích cho các bạn là khinh an an là gì? Là một trong 11 tâm sở thiện, tức cái trạng thái nhẹ nhàng, thư thái, nhàn hạ của một người không còn tiếc nuối, sợ sệt, lo âu, phiền muộn, hay vướng mắc trước bất cứ một đối tượng hay hoàn cảnh nào, an trú pháp lạc ngay trong hiện tại.
Vậy thì nói phật độ chúng sanh là gì? Ở đây chúng ta cần phân biệt chữ “độ” và chữ “cứu rỗi”. Chữ “cứu rỗi” thì chỉ cần đức tin, tin có một đấng tối cao, đấng ấy sẽ rước ta vào cõi phúc lạc của người ở một nơi nào đó, nếu ta đầy đủ lòng tin. Trái lại chữ “độ”, nghĩa là vượt qua, có nghĩa là làm cho chúng sanh thấy rõ rằng: chính vì bản ngã mà nổi chìm trong biển phiền não sanh tử. Vậy chỉ cần trừ cái ngã chấp thì phiền não không còn đất đứng. Khi phiền não đã trừ thì kiến hoặc, tư hoặc, vô minh hoặc cũng dứt mà vượt qua bờ giác. Khi phiền não chấm dứt thì dù bất cứ đang ở đâu, bất cứ giờ phút nào cũng là niết bàn, không cần phải cất bước đi đến một nơi nào cả để tìm cõi niết bàn. Bởi thế nhà phật dạy luôn luôn quán vô ngã, bốn đại, năm uẩn tạo nên thân này đều là những thứ do duyên ở ngoài kết hợp lại mà thành chứ cái thân “đồng nhứt” với cái ngã thì không thực có.
Đức Phật được tôn xưng là đấng Pháp vương vì ngài tự tại với tất cả các pháp, vào tất cả thời, xứ. Dù ở đâu ngài cũng không bị dính mắc vào sáu trần, không bị chúng lôi kéo. Nên chúng ta phải biết, nếu chúng ta đối với một việc gì trong một thời gian nào đó mà được tự tại, không bị nó lôi kéo, chi phối, thì ta cũng đáng được gọi là vua của pháp đó, nhưng chỉ đối với một việc đó, trong một thời gian đó mà thôi, còn ở giờ khác, đối với việc khác, thì ta lại bị ràng buộc, cho nên ta không được như phật xưng là Đấng Pháp Vương đối với toàn diện các pháp và tất cả các thời, xứ.
Muốn được như phật phải quán vô ngã luôn luôn. Quán vô ngã thì tất cả cái gọi là: phải, trái, được, thua ở đời đều là một cái duyên cho ta tu, hoặc trở thành bình thường không có gì bận tâm cả. Quán vô ngã cũng như người võ sĩ luyện thân thể cho rắn chắc. Khi chưa rắc chắc thì dễ bị quật ngã trước một tác động bên ngoài. Người tu vô ngã cũng vậy, khi chưa thuần thục còn nhiều ngã chấp thì dễ đau khổ trước một lời nói độc. Nếu khi ngã chấp tiêu bớt, thì chỉ còn thấy đau khổ sơ sơ và cuối cùng thì không còn ngã chấp thì cũng không còn chút đau khổ nữa.
Kinh Pháp Cú nói:
“Như ngọn núi kiên cố
Không gió nào lay động
Cũng vậy giữa khen chê
Người trí không dao động”
(Pháp Cú câu 81)
Cái trí ở đây chính là cái trí thấy lý vô ngã vậy.

Related post