Vô minh

 Vô minh
Vô minh
(Ignorance)
Có nhiều dạng vô minh, nhưng hôm nay mình chỉ đề cập vào vô minh do cái trí. Vô minh là một loại hiểu sai, là cái mê mờ, ngu si, hoặc
(i) hiểu đơn giản hơn (tư duy “thấy cây mà không thấy rừng”) so với cái vốn có của sự vật và hiện tượng.hay;
(ii) hiểu phức tạp hơn (tư duy “dùng đại bác bắn chim sẻ”) so với cái vốn có của sự vật và hiện tượng.hay;
(iii) tư duy ỳ (tư duy theo quán tính, thói quen, lối mòn, tri thức sẵn có) hay;
(iv) không phát ra được ý tưởng hay năng suất phát ý tưởng thấp.
Nói về vô minh ở mức độ bậc thấp hay nông cạn như hiểu lầm về sự tốt, xấu của bản thân hay của người khác.
Ví dụ một: Ta nhìn một người rất xinh đẹp, ta nghĩ họ đẹp là do tác động của nhân tạo, tức phẫu thuật thẩm mỹ, đôi khi không phải vậy. Nét đẹp thật sự, nó đẹp thẳm sâu và làm người khác ưu ái, nên khi nhìn một người xinh đẹp, chúng ta hay quý mến. Thường người ta hay nói: “Người có ngoại hình tốt được quý mến, dễ xin được việc làm, dễ thành công và giàu có trong cuộc sống”.
Nhưng vì vô minh nên hiểu sai là đẹp là do phẫu thuật thẩm mỹ và hiểu sai là quả này sinh ra quả kia. Cái quả xinh đẹp sinh ra quả người ta quý mến, sinh ra quả dễ thành công trong cuộc sống và sinh ra quả giàu có. Đây là vô minh theo dạng bậc thấp (Chú thích 1).
Không phải vì ngoại hình tốt mà sinh ra tất cả, mà vì một cái gốc rễ là “phước” bên trong trổ ra nhiều loại quả cùng một lúc:
(i) một quả là xinh đẹp;
(ii) một quả khác là được người ta quý mến;
(iii) một quả khác nữa là dễ thành công trong cuộc sống; và,
(iv) một quả nữa là giàu có trong cuộc sống.
Ngược lại, có những gốc rễ không cho một quả nào cả.
Thứ nhất, hiểu nhầm cái đúng sai, tốt xấu nơi người khác, đó cũng là vô minh. Mình hiểu nhầm cái tốt xấu nơi chính mình cũng thành “cái tội”, còn ở nơi người khác, thì nó thành “cái nghiệp”. Ví dụ gặp người tốt mà ta nghĩ rằng người đó không tốt là “tổn phước”; hoặc mình gặp người xấu mà ta cứ tưởng người tốt thì đầu tiên mình bị lừa, kế đến ta cũng “tổn đức” của mình. Loại vô minh này bắt đầu làm xuất hiện cái nghiệp khiến ta bị tổn đức, tổn phước.
Thường chúng ta không muốn đánh giá một ai đó, nhưng khi tiếp xúc với người khác, tự nhiên tâm mình đưa ra một sự đánh giá. Và khi tâm ý khởi lên thì nghiệp nằm ngay chỗ đánh giá đó. Mà việc đánh giá người khác rất khó chính xác, nên chúng sinh hay bị tạo nghiệp ở khía cạnh này. Chỉ khi ta đánh giá chính xác thì ta mới không bị tổn phước.
Hiểu nhầm rất đáng sợ, vì nó tạo thành cái nghiệp, dắt ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, khiến ta cứ trầm luân sinh tử trong khổ đau. Chúng ta chưa giải thoát được, vì chúng ta hiểu sai nhiều quá, còn bị ràng buộc bởi những cái nghiệp do sự hiểu sai tạo ra.
Thứ hai, là hiểu nhầm về cái đúng sai, tốt xấu trong con người mình. Hầu hết tất cả chúng ta đều bị tâm lý rằng: Ta tốt rồi, ta làm vậy tốt rồi, ta sống vậy được rồi, ta đối xử với ai đó vậy được rồi và những cái khác nữa. Nhưng xin thưa, ý nghĩ đó nhầm, tưởng vậy chưa được, vì nó vẫn còn có cái đúng hơn, tốt hơn nữa. Chính cái ý nghĩ “được rồi đó” là sự hiểu nhầm lớn cho bản thân mình, và cái hiểu nhầm này nó đóng “con đường thiện lành” lại, làm cho ta không tiến tới tốt hơn được nữa.
Việc hiểu sai này xuất phát từ tâm lý đề cao bản thân, kiêu ngạo, hay biện minh cho lỗi lầm của mình và đổ lỗi cho người khác. Cái vô minh này rất khó nhìn thấy, vì chúng ta hay tự lừa dối chính mình, luôn cho mình đúng. Nên ta lúc nào cũng cần một người phản biện ngược lại mình, làm ta cảnh tĩnh. Nhân quả ở nơi chính mình, nếu ta mắc phải loại vô minh này, cái tội bắt đầu được hình thành.
Ví dụ hai: Có một người do vô minh, ngày nào cũng đưa rượu bia vào người. Thận của người này làm việc hết công suất và đưa đến bệnh về gan, vàng vọt nước da. Trong người quả thật là không có hệ thống báo động về mức độ bệnh: “Ê, Sao mầy ngu dữ vậy? Mầy ngược đãi bản thân dữ vậy!” “mầy đối đãi với bản thân mầy tồi tệ đến như vậy, thì mầy cũng đối đãi không tốt với ai nữa đâu!”.
Đến khám bác sĩ, bác sĩ chửi: “Sao ngu dữ vậy? Nước trắng sao không uống mà lại đi uống rượu bia?”
Bác sĩ dẫn bệnh nhân này ra sau vườn và thử nghiệm trên con bò. Lấy ra một xô rượu trắng và một xô nước trắng. Con bò đến ngửi xô rượu trắng, nó không uống và uống sang xô nước trắng.
Bác sĩ nói ngay: “Đó, thấy chưa. Bò mà còn biết lựa nước trắng mà uống, sao ông lại đi uống rượu? Ngu quá!”
Bệnh nhân quay sang hỏi bác sĩ: “Vậy chứ bác sĩ uống gì?”
Bác sĩ đáp ngay: “Thì uống nước trắng”
Bệnh nhân nói: “Hèn chi giống bò quá!”
Bạn có thấy không, người bệnh nhân này đi từ vô minh này dẫn đến vô minh khác, từ vô minh do hiểu sai mình và vô minh do hiểu sai người, mà không có cơ duyên nào thoát ra được.
Để tránh được sự hiểu sai, sớm được giải thoát giác ngộ về trí, chúng ta điểm qua một số nguồn gốc xuất hiện vô minh. Thứ nhất, con người ai cũng tò mò nhưng sự “hiểu biết lại hạn hẹp” nên thường đưa ra những suy đoán chủ quan, thiếu chính xác. Thứ hai, ta ít nói sự thật, dẫn đến nhân quả là ít hiểu về sự thật. Thứ ba, ta bị tình cảm cá nhân chi phối.
Chúng ta phải hết sức cẩn thận khi đánh giá phải – trái; đúng – sai đối với bản thân mình và với người khác, vì tâm ta mới chỉ khởi lên ý nghĩ là cái tội đã được hình thành rồi. Chúng ta thấy cái sai nhưng phía sau nó biết đâu lại có cái đúng. Cũng như vậy, người tốt vẫn còn cái xấu và người xấu thì vẫn có cái tốt, không nên đánh giá một cách vội vàng. Chúng ta đừng tin vào cái đánh giá trong tâm ta mà phải suy xét, kiểm tra kỹ lưỡng. Đồng thời, phải nghiêm khắc với bản thân, luôn biết tự khiêm hạ và thấy mình nhỏ bé.
Ngoài ra, ta cố gắng để cho tâm thanh tịnh để dễ biết được sự thật, dễ có trực giác, không bị tình cảm cá nhân lấn át lý trí. Bên cạnh đó, ta phải sống chân thật thì mới có cái phúc để hiểu sự thật, hiểu về bản thân mình cũng như hiểu về người khác. Sau cùng, chúng ta chịu khó học hành, mỗi ngày một chút để có thể khai thông cái trí.
——————————
Chú thích 1: Vô minh ở một mức độ sâu hơn là khi mình đã hiểu hết mọi điều nhà phật dạy, có thể giảng lại cho người khác hiểu được triết lý nhà phật và thực hành theo những gì mà học được. Tuy nhiên, vẫn có khả năng trở lại ban đầu nguyên thủy và làm lại từ đầu. Phải bắt gặp lại giáo lý nhà phật ở dạng khác, hiểu lại, làm cho người hiểu và thực hành lại. ​
Còn vô mình tột cùng nhất là phải đợi chứng tới phật mới thấy, mà cái vô minh sâu thẳm nhất thì ta không định nghĩa, không dùng lời nói diễn tả được, không dùng trí óc mình để hiểu ra được vì nó sâu quá, chỉ có phật, ở cái giây phút chứng được phật, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi rồi mới hiểu “À, thì ra cái vô minh nào giờ là ở chỗ này”.

Related post