Tuyển sinh 2022: Không nên ‘bỏ trứng vào 1 giỏ’

 Tuyển sinh 2022: Không nên ‘bỏ trứng vào 1 giỏ’

Học sinh THPT tham gia ngày hội Tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Cần Thơ 2022.

Mùa tuyển sinh năm trước, nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt đại học. Để không rơi vào tình cảnh này, các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh phải lượng sức mình và không nên “bỏ trứng vào 1 giỏ”.

Nên đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức

Thực tế cho thấy, kết quả tuyển sinh trong những năm qua đã thể hiện mặt tích cực, tạo thuận lợi cho thí sinh, nhất là trong điều kiện khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, những hạn chế trong năm 2021 cần được bàn thảo và khắc phục… Đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho biết, nhiều hạn chế của kỳ tuyển sinh đại học năm trước như: Tỷ lệ thí sinh ảo cao do không nhập hết số liệu tuyển sinh bằng các phương thức khác khiến hệ thống lọc ảo không đem lại hiệu quả cao.

Nhiều trường sử dụng đồng thời các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu không hợp lý, hoặc tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu công bằng đối với thí sinh, gây hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Ví dụ: Điểm trúng tuyển cao bất thường, thí sinh 30 điểm không đỗ vào ngành học đã chọn… Đơn cử như các ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Hàn Quốc học hay Sư phạm tiếng Hàn Quốc có điểm chuẩn cao, thậm chí có trường lấy mức tuyệt đối.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Hà Nội. Ảnh: TG

Thống kê cho thấy, trong kỳ xét tuyển năm 2021, số thí sinh đạt 27 điểm thực (tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là hơn 100 em; trong đó có 3 em đạt tổng điểm trên 28 điểm. 51 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự (có 10 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất). Trên 100 thí sinh xét tuyển vào các trường công an, quân đội; trong số đó có 97 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất.

Để không rơi vào tình trạng trên trong mùa tuyển sinh năm nay, TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội – tư vấn: Thí sinh cần so sánh điểm trúng tuyển 3 năm gần đây với kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến). Ngoài ra, để tăng cơ hội trúng tuyển, các em nên đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau.

“Chẳng hạn, với ngành tiếng Hàn, sĩ tử có thể đăng ký xét tuyển bằng phương thức kết hợp của Trường ĐH Hà Nội nếu hội tụ đủ điều kiện theo quy định của trường. Bởi chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức kết hợp năm nay lên tới 45% tổng chỉ tiêu của ngành học này” – TS Nguyễn Tiến Dũng thông tin, đồng thời bật mí: Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào ngành tiếng Hàn chất lượng cao của Trường ĐH Hà Nội. Tuy học phí cao hơn nhưng cơ hội trúng tuyển sẽ nhiều và chương trình học cũng có điểm ưu việt hơn.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Ảnh: TG

Căn cứ vào tiêu chí

TS Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – khuyến cáo: Thí sinh nên chọn ngành, trường gần với mức điểm của mình và chọn nhiều phương án khác nhau (nhiều nguyện vọng xét tuyển). Hiểu một cách đơn giản, các em biết phải lượng sức mình và không nên “bỏ trứng vào 1 giỏ”. Bởi các trường sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.

Theo TS Phạm Như Nghệ, mỗi trường có nhiều phương thức xét tuyển nhưng không quá 4 phương thức/ngành. Thí sinh căn cứ vào tiêu chí, điều kiện tuyển sinh của trường và kết quả thi/học tập của mình để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. “Trong các phương thức, học sinh nên lựa chọn phương thức có lợi nhất cho mình (lựa chọn theo thế mạnh) hoặc có thể lựa chọn nhiều phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển” – TS Phạm Như Nghệ trao đổi.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, việc gia đình, bạn bè, người thân, nhất là những người có kinh nghiệm tư vấn lựa chọn ngành nghề, trường học là cần thiết. Bản thân thí sinh cũng phải biết năng lực, sở trường của mình như thế nào… Ngoài ra, các em cần biết kết hợp nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra quyết định lựa chọn cho mình. Tuy nhiên, quan trọng là chọn ngành phù hợp với mình nhất. “Lưu ý, ngành mình thích nhất chưa chắc đã là phù hợp với mình nên thí sinh cần cân nhắc giữa hai yếu tố: Thích nhất và phù hợp nhất khi lựa chọn ngành học, trường học sao cho đúng và trúng” – TS Phạm Như Nghệ nhấn mạnh.

Trước băn khoăn của nhiều thí sinh về việc lựa chọn ngành học, trường học, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, rất khó để có công cụ cho việc lựa chọn ngành học, trường học. Nhưng thí sinh cần lưu ý một số tiêu chí như: Kết quả học tập so với yêu cầu của trường, rà soát điểm trúng tuyển của một số năm trước so với kết quả học tập của mình; đặc biệt cần lưu ý các điều kiện, tiêu chuẩn của trường, kể cả tiêu chí phụ. Ngoài ra, tất cả trường đại học đều công khai đề án tuyển sinh và có bộ phận giải đáp về tuyển sinh, các em có thể tìm hiểu về trường học, ngành học mà mình dự định xét tuyển.

Trước đó, Bộ yêu cầu các trường đại học cân nhắc kỹ việc điều chỉnh, xác định chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh trong cùng một ngành, đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Nếu mỗi phương thức tuyển sinh hoặc mỗi tổ hợp môn thi có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh các trường phải giải trình được căn cứ phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức hoặc từng tổ hợp. Các trường cần tránh để xảy ra hiện tượng như năm 2021 khi có những ngành điểm trúng tuyển tăng vọt dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều.

“Thí sinh cần xem thích ngành nào và lý do vì sao thích ngành đó. Ngành đó có phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện thực tế của bản thân, gia đình hay không. Đặc biệt, các em nên tìm hiểu thị trường lao động của địa phương và cả nước, thậm chí là thị trường lao động quốc tế trước khi đăng ký xét tuyển vào ngành học, trường học”. – TS Phạm Như Nghệ

Theo: Giáo Dục Thời Đại

HongLien

Related post