Thói quen xem thường “trẻ con” trong giáo dục,
Cách dạy học ở bậc phổ thông giống như cho ăn lương thực (food feeding) chứ không phải lương thực cho tư duy (food for thought). Tất cả có khuôn mẫu đặt định sẵn (văn mẫu, toán mẫu, hình thức mẫu và những thứ khác). Ai đi ra ngoài những giới hạn mẫu được đánh giá thấp. Nhưng thế giới này thiên hình vạn trạng, thì bao nhiêu cái khuôn cho đủ (nhà em có nuôi một ông ngoại, bà em thì già nua, má em thì tần tảo, chị em thì chăm chỉ,… ). Tất cả thế giới, vạn vật phải theo những cái khuôn này, theo kiểu tư duy nhà binh.
Trên thế giới, giáo dục phổ thông dạy trẻ phát triển cách tiếp cận trực giác (intituive approach). Tiến trình này đơn giản dạy từ quan sát thế giới: quan sát (observing), cảm giác tự nhiên (natural feeling), tin tưởng (believing), kiểm tra hay so sánh (testing or comparing), khái quát hóa (generalizing) và cuối cùng trở thành tri thức trẻ (knowledge).
Đề tài giáo dục rộng quá, tôi chỉ muốn đưa ra một ví dụ cụ thể về một bé gái 7 tuổi ở Hoa Kỳ, có thể với cách giáo dục này, bé phát hiện ra vấn đề mất bình đẳng giới mà bé quan sát được.
Trang mạng của tổ chức Sociological Images đăng tải “khuôn mặt xã hội” của tháng giêng 2014 rất dễ thương. Đó là lá thư của một cháu bé 7 tuổi ở Hoa Kỳ viết thư cho công ty đồ chơi Lego than phiền về “bình đẳng giới”.
**dịch lại**
25 tháng 1 năm 2014
Kính thưa quý công ty Lego,
Tên cháu là Charlotte, cháu 7 tuổi và yêu thích Lego, nhưng mà cháu không thích là có nhiều Lego nam mà gần như không có Lego nữ.
Hôm nay, cháu vào một cửa hiệu và quan sát Lego ở hai khu: màu hồng cho con gái và màu xanh cho con trai. Tất cả những việc Lego con gái phải làm là ngồi nhà hoặc là ra bãi biển và đi mua sắm, và họ chẳng có nghề nghiệp gì cả. Trong khi con trai thì lại được phiêu lưu mạo hiểm, làm việc, cứu người và có công ăn việc làm, dạ còn bơi chung với cá mập nữa.
Cháu mong các bác hãy chế nhiều biểu tượng Lego nữ thêm nữa và cũng được phép phiêu lưu và được phép vui chơi nữa OK!?!
Xin cám ơn,
cháu Charlotte Benjamin
Tôi thấy trên đại học, một số bạn trẻ tốt nghiệp nước ngoài về, đòi phải dạy cao học hay nghiên cứu sinh mới xứng tầm. Vì có dạy như thế thì kết hợp với làm nghiên cứu luôn. Một công hai việc. Tỏ vẻ rất coi thường sinh viên bậc đại học. Tôi nhận ra ngay vì trời cho tôi một cái rất nhạy cảm với cuộc sống này (tôi cũng khổ vì điều này). Tôi cho điều này là một dạng “vô minh”. Đi dạy học có quý học trò thì học trò quý lại.
Tôi từng nghe người thầy của tôi, nay đã về hưu, có nói: “Đi dạy học, nếu sinh viên học dở, mà mình dạy nó hiểu mới là hay; sinh viên trung bình mình dạy cho nó khá và sinh viên nó khá thì dạy cho nó giỏi; còn sinh viên nó giỏi thì dạy cho nó giỏi hơn. Nói nôm na là nâng cấp tụi nó lên, tạo động lực và truyền cảm hứng học tập cho nó”.
Tôi thật sự khâm phục và kính trọng thầy về triết lý giáo dục này. Đúng là một nhà sư phạm, nhà giáo mẫu mực, tận tâm và tận tụy.
Tôi chiêm nghiệm lại cũng thấy đúng, học viên cao học hay nghiên cứu sinh, nó có thể tự học được, giá trị gia tăng của mình gia cố cho nó không nhiều, nhưng với sinh viên bậc đại học thì nhiều hơn, vì nó bao gồm kiến thức cơ bản nền tảng, nhập môn, nguyên lý và thậm chí kể cả dạy làm người nữa.