Lớp học tại nhà Lớp học tại nhà của vợ chồng A Kâm của vợ chồng A Kâm

Lớp học tại nhà của vợ chồng A Kâm

Thắp ước mơ nơi rừng thẳm: Vợ chồng Ba Na truyền cảm hứng

Đã bao đêm A Kâm và Y Thoan trở mình thao thức, trăn trở chuyện gọi học trò đến lớp. Một sáng tinh mơ khi gà vừa cất tiếng gáy, họ dậy mua bánh kẹo, đợi lũ trẻ tan trường, dỗ các em đến nhà phát kẹo để dạy học. Từ đó, cư dân ven sông Đắk Bla quen với sự náo nhiệt nơi lớp học của vợ chồng người Ba Na.

Tình thầy

Mùa mưa Tây Nguyên, bầu trời xám xịt, cơn mưa rả rích trên con đường nhỏ nhấp nhô sỏi đá dẫn vào nhà vợ chồng A Kâm (làng Kon Ktu, xã Đắk Rơ Wa, thành phố Kon Tum). Hòa vào dòng sông Đắk Bla trong xanh uốn mình dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ là tiếng ê a đánh vần của các em học sinh.

Lớp học của vợ chồng anh A Kâm đơn sơ, 2 cái bảng đen được chia riêng biệt. Anh A Kâm bên trái dạy cho lũ trẻ học toán. Chị Y Thoan (27 tuổi) bên phải dạy cách đọc, viết môn tiếng Việt.Trong ngôi nhà nhỏ, dưới vài bóng điện đủ thắp sáng, hàng chục em học sinh, đôi mắt đen tròn, nước da nâu sạm ngồi chăm chú nghe giảng bài. A Kâm ngồi xuống hiên nhà nhẹ nhàng, câu chuyện của anh chầm chậm hòa vào từng giọt mưa tí tách. Câu chuyện, năm 2014, anh và Y Thoan tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum rồi nên duyên vợ chồng. Ngày đó, anh chị mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng không được, họ đành trở về quê nhà làm nông.

Yêu nghề, thương những đứa trẻ Ba Na trong làng lăn lóc chơi đùa giữa mưa, nắng, chẳng màng đến việc học. Vợ chồng anh quyết định mở lớp học miễn phí cho các em. Nói là làm ngay, A Kâm gõ cửa từng nhà trong thôn vận động học sinh đến lớp mình. Anh bảo: “Làng ở thành phố nhưng chất lượng học tập của các em không cao. Phụ huynh rất ít quan tâm việc học của con, vui thì cho con đến trường, buồn thì nghỉ. Tôi muốn thay đổi việc này, mở lớp dạy để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho học sinh trong làng”.

Không được sự đồng tình của phụ huynh, A Kâm lân la tìm lũ trẻ dỗ dành, nhưng với chúng lớp học không thú vị bằng những trò chơi giữa con đường bụi, chẳng no bụng bằng lúa ngô trên nương.

Mỗi đêm 2 vợ chồng trăn trở chuyện gọi học trò đến lớp. Y Thoan đưa ra ý tưởng mua bánh kẹo để dụ lũ trẻ đi học. Được chồng ủng hộ, buổi học đầu tiên của thầy A Kâm là tiếng cười đùa của con trẻ và những viên kẹo ngọt cái tình người. Mỗi ngày học sinh đến học càng nhiều, A Kâm phải chuyển ra trước khoảng sân nhà để dạy. May mắn khi biết anh mở lớp, một nhà hảo tâm mua tặng bàn ghế và bảng để phục vụ việc dạy học.

5 năm nay, đúng 5 giờ chiều các ngày trong tuần, lũ trẻ trong làng lại kéo nhau đến nhà vợ chồng A Kâm học, ôn bài. Hai vợ chồng anh còn dạy môn tiếng Anh, A Kâm nói, “Mong muốn sau này các em có thể góp phần phát triển du lịch địa phương”.

A Kâm hướng dẫn học sinh làm bài tập

Y Thoan chia sẻ, đồng lương chẳng được là bao. Những hôm rảnh, chị đi làm thuê để trang trải cuộc sống và lo cho lớp học miễn phí. Tuy khổ cực nhưng nhìn lũ trẻ chăm chỉ học, không quản mưa nắng, vợ chồng chị lại có thêm động lực để cố gắng. Khi thấy thành tích học tập của các em tiến bộ từng ngày đó là món quà to lớn đối với vợ chồng A Kâm.

Nghĩa trò

Dù cuộc sống của vợ chồng A Kâm còn nghèo khó, mỗi ngày trôi qua, đôi vợ chồng ấy gõ cửa từng nhà đem chữ truyền thụ cho học trò nghèo đã viết lên câu chuyện cảm động ở đại ngàn sâu thẳm. Mọi người nơi đây biết đến A Kâm không chỉ là một Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đắk Rơ Wa nhiệt tình mà còn là người thầy hết lòng vì học sinh nghèo.

Nở nụ cười hiền, chị Y Thoan bộc bạch: “Nhiều lúc xúc động bởi tình cảm của học trò. Vào ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, nhìn những bông hoa dại đủ màu sắc, những bó rau rừng củ sắn, được các em hái mang đến lớp tặng cho vợ chồng chị, chúng nói rằng: “Chúng em không biết tặng gì cả, năm ngoái tặng hoa rừng rồi năm nay phải đổi hoa sang rau, hoặc sắn thôi”. Học sinh ở đây chủ yếu là người Ba Na. Điều kiện sống của các em rất khó khăn vì bố mẹ làm nông, mọi thứ ở đây diễn ra thật giản dị nhưng vô cùng tình cảm”.

Ngồi cạnh vợ, ánh mắt A Kâm lấp lánh niềm vui. A Kâm vẫn nhớ như in chiều tối 20/2, gần đến giờ dạy, anh từ nhà già làng trở về, đến cổng nhưng nhà vẫn tối đen như mực, trong lòng cảm thấy bất an. Vừa bước chân vào nhà bất ngờ bài hát chúc mừng sinh nhật vang lên. Chiếc bánh kem nhỏ với ánh nến lung linh được đưa đến trước mặt cùng tiếng vỗ tay vui nhộn dành cho anh.

“Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ được thổi nến trong ngày sinh nhật. Khi nghe lời chúc mừng vụng về nhưng chứa chan tình của các cô cậu học trò tôi hạnh phúc đến phát khóc”, A Kâm xúc động.

Anh ngước nhìn về phía lũ trẻ đang cặm cụi viết bài, anh tiếp, tôi mong bản thân sẽ luôn có sức khỏe để tiếp tục duy trì lớp học, sẽ kiếm được nhiều việc làm hơn để có thêm kinh phí mở rộng lớp học. Khi đó các em sẽ có không gian rộng rãi để học tập.

A Kâm chia sẻ: “Tôi sẽ duy trì lớp học này đến khi nào không còn khả năng nữa. Mong muốn các em có thêm kiến thức để học tốt hơn trên trường. Có kiến thức, sau này các em sẽ bớt khổ và có thể góp phần phát triển kinh tế địa phương”.

E Y Tuynh (học sinh lớp 5 , trường Tiểu học và THCS Đắk Rơ Wa) cho biết: “Em học lớp thầy A Kâm 3 năm nay rồi. Ngoài học toán, tiếng Việt, thầy cô còn dạy thêm tiếng Anh. Nhờ thầy cô dạy thêm, em đến trường tiếp thu kiến thức tốt hơn và được thầy cô ở trường khen tiến bộ lên nhiều. Năm học vừa rồi em đạt học sinh giỏi của lớp. Em rất biết ơn thầy A Kâm và cô Y Thoan và muốn theo lớp này nhiều năm nữa”.

Màn đêm buông xuống, tiếng ê a đọc bài đều đặn hòa với tiếng khung dệt lách cách, tiếng rì rào nơi dãy núi trùng điệp xanh bạt ngàn cây cỏ bên cạnh dòng Đắk Bla đang cuồn cuộn như sức trai làng.

Bà Y Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Wa cho biết: “Trong công tác ở xã A Kâm luôn hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, A Kâm có nhiều đóng góp khi mở lớp học miễn phí giảng dạy cho con em trong làng. Lớp học của vợ chồng A Kâm góp phần nâng cao năng lực, chất lượng học tập của học sinh tại địa phương”.

>> Phần trước: Thắp ước mơ nơi rừng thẳm: Lên non mới biết…

NGUYỄN THẢO (TIỀN PHONG)

Exit mobile version