Tận cùng của lòng tin

 Tận cùng của lòng tin
Mình thảo luận lòng tin giữa con người với nhau. Ai cũng biết lòng tin là dạng trữ lượng (stock) giống như chữ đức vậy, chứ không phải luồng hay dòng (flow) giống như chữ tâm vậy. Lòng tin phải được gầy dựng, tích lũy theo năm tháng mới có được, từng chút một qua từng hành vi hay hoạt động chi tiết cụ thể.
(1) Tính chất bất đối xứng của lòng tin: khó tích lũy, dễ sụp đổ
Lòng tin khó khăn mới tích cóp có được, nhưng lại dễ dàng sụp đổ. Mà mỗi lần sụp đổ thì khó khăn mới gầy dựng lại, nếu không muốn nói là không thể. Bằng chứng là tôi có 2 người học trò ở tù ra mà xin việc hoài không được. Mặc dù trong văn hóa có nói là “đánh người chạy đi, chứ không đánh người chạy lại”. Đâu có đúng đâu. Điều này nó hoàn toàn khác với tài sản của bạn. Tài sản được tích cóp như thế nào, thì tiêu hao, mất mát cùng một nhịp độ như thế. Nhưng với lòng tin thì hoàn toàn bất cân xứng, khó gầy dựng nhưng lại dễ tiêu tan. Thật vậy, có những người trước kia là thần tượng của mình, nhưng hành vi tức thời của họ, làm cho họ tự tiêu tan trong mắt mình. Bởi vậy người thường nói “mua danh ba vạn, bán danh một đồng”. Chữ danh cũng là một dạng của lòng tin.
(2) Lòng tin và chi phí giao dịch
Lòng tin làm giảm chi phí giao dịch. Bạn làm ăn hay mua bán với ông A. Bạn tin ông A hay hình ảnh của ông A được cất giữ trong trái tim bạn. Khi bạn tiếp tục làm ăn với ông A nữa, thì bạn (i) cũng không cần thuê luật sư soạn thảo hợp đồng chi tiết nữa. Hợp đồng miệng là được rồi; (ii) Bạn cũng không cần thuê thám tử kinh tế để điều tra về các hoạt động kinh tế của ông A nữa; (iii) Bạn cũng không lo lắng hay tốn chi phí tâm lý (psychic costs) về ông A nữa. Tất cả những điều này có tác động làm giảm chi phí giao dịch cho bạn.
Có kinh nghiệm làm ăn lâu năm hay cùng chia sẻ một tín ngưỡng cũng làm giảm chi phí giao dịch. Có nhiều năm làm ăn chung thì có thời gian củng cố lòng tin. Chẳng lẽ họ gạt mình? Người Nhật thường nói là nếu họ gạt thì chỉ một lần, sau đó thì sẽ không còn muốn gặp họ nữa. Còn chia sẻ một tín ngưỡng cũng làm giảm chi phí giao dịch. Bạn có đạo mà bạn biết đối tác của bạn cũng có đạo. Bạn tuân theo giáo lý mà đạo giáo dạy cho bạn, thì bạn nghĩ đối tác của mình cũng vậy. Cho nên làm ăn không cần phải soạn thảo hợp đồng chi tiết, phòng khi đối tác lật lộng.
Nước Nhật làm việc trên cơ sở lòng tin, cho nên tốn ít chi phí giao dịch.
(3) Lòng tin có tính chất bắc cầu
Bạn thì tin ông C, mà ông C thì tin ông D về một vấn đề nào đó. Khi ông C tiến cử ông D cho bạn, để làm một vấn đề nào đó, thì lúc đó, mặc dù bạn không biết ông D, nhưng vẫn tin ông D, vì đã có sự giới thiệu, sự tiến cử từ một người đáng tin cậy, đó là ông C. Ngân hàng Grameen ở Bangladesh do giáo sư Muhammad Yunus (người được giải Nobel hòa bình năm 2006) khởi xướng năm 1974 là một bằng chứng thực thể cho ứng dụng này.
Lòng tin ban đầu của bạn đối với ông D thì hẳn là không bằng đối với ông C. Nhưng theo thời gian thì không hẳn là như vậy.
(4) Lòng tin trên diện hẹp và diện rộng
Một người “phó thường dân” mà làm mất lòng tin thì thiệt hại cho bản thân và người bạn của người ấy. Mất lòng tin trên diện hẹp. Nhưng một quan chức mà làm mất lòng tin, thì mất lòng tin trên diện rộng hay mất lòng tin xã hội. Quan chức càng lớn thì phạm vi thiệt hại càng lớn, có khi cả một quốc gia và khu vực.
(5) Đo lường lòng tin
Lòng tin cũng biến thiên theo thang điểm, chẳng hạn từ 0 (không tin gì cả) cho đến 100 (tin tưởng hoàn toàn).
Sau đây mình sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện về sự thiệt hại khi không tin tưởng nhau hoàn toàn.
Câu chuyện về đôi trai gái người Nga thương nhau trước chiến tranh thế giới lần thứ hai. Rồi chiến tranh xảy ra năm 1939.
Trước khi lên đường đi đánh giặc, chàng trai có nói: “Em đợi anh về nghen! Anh nhất định sẽ bình yên trở về và mình sẽ lấy nhau”.
Cô gái hứa: “Anh cứ đi đi! Em hứa sẽ đợi anh trong suốt cuộc đời này”.
Sau 6 năm (1939-1945), chiến tranh kết thúc. Cô gái vẫn chờ đợi chàng trai ở mái nhà xưa, làng quê cũ kỹ và với một lòng tin son sắt về sự trở về của chàng trai.
Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt và kể cả sau chiến tranh, cô gái bao giờ cũng nhớ đến chàng trai, ngay trong bữa ăn hay giấc ngủ. Khi ăn cô gái đều dọn 2 cái dĩa ăn, 2 ly rượu, cái áo của chàng trai máng sau cái ghế và ngay cả gói thuốc lá cũng mang ra để trên bàn. Việc này được lặp đi lặp lại hàng ngày như là sự may mắn hiếm hoi cho sự trở về của chàng trai.
Sau chiến tranh, cô gái vẫn làm như thế. Một hôm chuẩn bị, cô gái thấy mình đi chợ mua thiếu một vài củ hành, món gia vị ưa thích của chàng trai. Cô gái đã vội vàng chạy ra chợ mua gia vị này.
Trong lúc cô gái đi mua, thì chàng trai năm xưa đã trở về nguyên vẹn, bằng xương bằng thịt. Chàng trai bước qua bậc tam cấp, đến bên cửa thì cửa đã khóa. Chàng xoa lớp tuyết bám trên cửa sổ và nhìn qua cửa sổ thì thấy 2 cái dĩa ăn, 2 ly rượu, cái áo của người đàn ông máng sau cái ghế và ngay cả gói thuốc lá cũng có trên bàn. Chàng trai thoáng nghĩ “từng ngần năm tháng đã đi qua rồi, em đã không chờ đợi mình nữa”. “Mình thì quá yêu thương em và sẽ không bao giờ làm em khó xử nữa”. Chàng đã quay bước đi ra khỏi cái làng mà bao năm cất giữ con tim chàng.
Sau khi mua xong gia vị, cô gái quay trở về nhà và dường như linh tính mách bảo chàng trai đã trở về. Cô gái đã bắt gặp dấu tay trên cửa sổ và cô gái đã nhìn vào bên trong nhà. Dường như hiểu một điều gì đó, cô gái chạy khắp nơi tìm chàng trai.
Cô gái đã viết lại câu chuyện này và đăng trên tất cả các báo nước Nga và luôn có câu nhắn gửi: “Có ai đó trở về mái nhà xưa sau chiến tranh mà thấy như vậy thì hãy trở về đi vì … vì em đã hứa với anh rồi mà, em sẽ đợi anh đến suốt cuộc đời này mà!”.
Bạn có thấy chưa, lòng tin của hai người đến phút thứ 89 (trong bóng đá) mà cũng không thành. Phải tin đến phút 90, có nghĩa là phải chờ đợi cô gái về, hỏi cho ra nhẽ mọi thứ, đàng này vô minh đến ngu muội mà bỏ đi, mà đi với tâm hồn cao thượng là sợ người yêu bối rối và khó xử. Đó là cái giá phải trả cho việc không đi hết tận cùng của lòng tin.

Related post