Nỗ lực vươn lên của nhà vô địch Olympia
Trải qua những thất bại, Đặng Lê Nguyên Vũ (Trường THPT Bắc Duyên Hà, tỉnh Thái Bình) đã quyết tâm vươn lên và xuất sắc giành chiến thắng, trở thành quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 22.
Đặng Lê Nguyên Vũ, thí sinh duy nhất của cuộc chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” 2022 không đến từ trường chuyên, đã vượt qua 3 nhà leo núi khác là Vũ Bùi Đình Tùng (Trường THPT chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng), Bùi Anh Đức (Trường THPT chuyên Sơn La) và Vũ Nguyên Sơn (Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) ở cả 4 phần thi.
Quyết tâm khẳng định mình
Ở phần “Khởi động”, Nguyên Vũ giành được 70 điểm. Khi “Vượt chướng ngại vật”, dù không trả lời được từ khóa cần tìm nhưng Nguyên Vũ vẫn dẫn đầu với 105 điểm.
Qua phần “Tăng tốc”, Nguyên Vũ dẫn đầu với 175 điểm. Ở phần “Về đích”, Nguyên Vũ chọn gói 3 câu 20 – 20 – 20 điểm. Câu hỏi đầu tiên Nguyên Vũ trả lời chính xác nhưng 2 câu hỏi sau may mắn chưa mỉm cười với em. Kết thúc vòng thi “Về đích”, em có 175 điểm.
Kịch tính diễn ra khi Nguyên Sơn đã xuất sắc trả lời chính xác câu hỏi tiếng Anh của Đình Tùng, nâng điểm số lên 185, tạm dẫn đầu đoàn leo núi. Ở câu hỏi cuối cùng – lĩnh vực toán học, Đình Tùng lại không có câu trả lời, nhường cơ hội kiếm 30 điểm cho các thí sinh khác. Không bỏ lỡ cơ hội này, Nguyên Vũ đưa ra câu trả lời đúng, giành thêm 30 điểm.
Kết thúc cuộc thi, tổng số điểm của Đặng Lê Nguyên Vũ là 205, trở thành nhà vô địch “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 22. Em cũng là học sinh đầu tiên ở Thái Bình trở thành quán quân “Đường lên đỉnh Olympia”.
Ngay sau trận chung kết, Nguyên Vũ cho biết chiến thắng đến với mình như một giấc mơ. Khi giành quyền trả lời và đưa ra được đáp án câu hỏi cuối cùng của cuộc thi, em vẫn không nghĩ mình sẽ trở thành nhà vô địch.
Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” đã hoàn thành cuộc thi với 100% sức lực, nỗ lực, bởi đây là mục tiêu mà em luôn cố gắng, mong muốn đạt được từ rất lâu. “Chiến thắng hôm nay là một kết thúc có hậu, tuyệt vời cho chặng đường dài xuyên suốt 2 năm vừa qua” – Nguyên Vũ bày tỏ.
Hai năm trước, Nguyên Vũ bắt đầu quyết tâm chinh phục “Đường lên đỉnh Olympia”, như một cách để khẳng định mình. Đó là thời điểm em trải qua không ít khó khăn khi không thi đỗ vào trường THPT chuyên, cũng không giành giải học sinh giỏi.
Những thất bại liên tiếp đã khiến Nguyên Vũ buồn bã khá lâu với những ngày dài chán nản, thậm chí nghi ngờ bản thân. Tuy nhiên, trận chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 22 đã giúp Nguyên Vũ lấy lại quyết tâm của mình. Em tham gia các cộng đồng học sinh đã và muốn tham dự cuộc thi này trên internet, đăng ký các trận đấu tập và lên chiến thuật tự ôn luyện. Em còn trau dồi kiến thức từ sách giáo khoa, tích lũy hiểu biết xã hội bằng tin tức trên báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng.
Khi nộp bản đăng ký chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, Nguyên Vũ cho biết cả những thất bại của mình và khi nhận được giấy mời tham dự cuộc thi, em đã hét lên vì sung sướng. Ở trận đấu đầu tiên của “Đường lên đỉnh Olympia”, Nguyên Vũ giành 250 điểm.
Nam sinh này đã dành nhiều thời gian ôn luyện hơn cho cuộc thi tháng và quý, xem lại các trận đấu và đọc nhiều sách hơn. Với phong thái tự tin và khả năng quyết đoán, cộng thêm lợi thế về tốc độ bởi có suy nghĩ khá nhanh, ở cuộc thi quý, Nguyên Vũ giành 300 điểm để góp mặt trong trận chung kết năm.
Theo đuổi ngành công nghệ thông tin
Tiết lộ về bí quyết thành công của mình, Đặng Lê Nguyên Vũ cho hay đó chính là học với tâm thế thoải mái nhất. Đây cũng là điều mà em muốn chia sẻ với các thí sinh dự thi Olympia các năm sau và tất cả học sinh trên toàn quốc. Ngoài việc học, Nguyên Vũ còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để cuộc sống của mình có nhiều màu sắc hơn. Những lúc rảnh, em thích chơi bóng đá, nghe nhạc, đọc sách.
Đánh giá về học trò của mình, cô Nguyễn Thị Hải Yến, giáo viên chủ nhiệm của Nguyên Vũ, nhận xét em là học sinh toàn diện. Thông minh, nhanh nhẹn, có tố chất lãnh đạo, luôn chủ động lên kế hoạch cá nhân, Nguyên Vũ là một lớp trưởng trách nhiệm.
Không phải học sinh trường chuyên, Nguyên Vũ cho rằng mình có lợi thế nhất định vì thời gian học trải đều các môn và nhiều lĩnh vực khác nhau. Thế mạnh của Nguyên Vũ là toán và tiếng Anh. Em cũng đang cân nhắc theo đuổi khối A00 (toán, lý, hóa) hoặc A01 (toán, lý, tiếng Anh). Nói về dự định trong tương lai, Nguyên Vũ cho hay em đang có sự ngưỡng mộ lớn với các CEO về công nghệ trên thế giới và nghĩ mình có thể đi theo con đường này.
Trong khi chờ đến kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2023, Nguyên Vũ sẽ suy nghĩ về việc đi du học. Nếu du học Úc, em sẽ lựa chọn theo học ngành công nghệ thông tin. Bởi lẽ, em nghĩ rằng đây là một ngành có ứng dụng rất lớn trong tương lai, thậm chí sẽ là ngành chủ chốt để phát triển kinh tế Việt Nam và thế giới.
Ban Tổ chức nhận sai sót trong câu tiếng Anh
Hai giờ sau khi trận chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 22 kết thúc, Ban Tổ chức chương trình đã phát thông tin đính chính trên fanpage chính thức của chương trình.
Theo đó, trong phần thi “Về đích” của Vũ Nguyên Sơn (Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam), chương trình đã hỏi từ đồng nghĩa với “friendship” (tình bạn) trong một đoạn MV bài “See you again”. Câu hỏi này 30 điểm. Sau khi Nguyên Sơn không trả lời, Bùi Anh Đức (Trường THPT chuyên Sơn La) đã bấm chuông và đưa ra đáp án “bond”. Tại thời điểm đó, chương trình không công nhận câu trả lời của Anh Đức và đưa ra đáp án là “brotherhood”. Anh Đức bị trừ 15 điểm vì trả lời sai.
Ban Tổ chức cho biết đã kiểm tra lại với cố vấn tiếng Anh và câu trả lời “bond” được chấp nhận. Như vậy, có 2 đáp án đúng ở câu hỏi này là “Bond” và “Brotherhood”. “Câu trả lời của Bùi Anh Đức là hoàn toàn chính xác” – thông báo đính chính của chương trình nêu.
Anh Đức được cộng thêm 45 điểm (30 điểm vì trả lời đúng và 15 điểm đã bị trừ), nâng tổng điểm từ 75 lên 120. Điểm của các thí sinh còn lại giữ nguyên: Vũ Bùi Đình Tùng (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) 35, Vũ Nguyên Sơn 155, Đặng Lê Nguyên Vũ 205. “Số điểm của Anh Đức không làm thay đổi thứ hạng các thí sinh trong trận chung kết” – Ban Tổ chức cho biết và gửi lời cáo lỗi tới khán giả.