Theo các chuyên gia, thí sinh có thể căn cứ vào những nhóm nghề có cơ hội việc làm cao để chọn ngành sẽ theo học. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là xác định sở thích và sở trường của mỗi em để có được công việc yêu thích và phù hợp với năng lực.
Nhu cầu tuyển dụng cao
Điều tra, khảo sát của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) về nhu cầu đào tạo về giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm, đáp ứng thị trường lao động, năm 2021 đã liệt kê 20 nhóm nghề đã qua đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng có nhu cầu tuyển dụng cao.
Trong đó, đặc biệt chú ý đến các ngành có nhu cầu tuyển cao với lao động trình độ sơ cấp là may thời trang (53.557 người); tiếp đến là kỹ thuật chế biến món ăn (12.914 người); kỹ thuật xây dựng (5.936 người)…
Đối với trình độ trung cấp, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang (60.913 người); tiếp đến là vận hành máy xây dựng (29.050 người); kỹ thuật chế biến món ăn (27.478 người)…
Đối với trình độ cao đẳng, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang (67.624 người); tiếp đến là vận hành máy xây dựng (29.948 người); điện công nghiệp (26.227 người)….
TS Phạm Xuân Khánh – Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, theo thống kê của nhà trường, một số ngành đạt tỉ lệ cao đến 100% như: Chăm sóc sắc đẹp, Thiết kế tóc, Công nghệ hàn, Chế tạo thiết bị cơ khí, Thiết kế đồ họa… Các ngành này đa số có thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cũng có không ít sinh viên của trường có mức thu nhập cao lên đến 12-15 triệu đồng/tháng trở lên và được làm việc tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Thu nhập cao nhất 15,5 triệu đồng/tháng
Thu nhập cũng được phân theo trình độ, trong đó thu nhập bình quân cao nhất 15,5 triệu đồng/tháng.
Đối với trình độ sơ cấp: Nghề có thu nhập bình quân cao nhất là công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông (gần 9,2 triệu đồng/tháng). Sau đó đến là kỹ thuật xây dựng (8,1 triệu đồng/tháng); kỹ thuật thiết bị điện tử (8,06 triệu đồng/tháng). Thu nhập bình quân chung của lao động trình độ sơ cấp khoảng 5,7 triệu đồng/tháng.
Đối với trình độ trung cấp: Nghề có thu nhập bình quân/tháng cao nhất là nghề quản lý khai thác công trình thủy lợi (12,2 triệu đồng/tháng); tiếp đến là kỹ thuật sơn mài và khảm trai (9,75 triệu đồng/tháng); chế tạo thiết bị cơ khí (9,15 triệu đồng/tháng). Thu nhập bình quân chung của lao động trình độ trung cấp khoảng 6,3 triệu đồng/tháng.
Đối với trình độ cao đẳng: Nghề có thu nhập bình quân cao nhất là điều dưỡng (15,5 triệu đồng/tháng); sau đó đến quản lý khai thác công trình thủy lợi (14,1 triệu đồng/tháng); kỹ thuật sơn mài và khảm trai (10,2 triệu đồng/tháng). Thu nhập trung bình chung của lao động trình độ cao đẳng khoảng 7,3 triệu đồng/tháng.
Ngành “hot” nhưng phải phù hợp
Nhiều ngành nghề đang hứa hẹn cơ hội việc làm tốt, lương cao nhưng không phải vì thế mà các bạn trẻ bất chấp theo học.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục cho biết: Mỗi người chỉ có thể thành công nếu biết chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và ngành nghề xã hội đang thực sự cần.
“Một điều quan trọng trong chọn ngành nghề là bản thân phải thật sự yêu thích, phải xác định rằng càng là ngành nghề “hot” thì độ sàng lọc càng cao. Các em chỉ nên chọn những ngành nghề đó khi có năng lực, đam mê thực sự. Yêu nghề, học tốt sẽ không lo ra trường không có việc làm” – PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên gia tư vấn, hướng nghiệp chia sẻ: Khi chọn lựa nghề nghiệp, bên cạnh cơ hội việc làm thì điều thí sinh cần đặc biệt chú ý tới nội dung, ý nghĩa và giá trị xã hội của nghề nghiệp cũng như sự phù hợp của nghề nghiệp với xu hướng, nguyện vọng, sở trường của bản thân.
Học sinh nên định hình rõ ràng công việc của mình sau này sẽ làm để lựa chọn ngành học, bậc học cho phù hợp. Có những việc cần thiết phải tốt nghiệp đại học như bác sĩ, kỹ sư, giáo viên… nhưng cũng có những nghề như hướng dẫn viên du lịch, đầu bếp, công việc liên quan tới điện tử thực hành, cơ khí thực hành… Đây là những ngành rất thiếu nhân lực, các đơn vị cần đội ngũ kĩ thuật có tay nghề, biết ứng dụng thực tiễn nhưng lại ít được thí sinh quan tâm đến.
“Hiện công tác hướng nghiệp tại nhiều trường phổ thông còn thiếu thông tin, chưa chuẩn xác về tương lai công việc ở ngành học. Trong khi đó việc giới thiệu về ngành học cao đẳng lại quá ít, thiếu thông tin nên dẫn tới nhiều người chọn sai ngành nghề so với năng lực của bản thân” – ông Cường cho hay.
Huyên Nguyễn (Lao Động)